“Đang nằm trên giường sau giấc ngủ dài, tôi giật mình khi vợ bò bên cạnh giường với tay nói: 'Cứu em với, em không cử động được!'. Dù chưa tỉnh ngủ hẳn nhưng thấy vợ bất động bên cạnh giường, tôi vội vàng bật dậy trong ngỡ ngàng và sau khoảnh khắc đó là ký ức đáng sợ, cả đời này sẽ không thể quên”.

Đó là lời chia sẻ của anh Nguyễn Đạt Chiến (26 tuổi, trú tại Đồng Quang, Quốc Oai, Hà Nội) sau 10 tháng đồng hành cùng vợ trên hành trình cấp cứu chảy máu não (đột quỵ) và phục hồi chức năng.

Tìm sự sống trong hy vọng mong manh

Sáng sớm 13/3/2024, Phí Thị Trang (20 tuổi, vợ anh Chiến) đang mang bầu 6 tháng bỗng bị tai biến mạch máu não. 

Khi đi vệ sinh, Trang đột ngột đau đầu, choáng váng. Cô cố bò vào nhà cầu cứu chồng. Toàn cơ thể không cử động được, đầu đau như búa bổ, người phụ nữ trẻ chỉ kịp gọi chồng rồi ngã nhào ra sàn.

Ngay lập tức, gia đình đưa cô vào bệnh viện gần nhà cấp cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Tại đây, các bác sĩ thông báo Trang bị đột quỵ tình trạng “thập tử nhất sinh”.

Anh Chiến hoảng loạn khi bác sĩ thông báo vợ và đứa con trong bụng gần như không còn dấu hiệu sự sống. Cả đại gia đình nội ngoại gần 30 người đứng ngoài phòng cấp cứu ngỡ ngàng khi nhận tin xấu. 

Từ 2-3 tháng trước, Trang có dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu nhưng cô nghĩ do thai kỳ, cơ thể thay đổi, thiếu máu não. Người nhà cũng không ngờ đó là dấu hiệu tiềm ẩn cảnh báo bệnh lý nguy hiểm.

hoi sinh sau dot quy.png
Trang với vết sẹo dài trên đầu sau ca phẫu thuật. Ảnh: NVCC.

13h chiều hôm đó, bác sĩ gọi anh Chiến vào phòng gặp và thông báo tình hình vợ con. 

“Tai tôi ù ù khi nghe sự sống của vợ gần như không còn, có thể đối diện với chết não. Dấu hiệu sống của thai nhi cũng như vậy. Nếu mổ, cơ hội cũng chỉ 10%, khả năng sống thực vật, gia đình cần chuẩn bị tâm lý”, người chồng trẻ nhớ lại.

Anh Chiến và gia đình đồng ý mổ dù cơ hội mong manh. Người đàn ông trẻ 26 tuổi đã phải vượt lên nỗi sợ hãi khi chính mình ký vào quyết định sinh tử của vợ - con. May mắn, ca mổ thành công.

Hai ngày sau, anh Chiến được vào thăm vợ con. Nhìn người vợ ngày thường khỏe mạnh, hoạt bát giờ nằm im bất động bên những dây dợ, máy móc để duy trì sự sống, người đàn ông tự nhủ bằng mọi giá phải cứu được vợ con.

Năm ngày sau mổ, Trang chuyển ra phòng bệnh bình thường, cô nhận ra mọi người, có thể nói chuyện nhưng nửa người bên trái liệt hoàn toàn. 

Bác sĩ tư vấn trong giai đoạn 6 tháng tới, Trang cần phục hồi chức năng để tranh thủ cơ hội "vàng". Gia đình chuyển cô sang Đại học Y Hà Nội tiếp tục điều trị và phục hồi chức năng. 21 ngày sau, Trang xuất viện.

Đi khám thai bằng xe cấp cứu

Từ ngày vợ bị đột quỵ, anh Chiến gác lại hết công việc. Công ty nhỏ hai vợ chồng gây dựng trước đó cũng bàn giao cho anh em quản lý. Đối với người chồng, sự sống và phục hồi của vợ trong thời gian tới mới là quan trọng nhất.

