Chuyến công tác 10 ngày của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Mỹ và Brazil từ ngày 17-26/9 nhằm cụ thể hóa, triển khai những thỏa thuận trong tuyên bố chung Việt Nam – Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden; thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Brazil và quan hệ Việt Nam – Liên Hợp Quốc.
Qua đó góp phần nâng cao vị thế, uy tín và hình ảnh Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, thu hút thêm các nguồn lực để phát triển đất nước, thiết thực triển khai đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.
Clip Thủ tướng bấm nút khai mạc phiên giao dịch đầu ngày tại sàn chứng khoán Nasdaq ở New York:
Với các hoạt động dày đặc, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công rất tốt đẹp, đạt ở mức cao tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Điều đặc biệt là trong suốt hành trình dài từ Đông bán cầu sang Tây bán cầu, từ Bắc Mỹ tới Nam Mỹ, cả 6 lần di chuyển của đoàn công tác trên các chặng đường đều tranh thủ “những chuyến bay đêm”.
Toàn bộ thời gian ban ngày là các hoạt động dành cho các cuộc gặp gỡ, làm việc của Thủ tướng. Các hoạt động diễn ra liên tục từ sáng sớm tới tối muộn và đều bảo đảm thực chất, hiệu quả nhất.
Không khí mới, khí thế mới, cảm hứng mới
Nói về kết quả cũng như ý nghĩa của chuyến công tác lần này, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: "Chuyến thăm của Thủ tướng lần này có ý nghĩa rất quan trọng. Thủ tướng đã thăm Mỹ nhiều lần rồi, nhưng lần này có rất nhiều khác biệt”.
Thế giới đang trong quá trình điều chỉnh hết sức mạnh mẽ, đã làm thay đổi trật tự và cấu trúc về thương mại, đầu tư và xu thế hiện nay là chuyển dịch để thay đổi thị trường và chuỗi cung ứng. Điều này xuất hiện nhiều cơ hội cho Việt Nam.
“Việt Nam đang có chủ trương không phải chỉ ứng phó, đối phó một cách bị động, làm theo, đi theo mà chuyển hướng sang chủ động kiến tạo, tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức để nắm bắt những điều kiện, thời cơ mới, quyết định tương lai của mình”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và nhận định đó là điều rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Đặc biệt hơn nữa, Bộ trưởng KH&ĐT cho rằng, bối cảnh Thủ tướng công tác đến Mỹ lần này là lúc hai nước vừa nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Điều này đã tạo không khí mới, khí thế mới, cảm hứng mới cho các nhà đầu tư Mỹ.
“Các nội hàm của tuyên bố chung được Thủ tướng chỉ đạo và chúng tôi cũng thiết kế theo hướng có đổi mới”, ông Dũng cho hay.
Cụ thể, các chương trình xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư lần này không làm diễn đàn, tọa đàm quy mô lớn mà tập trung vào các ngành, lĩnh vực, các đối tác mà Việt Nam mong muốn hợp tác. Đó là lĩnh vực về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được thiết kế thành một chủ đề riêng. Thủ tướng đã có các cuộc gặp riêng với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng có các cuộc gặp với các doanh nghiệp hàng đầu Mỹ về bán dẫn; các quỹ, tổ chức tài chính, ngân hàng hàng đầu Mỹ liên quan trung tâm tài chính ở TP.HCM.
“Đó là cách tiếp cận mới, thiết thực hơn, hiệu quả hơn, có trọng tâm trọng điểm hơn”, Bộ trưởng KH&ĐT khẳng định.
Là người thường xuyên tháp tùng Thủ tướng công du đến nhiều nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận xét “chưa bao giờ doanh nghiệp Mỹ phấn khởi như lần này”. Họ được cổ vũ bởi tuyên bố chung của hai nước. Và họ cũng đánh giá rất cao môi trường đầu tư cũng như vai trò của Việt Nam và cách Việt Nam vượt qua khó khăn để ổn định, phát triển.
Các doanh nghiệp cam kết và mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam cũng như đầu tư mới trong lĩnh vực hai nước có nhu cầu.
Thủ tướng cũng có định hướng với phía bạn, đưa ra các cam kết của Chính phủ, nỗ lực trong đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng…
“Ta cam kết có môi trường tốt để đón nhận các nhà đầu tư Mỹ”, ông Dũng nhấn mạnh.
Từ không khí đó, Bộ trưởng KH&ĐT dự báo, thời gian tới sẽ có làn sóng đầu tư mới vào các lĩnh vực chúng ta mong muốn như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chip bán dẫn, năng lượng, môi trường, giáo dục đào tạo…
“Ta đang hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp Mỹ, được hậu thuẫn và ủng hộ của Chính phủ Mỹ. Hy vọng Việt Nam sẽ đón nhận làn sóng đầu tư mới, tích cực của các doanh nghiệp Mỹ hàng đầu thế giới, có tiềm lực tài chính, công nghệ, thị trường, tác động ảnh hưởng tốt đến đầu tư nước ta”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trông đợi.
