- Ngàn vạn ngư dân ấy, nhất là những con tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ, là những cột mốc sống chủ quyền.
>> Bí thư Thanh Hóa đối thoại với ngư dân
Chuyện của nhà văn Sơn Tùng
Nhà văn Sơn Tùng thiêm thiếp vô minh mấy năm nay bởi bệnh trọng.
Chừ, đôi hồi gẫm lại tự dưng ập về bao cảm giác bâng khuâng thương mến. Bởi những lần được gần ông, được ông kiến giải cho những điều này, việc nọ…
Như bức ảnh khá độc đáo chụp Bác Hồ kéo lưới với ngư dân Sầm Sơn đương treo trên vách nhà văn Sơn Tùng ở ngõ Văn Chương Hà Nội.
Đó là vào mùa hè năm 1960. Chính xác là ngày 17-7. Chuẩn vậy vì nhà văn Sơn Tùng vốn là chỗ quen biết của nhiều cận vệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chuyện này do cận vệ Nguyễn Tùng, người Nghệ An kể cho nhà văn.
Thời điểm đó Miền Bắc đang chuẩn bị Đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần thứ III. Hồ Chủ tịch bất ngờ ngỏ với Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác, bố trí cho Bác đi Sầm Sơn.
Bác muốn đi tắm biển (Sau này mới hay, chủ đích của Cụ là muốn coi xét nghe ngóng chiến lược Đường Hồ Chí Minh trên biển?).
Cụ thể khi đó, Bác yêu cầu đến tắm được gần dân. Yêu cầu là xa bãi tắm của du khách nghỉ hè.
Cụ nho nhỏ với một cán bộ đang sánh bước.
- Chú có biết kéo lưới rùng không?
- Dạ… không (cười trừ) - không biết Bác ạ.
- Thế chú biết cầm chèo chứ?
- Dạ cũng không, thưa Bác.
- Hử? Chú khai thành phần của chú là dân nghèo miền biển?
- Cháu ở vùng biển, nhưng chỉ làm công việc trên cạn, thưa Bác.
Bác cười. “Có lẽ Ban tổ chức thêm mục khai lý lịch thành phần “Ngư dân không biết nghề biển”.
Từ trong xóm chài ra bãi tắm, Bác mặc đồ của người đi nghề biển. Lướt nhanh ngõ một ngôi nhà gần đường. Dưới bóng dừa, trên khoảng sân, một cụ ngư dân cụ trạc tuổi Bác, tóc chưa bạc mấy, da dẻ hồng hào, vẻ tiên phong đao cốt. Cụ ngồi trên chõng tre với be rượu cùng đĩa cá vụn. Vừa đan lưới vừa trông mấy đứa cháu chơi ở sân. Cụ hướng về khách lạ.
- Mời cụ và mấy ông vô uống với tôi “Nhật tảo nhất bôi tửu” (Buổi sớm uống chén rượu)... Rồi hãy ra tắm.
Bác Hồ bước vào sân, chào hỏi ông cụ chủ nhà rất tự nhiên:
- Về già mà được cái thú vui “rượu sớm trà khuya” như cụ thế này là nhàn rồi, cụ nhỉ?
- Thưa phải... không giấu gì cụ, cũng chỉ mới được nhàn thân thôi, còn tâm thì chưa nhàn mô ạ.
Bác cầm chén rượu lên để đáp tấm thịnh tình của cụ chủ nhà.
Ông cụ thấy khách cầm ly rượu trong tay mà chưa nhấp môi… Bất ngờ cụ cười.
- Vô phép cụ, chẳng hay cụ biết bên Tàu, đời nhà Tần có tích “Bôi cung xà ảnh”....
Bác Hồ nhấp một chút rượu, Bác cười hiền hậu.
- Hóa ra cụ vẫn còn nhớ cái tích ông Lạc Quảng mời rượu bạn. Bạn thấy con rắn nằm trong chén rượu sợ không dám uống, về sau mới nhận ra đó là cái bóng dây cung treo trên xà nhà. Cho nên, tin nhau là điều tối quan trọng, phải không cụ?
Cụ chủ nhà thấy khách thông tỏ điển tích, lại tương đắc với mình, lại càng mặn chuyện.
- Quả vậy thưa cụ. Ở thời nay chúng ta không có “Bôi cung xà ảnh” mà có “Bôi trung nhật nguyệt ảnh” cụ ạ.
Cụ Hồ im lặng. Ngó nhìn ra biển…
- Hợp tác xã ta làm ăn khá không, thưa cụ?
- Ơn Đảng, Chính phủ và Bác Hồ… không giấu gì cụ và mấy ông, nói thì nghe rất hay, nhưng làm thì… khó nói quá… Xin lúc khác để cụ và mấy ông giờ ra biển. Trời còn dịu nước mát, lát nữa nắng cháy da sém thịt mất…
Bác Hồ lễ phép tạm biệt cụ. Ra khỏi ngõ, Bác thờ dài với các cán bộ cùng đi.
- Ông cụ chưa tin ở chúng ta để nói ra cái sự thật về cán bộ của hợp tác xã này. Ông cụ mới hé ra “nói thì nghe rất hay, nhưng làm thì…”. Sau tiếng “thì” ấy của ông cụ có thể là “làm tồi, làm dở, làm việc xấu… việc bậy bạ”...
Bác cởi trần chỉ mặc chiếc quần cộc, sải bước dài đi tới chỗ bà con đang đánh cá. Người vừa hỏi bà con “cá vào trong lộng có dày không”, vừa đưa tay cầm ngay dây kéo lưới rùng. Rồi non buổi sáng ấy kéo lưới với dân, Bác đã nghe được bao điều sự thật từ dân. Khi về, Bác giải thích cho anh em đi cùng.
- Ông cụ trong xóm chài nói “Bôi trung nhật nguyệt ảnh” nếu chỉ hiểu đơn giản thì “nhật” là mặt trời, “nguyệt” là mặt trăng. Tức là trong ly rượu có bóng của ngày rộng tháng dài. Còn có nghĩa, chữ nhật ghép với chữ nguyệt thành chữ minh. Minh là sáng. Thế thì “Nhật nguyệt tuy minh nan chiếu khúc bồn chi hạ”, mặt trời, mặt trăng tuy sáng nhưng không thể thấu được một khi cái chậu đã úp xuống. Cho nên, ông cụ xóm chài lúc nói về tình hình làm ăn của hợp tác xã, cụ hô khẩu hiệu “Ơn Đảng, Chính phủ và Bác Hồ “nhưng” hợp tác xã nói nghe rất hay còn làm thì… khó nói quá”…Thế nghĩa là, thực chất cái hợp tác xã có khác gì cái chậu đã úp xuống thì mặt trăng, mặt trời có sáng đến đâu cũng không thể rọi thấu được.
Ngay chiều hôm đó (17/7/1960), anh Vũ Kỳ theo ý Bác, đã mời các vị lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh xuống Sầm Sơn gặp Bác…
Mãi ít ngày Bác rời Sầm Sơn, người dân chài lưới nơi đây mới biết ông già kéo lưới với dân là Bác Hồ!
Sau câu chuyện của nhà văn Sơn Tùng nhiều năm. Tôi có về lại Sầm Sơn.
Qua những đận lang thang, được biết, ông cụ vạn chài từng hầu chuyện Bác sáng ấy là cụ Lê Văn Lược, người thôn Sơn, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương. Cụ Lược, nhà có máu mặt trong vùng, từng được theo học chữ Nho ít năm. Cụ, khi đó đã mất. Nhưng may gặp được ông Lê Văn Quý, con trai cụ Lược. Lại bất ngờ được ông Quý cho coi tấm ảnh Bác Hồ đang bế ông khi ấy (1960) ông Quý mới hơn 1 tuổi.
Việc này không thấy cận vệ Nguyễn Tùng kể cho NV Sơn Tùng.
Chuyện mấy ngày nay
Đã hơn nửa thế kỷ vèo qua. Sầm Sơn bao đổi thay. Chóng mặt.
Xóm Sơn, cái xóm chài thèo đảnh của xã Quảng Vinh, nơi Bác Hồ ghé, nay đã thênh thang thành một Phường Trường Sơn của Sầm Sơn.
Đã non tuần nay, hằng trăm ngư dân thị xã Sầm Sơn tụ tập trước cơ quan công quyền của xứ Thanh.
Các ngả đường quanh UBND tỉnh đã được lực lượng chức năng ngăn rào chắn. Người dân không thể tiến sâu vào bên trong nên họ kéo nhau ra giữa đường ngã tư đại lộ Lê Lợi (QL 1A cũ) để tụ tập phản đối, gây ách tắc giao thông.
Người dân còn kéo nhau sang cổng Tỉnh ủy cách UBND tỉnh khoảng 500m. Các lực lượng chức năng cũng đã “khép” chặt các ngả đường không cho người dân tiếp cận gần công sở.
Trong số ngư dân tụ tập có cả ngư dân xóm Sơn nay là phường Trường Sơn.
Yêu sách gì vậy? Hóa ra họ đòi… biển!
Số là Thanh Hóa hào phóng giao cho ông lớn FLC nhiều cây số bờ biển để xây khu nghỉ dưỡng hiện đại.
Theo các nhà chức việc xứ Thanh, dự án "Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương - thị xã Sầm Sơn" của FLC là một dự án quan trọng. Nó sẽ làm thay đổi bộ mặt Sầm Sơn. Một cú hích cho du lịch Xứ Thanh.
Đáp ứng kịp thời đòi hỏi của ngư dân, ngày 1/3, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân xã Quảng Cư, phường Trung Sơn và phường Bắc Sơn (thị xã Sầm Sơn) liên quan tới việc giao bãi biển cho FLC khai thác.
Cụ thể, tỉnh sẽ hỗ trợ giải bản ( một từ hơi bị hay thay cho từ tiêu hủy? Đồng nghĩa với việc tháo dỡ, phá bỏ) các loại tàu, bè nhỏ công suất dưới 20CV với mức 70 triệu đồng mỗi bè, 50 triệu đồng mỗi thuyền thúng. Với yêu cầu, ngư dân phải cam kết không đóng mới bè, mủng mới.
Các hộ có tàu, thuyền dưới 20 CV giải bản sẽ được hỗ trợ 30kg gạo/khẩu/tháng (trong 6 tháng. Nếu khi ngư dân tìm nghề mới, chính quyền sẽ hỗ trợ 12 triệu đồng mỗi hộ có bè và 8 triệu đồng mỗi hộ có mủng.
Gia đình nào giải bản trước ngày 15/3 thì được thưởng 10 triệu đồng mỗi bè hoặc mủng.
Quyết định cũng chỉ rõ, hộ nào muốn đóng mới tàu 30CV- 400CV sẽ được hỗ trợ một lần sau đầu tư 35% giá trị đóng tàu. Mức hỗ trợ thấp nhất là 125 triệu đồng, cao nhất 250 triệu.
Vậy mà cớ mần răng dân vẫn tụ tập. Rồi phản đối?
Hóa ra, coi xét cụ thể, chính sách hỗ trợ không phải là mấu chốt để giải tỏa đám đông tụ tập?
Qua tìm hiểu tiếp xúc với ngư dân, xin ghi lại vài kiến nghị, ngõ hầu tại sao ngư dân không đồng ý với chính sách hỗ trợ trên.
"Không đi biển thì chúng tôi biết làm gì? Thu hồi đất thì thu nhưng bà con chỉ xin các cấp lãnh đạo trừ ra một khoảng biển dài cỡ 500 - 1.000 m để neo đỗ tàu thuyền thôi. Bao đời nay các thế hệ người dân Quảng Cư sống bằng nghề này rồi".
Vậy đấy, ngư dân Sầm Sơn chợt giật thột cái điều, việc đền bù, tiền ấy lớn đấy, to đấy nhưng làm sao sinh lợi (và sinh lợi bằng kiểu chi?) để nuôi sống những tam đại tứ đại đồng đường bao đời nay bám biển một khi phải bỏ nghề?
Vậy nên cuộc hiệp thương giữa chính quyền và ngư dân đang có chiều cam go?
Nghĩ vội thêm, danh thắng Sầm Sơn nước Nam bao người nắc nỏm. Bây giờ có thêm ông lớn FLC hào phóng đầu tư, dẫu long lanh cách mấy nhưng bặt vắng đi những bóng thuyền gỗ, những mủng của ngư dân kiếm cá quanh lộng của khu nghỉ mát cùng những buổi mai đoàn người sắp hàng thẳng tắp kéo rùng, đánh rê ( như cái thuở Bác Hồ ghé xóm chài ) thì Sầm Sơn liệu có còn cái neo và cú hích cho du khách cái cảm giác thơ mộng huyền ảo?
Và nữa, ló dạng sự kiện này, chợt nhỡn tiền thêm cái quyết tâm bám biển của ngư dân Việt Bắc Trung Nam bao đời nay. Bất kỳ phương thức mưu sinh nào, bất kể hoàn cảnh nào, họ vẫn quyết bám biển, quyết nhao ra hướng biển, sống chết với biển như nhà thơ Uytman từng thao thiết biển cho ta vị ngon của cá của muối và cả những huyệt mộ đào sẵn.
Hơn thế, thời buổi bất trắc bây giờ, ngàn vạn ngư dân ấy, nhất là những con tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ, là những cột mốc sống chủ quyền!
Đã đành là khó. Là phức tạp. Nhưng nên chăng các nhà chức việc Xứ Thanh nên đôi hồi suy gẫm để giải bài toán vừa giữ được bãi tắm độc nhất vô nhị vừa chiều lòng du khách với những hình ảnh độc đáo (như ảnh Cụ Hồ kéo lưới cùng ngư dân chẳng hạn?) Và cả việc an dân bằng một lối hở - cũng là khoảng thoát cho không riêng ai…
Khoảng thoát ấy là ra hướng Biển?
14/12/2021 09:56
Xuân Ba