Hằng ngày, anh Chiến cố gắng chiều theo tâm lý thất thường của vợ, nghĩ mọi cách để vợ được vui, tìm hiểu về các thực phẩm tốt cho người sau đột quỵ. Anh hiểu cảm giác lo lắng, căng thẳng của vợ khi từ cô gái xinh đẹp trở nên ốm yếu với mái tóc trọc lóc, phải ngồi xe lăn. Những nỗi lo về tương lai như "đứa trẻ sinh ra có khỏe không, sợ tương lai con sẽ khổ" anh giấu chặt trong lòng.

Từ sáng sớm tới 22h khuya, người chồng cố gắng bên vợ không rời. Khi vợ ngủ, anh mới bắt đầu công việc của mình. Hai tuần, anh thuê xe cứu thương đưa vợ tới bệnh viện kiểm tra thai một lần. “Tôi nghĩ rằng nhìn thấy hình ảnh con trên máy siêu âm, chắc chắn vợ tôi sẽ nỗ lực vượt qua nghịch cảnh. Mỗi lần đi khám thai về, tâm trạng của vợ tôi vui hẳn lên”, anh tâm sự.

vo chong trang.png
Vợ chồng anh Chiến cùng nhau tập luyện mỗi ngày. Ảnh: NVCC.

Sau 3 tháng đột quỵ, đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc khi bé Gấu chào đời. Từ ngày bác sĩ thông báo sự sống thai nhi gần như bằng 0 đến khi con trai khỏe mạnh chào đời, anh Chiến cảm nhận rõ như một phép màu với gia đình. Ông bố trẻ nhận hết công việc bỉm sữa để vợ được nghỉ ngơi. Khi con cứng cáp, hai vợ chồng nhờ ông bà ngoại chăm bé, tập trung đi phục hồi chức năng.

Sau 10 tháng kiên trì cùng vợ, anh Chiến nhận ra rằng tập luyện chính là cách để phục hồi dần. Anh tìm các chuyên gia có thể đưa ra bài tập phù hợp với thể trạng của vợ. 

Khi cơn đột quỵ chưa ập tới, hai vợ chồng có công ty phân phối, đơn hàng rất nhiều nhưng biến cố xảy ra, họ gác lại mọi việc tập trung chữa bệnh. Họ dự định sau khi Trang phục hồi hoàn toàn mới lo chuyện làm ăn trở lại. Chi phí điều trị và phục hồi chức năng vô cùng lớn, anh Chiến không nhớ và không muốn tính toán vì còn người là còn tất cả. 

benh nhan cap cuu (8).png
Gia đình của Chiến sau gần 1 năm xảy ra biến cố đột quỵ. Ảnh: NVCC.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Tấn Lộc, Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bệnh nhân Trang vào cấp cứu trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc nhưng cô còn trẻ nên phẫu thuật xong, tỷ lệ phục hồi rất nhanh. 

Xuất huyết não chỉ chiếm khoảng 15% số ca đột quỵ, người bệnh vào viện phải nằm hồi sức, kiểm soát huyết áp, nâng đỡ tổng trạng... nhằm giúp kích thước khối máu tụ không tăng thêm và làm giảm các biến chứng. Tỷ lệ tử vong của xuất huyết não lên đến 50% trong 3 tháng đầu, tiên lượng phụ thuộc chủ yếu vào kích thước khối máu tụ. Rất ít bệnh nhân nhẹ có thể tự hồi phục, đi lại được, phần lớn đối diện tàn phế vĩnh viễn.

Theo Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nặng và trẻ hóa có xu hướng tăng hơn trong thời gian gần đây. Có tới 70% bệnh nhân sau đột quỵ bị ảnh hưởng sức lao động. Người bệnh sẽ mất đi khả năng vận động, kèm theo rối loạn ngôn ngữ, thị giác, nhận thức,… khiến họ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Clip Trang rơi nước mắt khi đi lại được sau cơn đột quỵ lúc sáng sớm: