Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông" để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Ngược sông Rào Nậy của tác giả Nguyễn Hồng Lam.

Hồi bé tí, tàu hỏa đi ngang mạn Tây Quảng Bình, thấy sông chảy giữa núi non lô nhô, toàn núi đá vôi, trong văn vắt, nước lặng như tờ, tôi thích lắm. Bên bờ là làng quê heo hút. Từ phía Bắc vào, tôi thấy khi dòng sông bắt đầu rộng ra, giữa sông còn có một vài cù lao nhỏ xanh um với bờ cát trắng phau. Không hiểu trời sinh ra mấy cù lao đó để làm gì? Mặc kệ để làm gì, sông vẫn im lặng chảy. 

Mùa hè năm 1999, ruổi rong xe máy lên các bản người Rục Mo Ó Ồ Ồ, Rục Làn, Óc Sách (xã Thượng Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình), tôi đã có dịp băng ngang dòng sông ấy lúc nửa đêm. Qua sông bằng phà kéo tời, khách giang hồ ướp mình trong sông đêm đen thẫm nhưng vẫn kịp nhận ra bờ cát cù lao trắng phau phau đã từng thấy xa xa trên chuyến tàu đời thơ dại. 

Phà Rào Nậy còn một tên khác là phà Sảo Phong, xã Phong Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình. Từ Ba Đồn lên, phà Sảo Phong là chuyến thứ hai sau phà Minh Cầm, đoạn gần ga Lạc Sơn, băng ngang dòng Rào Trổ. Rào nghĩa là sông nhỏ, sông con đổ nước ra sông mẹ. Nậy thì lại có nghĩa là to, là đã lớn. Tên sông có nghĩa là dòng sông nhỏ... lớn, hoặc là sông nhỏ trưởng thành. Nghe hơi trúc trắc, mà có khi thế thật. 

Rào Nậy qua Tuyên Hóa 3.jpg
Rào Nậy qua Tuyên Hóa. Ảnh: Nguyễn Hồng Lam

Phát tích từ khu vực núi Cô Pi cao 2.017m thuộc dãy Trường Sơn, thượng nguồn Rào Nậy len lỏi qua núi non hiểm trở thuộc hai xã Dân Hóa, Trọng Hóa huyện Minh Hóa, sát đất Lào, rót nước từ Tây Nam chảy sang Đông Bắc. Đến các xã Thanh Hóa, Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa, sông uốn đáy chữ V, chảy ngược về hướng Đông Nam. 

Mải miết trôi, đến Minh Cầm, xã Phong Hóa, sông Rào Nậy nhận thêm nước Rào Trổ từ Hoành Sơn đổ xuống. Sông bắt đầu rộng ra. Qua khúc ga xép Lệ Sơn, nguồn Rào Nậy hóa thân thành sông Gianh, hoặc Linh Giang, xuôi ra biển. Chỗ đó hẹp, chỉ chừng 70m bề ngang. Chẳng hiểu sao, sông Gianh giới tuyến lại được chọn ở phía đồng bằng là thị xã Ba Đồn bây giờ, nơi hai bờ cách nhau hàng trăm mét. 

Nếu thật tâm muốn tiêu diệt nhau, hẳn các đời Chúa Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài sẽ thừa biết chọn nơi sông hẹp, dẫu ba trăm năm trước đoạn này vẫn chỉ là “hưu đạo, tần quan”. Dường như lịch sử là một cuộc cờ cố ý đi sai. Chọn nơi sông rộng, nước sâu là để tự có nguyên cớ khó khăn, tránh bớt đao binh. Chỉ có 7 cuộc giao chiến trong suốt hơn một thế kỷ rưỡi tranh chấp. Lịch sử đã chọn dòng sông, đoạn khó vượt qua nhất để làm ranh giới chia cắt, phải chăng là để chờ ngày non sông tái hợp?

Đại Linh Giang có lẽ là con sông miền Trung hiếm hoi không bị chặt khúc, băm nhỏ để làm thủy điện. Khoảng 160km dòng sông vẫn vẹn, lặng lẽ trôi qua những biến thiên lịch sử. Trên đường bôn tẩu, Hoàng đế bỏ ngai Hàm Nghi đã lưu lại gần trọn 3 năm ở miền Tây Quảng Bình, trước khi bị bắt vào ngày 26/9/1888, tại khe Tá Bào, Tuyên Hóa. 

Vào những năm 1950, “vàng Vua Hàm Nghi” đã hiện ra ở xã Trung Hóa, Minh Hóa. Tổng cộng có 3 nong phơi lúa tiền chữ “Đại” bằng vàng ròng, mỗi đồng nặng 12 chỉ. Tại thôn Đặng Hóa, Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tháng 10/1956, sau trận lụt lớn, người dân trong xã đã phát hiện và vớt được 214kg tiền vàng từ một hốc đá vỡ trôi ra suối. 

Gần hơn, giữa tháng 4/2003, một đám trẻ chăn trâu tình cờ phát hiện được tại hang Lèn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa một chiếc tráp gỗ khắc chữ Hán và hoa văn nhũ vàng rất đẹp, bên trong có một quả cau bằng kim loại màu đen, hai lư hương bằng đồng và 2 chìa khóa kiểu cổ. 

Ngày 3/1/2004, người dân Văn Hóa đã bất ngờ đào được hàng chục chum vại đựng đầy tiền cổ triều Nguyễn được chôn dưới một thửa ruộng, cách mặt đất chỉ chừng 0,6m. 

Đầu năm 2009, gia đình bà Nguyễn Thị Liên ở thôn Tân Sơn, Sơn Hóa, Tuyên Hóa đã phát hiện ra 3 đồng tiền cổ tại khe nước Trọt Su. Mỗi đồng tiền nặng 5 chỉ vàng. Có hai đồng đường kính 2,8cm, đồng còn lại đường kính 2,4cm. Hai đồng tiền này đều giống nhau, một mặt có hoạ tiết mặt trời, mặt kia có 4 chữ “Hàm Nghi thông bảo”. Rất có thể, tiền được đúc dập sau khi vua Hàm Nghi đã trên đường bôn tẩu. 

Một Vạn Chài gần cầu Minh Cầm.jpg
Một Vạn Chài gần cầu Minh Cầm. Ảnh: Nguyễn Hồng Lam

Những phát lộ bất ngờ ấy đã thắp lên trong lòng không ít người những khát khao tìm kiếm kho báu vương giả. Nguyễn Hồng Công là một sĩ quan biên phòng, công tác tại Long An. Mùa hè năm 1982, Nguyễn Văn Luật, anh trai của Công, thủy thủ tàu viễn dương, từ nước ngoài về có cầm theo và giao cho Nguyễn Hồng Công một tấm bản đồ bằng da “nghi là bản đồ kho báu vua Hàm Nghi”. 

Nguyễn Hồng Công còn tin chắc rằng, tất cả đường đi nước bước, cách giải mã các ký hiệu của tấm bản đồ đều đã được ghi chép đầy đủ trong một cuốn gia phả. Ngoài ra, ông còn sở hữu… một bài thơ có những câu như: “Hóa Sơn ghìm bước quân vương tới/ Mã Cú lưu gìn báu vật xưa”. 

Vậy là bỏ hết, đằng đẵng 30 năm sau đó, Công dành trọn đời mình cho sứ mạng truy tìm kho báu, với hàng chục lần bị đẩy đuổi, bị trục xuất, hàng chục lần ốm đau, tai nạn suýt mất mạng. Ngày đi, ông mới cưới vợ 3 năm, sinh được hai con một trai, một gái. Ngày 7/10/2013, Nguyễn Hồng Công được phát hiện đã chết ngay tại lán tìm kho báu trong rặng núi Mã Cú, xã Hóa Sơn, Minh Hóa, thi thể đã bắt đầu phân hủy. 

Làm báo, đa phần độc hành, chưa mấy khi đối mặt với nguy hiểm mà tôi phải run. Nhưng lần ấy, quá nửa đêm, khi bất đắc dĩ phải gọi điện cho bác sĩ Nguyễn Phương Thảo, con gái Nguyễn Hồng Công để báo tin dữ, tôi đã phải bối rối. Hôm đó, Thảo mới sinh con đầu lòng được 3 ngày. …

Ở xóm Thanh Lạng, xã Thanh Hóa, Tuyên Hóa, bốn anh em ruột họ Hoàng sinh ra mắt đều không có nhãn cầu. Luyện sống thực vật, 30 tuổi thì qua đời. Thượt sức khỏe rất yếu, hai đầu gối phình to ra như cối đá, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong xó bếp. Viên và Phong ổn hơn. Một tay búa, vài cái nêm và mỗi người một cây dao rựa, nhà nào gọi là họ đến. 

Lần tay rờ rờ, Viên canh cái nêm lên đầu thanh củi. Phong lần theo, ước lượng khoảng cách, độ dày, độ cứng. "Xong chưa?". "Xong!". "Một! Hai! Ba... Bụp". Một phát, chiếc búa 5kg trên tay Phong bổ xuống, súc củi tẽ làm đôi. Nhiều lần im lặng đứng nhìn, tôi thất kinh. Nếu là tôi, bổ củi kiểu đó chắc ít nhất cũng gãy tay mỗi ngày 2 lần!

Đoạn sông Rào Nậy chảy sau nhà họ, từ trên bờ xuống mặt nước phải cao chừng 15m, nước sông xanh ngăn ngắt và chảy khá êm. Phong buộc một đầu thừng vào gốc cây to và đặt dây vào tay Viên. Đầu dây kia, Phong quấn 2 vòng qua bụng và cứ thế lao thẳng xuống nước ngụp lặn mò trai, bắt ốc. Thỉnh thoảng, chân đạp phải con cá, con chình bị quấn trong đám rong, cậu cũng tóm luôn cho vào giỏ đeo ngang lưng.

z5589293067443_65ebd7eabb721d3f22dca835bca76d1e (1) (1).jpg
Sông vẫn chảy đời sông… Ảnh: Nguyễn Hồng Lam

Ngộp thở, Phong lại giật dây lia lịa để Viên gắng sức kéo lên. Không ít lần, sau mưa, nước sông dâng to và chảy xiết, đầu dây quanh gốc cây sút ra, khi Phong giật lia lịa, Viên cố níu dây nhưng sức yếu hơn, bị Phong lôi lộn cổ luôn xuống sông nhưng may… không lần nào chết.

Viên khoe có khả năng “ngửi” được… sóng điện thoại. Phong thì nhờ một người anh cùng cha khác mẹ làm nghề mộc đóng giúp hộp đàn, gỡ sợi cước từ cần câu làm dây, một chiếc lon sữa bò thay cho bầu, một thanh tre vót mỏng làm cần. Đám tang ma nào cũng có Viên gõ trống, Phong chơi đàn bầu nỉ non, thức trắng đêm trải lòng ra réo rắt. “Cưới hỏi thì thôi, nhưng đám ma thì phải đi chú ạ. Rồi mình cũng có khi phải đi về”. 

Năm 2010, Viên 39 và Phong 32 tuổi. Sau 10 năm chẻ củi, tẽ ngô, bắt ốc hai anh em dồn được một sổ tiết kiệm đã được hơn chục triệu đồng. "Bọn cháu chỉ khao khát có đứa con nối dõi. Chú coi có ai cùng hoàn cảnh (khiếm thị) như tụi cháu, giúp cho cháu với. Anh em cháu tình nguyện nhường lại sổ tiết kiệm, để họ nuôi con. Phải là người mù thôi, người sáng nhìn thấy bọn cháu là họ sợ!". Điệu ballade ven sông Rào Nậy, nơi thâm sơn cùng cốc, nghe tái tê lòng.

Anh  Cao Văn Thuỳnh, chị Cao Thị Loan ở xóm Hung, xã Lâm Hóa có 4 người con  đều bại não bẩm sinh. Đứa lớn 30 tuổi, nhưng thân hình chỉ như đứa trẻ 6 tuổi, tay chân co quắp, mồm miệng méo xệch đầy dãi dớt. Ăn, ngủ, tiêu, tiểu chỉ một chỗ. Ngày như đêm, cứ một đứa bất ngờ ò è gào lên là cả 4 đứa lại đồng ca, cùng rú lên nhưng âm thanh không tròn vành rõ tiếng, không ra được tiếng con người. Ăn, ngủ, tiêu, tiểu chỉ một chỗ. Đứa nhỏ, năm 13 tuổi, bỗng lên cơn. Lũ chó dọn vệ sinh giật mình, táp một phát. Nó thành đứa trẻ không chim!...

Anh Thuỳnh làm thuê, chị Loan chỉ ở nhà trông chừng bầy con điên dại. Khi lũ trẻ hơi yên, chị lại treo bó cước lên dệt lưới mành bán cho dân trong làng đem thả bắt cá ở sông Rào Nậy lượn qua sau xóm. Chị gỡ lưới thoăn thoắt. Chỉ tấm lưới tật nguyền bất hạnh phủ chụp đời vợ chồng chị là rối nùi, chẳng biết đâu mà gỡ.

Ngược sông Rào Nậy cả trăm lần, xóm làng ven sông tôi ngỡ quen thuộc từng gốc cây ngọn cỏ. Vậy nhưng vẫn không hiểu nổi, sao trời lại sinh ra cù lao trắng phau lấp lóa giữa dòng. Trời ạ, câu hỏi tưởng ngớ ngẩn nghìn năm không lời đáp, ai dè lại được khai minh bởi gã chạy phà răng nhuộm khói thuốc lào đang cười hềnh hệch: "Răng thì nỏ biết, nhưng không có cù lao đó, trai gái trong làng biết bơi đi đâu để… yêu nhau". Rồi liếc sang cô gái đang phụ đò, gã lại cười nham nhở: "Cũng nhờ hấn (nó, tức cù lao) mà bọn cháu giừ (giờ) mới thành vợ thành chồng. Mà đàn bà bơi ra bãi đó thì đẻ mắn lắm chú ạ. Ngó ri chứ ả nớ ba lứa rồi chú nờ!".

Sông vẫn chảy đời sông…

Nguyễn Hồng Lam

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

BOXtaitro_Dongsong.jpg