Ông Dũng cho biết, trong chuyến công tác, Thủ tướng đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ như Synosyp, Meta, Nvidia… bởi khoa học công nghệ là một trụ cột trong tuyên bố chung của hai nước. Mỹ ủng hộ Việt Nam phát triển ngành bán dẫn, trong đó tập trung vào các vấn đề như chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực tham gia vào khâu thiết kế chip,…
“Lần này, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia của Bộ KH&ĐT ký 3 biên bản ghi nhớ rất quan trọng để hỗ trợ chúng ta về trung tâm nghiên cứu và trung tâm đào tạo, hướng tới xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với quy mô lớn trong thời gian từ nay đến năm 2030 trong ngành bán dẫn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Theo ông Dũng, trong ngành đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực rất quan trọng. Vì vậy, trong các cuộc làm việc của Thủ tướng vừa rồi, hai bên đã bắt đầu triển khai, tới đây sẽ bàn chi tiết.
Thách thức nhưng hoàn toàn có khả năng
Với Brazil, Bộ trưởng KH&ĐT đánh giá đây nền kinh tế hàng đầu của Nam Mỹ, quy mô kinh tế lớn với thị trường hơn 200 triệu dân, diện tích rất rộng lớn và rất giàu tiềm năng hợp tác nhưng hợp tác đầu tư của chúng ta rất hạn chế, thương mại mới xấp xỉ 7 tỷ USD.
“Tôi cho rằng chuyến thăm chính thức Brazil lần này của Thủ tướng và các cuộc gặp với doanh nghiệp ở đất nước Nam Mỹ này có ý nghĩa hết sức quan trọng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Thủ tướng nêu rõ, quan hệ chính trị hai nước rất tốt đẹp nhưng quan hệ kinh tế còn rất nhiều dư địa và tiềm năng. Thủ tướng gợi mở nhiều cơ hội cho hai bên hợp tác và đặt mục tiêu thương mại hai chiều đến năm 2025 đạt 10 tỷ USD, đến 2030 đạt 15-20 tỷ USD.
“Đây là một thách thức nhưng hoàn toàn có khả năng, hai bên cần tăng cường thúc đẩy xúc tiến thương mại để mở rộng mặt hàng xuất khẩu lẫn nhau”, Bộ trưởng KH&ĐT nói.
Riêng về đầu tư, Thủ tướng yêu cầu giới thiệu nhiều tiềm năng của Việt Nam cho doanh nghiệp Brazil. Ngược lại, Brazil còn nhiều tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia, nhất là trong lĩnh vực thị trường tiêu dùng rất rộng lớn ở Brazil và khu vực Mỹ Latinh.
Bên cạnh đó là lĩnh vực nông nghiệp, có thể tham gia thị trường, thu hút nhà đầu tư Brazil về Việt Nam trong các lĩnh vực họ có thế mạnh. Doanh nghiệp Việt cũng có nhiều cơ hội sang bên này.
Đưa văn hóa Việt Nam hiện diện ở các sự kiện quốc tế
Một nét mới trong chuyến đi lần này được Thủ tướng nhiều lần nhắc đi nhắc lại đó là hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch.
Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây là những nội dung nhằm cụ thể hóa quan điểm của Đảng “đặt văn hóa ngang tầm kinh tế, xã hội”, đưa văn hóa Việt Nam hiện diện ở các sự kiện quốc tế.
Vì vậy trong chuyến đi lần này có nhiều nội dung Bộ VH-TT-DL cần phối hợp, hợp tác với đối tác Mỹ để triển khai trong tương lai.
Ngoài ra, Bộ VH-TT-DL đã thiết kế, tổ chức một số hoạt động văn hóa tại Mỹ. Trong đó đáng chú ý là triển lãm ảnh về đất nước, con người Việt Nam - Quá trình đổi mới và hội nhập. Qua đó giúp bạn bè Mỹ hiểu rõ hơn về đất nước Việt Nam đang phát triển, sẵn sàng làm bạn với tất cả các quốc gia, hợp tác để cùng phát triển.
Bộ cũng tổ chức chương trình nghệ thuật giới thiệu nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
“Chúng tôi thấy rất phấn khởi vì sự kiện này thu hút giới chính khách và nhân dân nước Mỹ, cho thấy hoạt động này hiệu quả và góp phần vào thành công chuyến thăm của Thủ tướng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Trong chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng tại Mỹ và Brazil, tại các cuộc hội đàm, hội kiến, Thủ tướng đã dành thời gian đề cập đến hợp tác văn hóa, thể thao và du lịch.
“Điều đó cho thấy Đảng và Nhà nước đang tập trung ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng là đưa văn hóa Việt Nam ra với bạn bè thế giới. Đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa của thế giới nhằm xây dựng nền văn hóa của ta đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc”, ông Hùng phân tích.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ VH-TT-DL đã tổ chức một số tiết mục, loại hình nghệ thuật nhằm đưa văn hóa Việt Nam có mặt ở các sự kiện quốc tế. Trong đó, tập trung hai điểm nhấn đó là triển lãm ảnh nghệ thuật về đất nước con người Việt Nam và Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh qua trưng bày, triển lãm ảnh, thu hút lượng lớn khán giả đến tham quan.
Cùng với đó là 2 chương trình nghệ thuật có tính chất giới thiệu, quảng bá văn hóa đặc sắc của Việt Nam, nhằm tăng sự hiểu biết và giao lưu văn hóa.