Tôi đi khắp bốn bể, năm châu, theo chiều dài của những Amazon, Nile hay Mississippi rộng lớn. Nhưng sông Dinh vẫn như sợi dây vô hình chảy tràn qua cuộc đời tôi và bè bạn.
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết Thăm thẳm sông Dinh của tác giả Nguyễn Hữu Tài.
Nhà tôi ở phía lở sông Dinh, trên đất vườn của ngoại.
Sông bắt nguồn từ lòng núi Vọng Phu, băng qua đèo cao, dốc sâu rồi chảy tràn ra biển rộng. Trên chuyến thiên hành muôn nẻo, sông ghé lại Ninh Hòa, bồi đắp phù sa, cung cấp nước tưới tiêu cho những thửa ruộng bạt ngàn, ấp ủ trong lòng nhiều loài cá tôm, cưu mang bao cuộc đời chất phác.
Chúng tôi coi sông Dinh như người bạn thân quen với bao vui buồn thời niên thiếu.
Vườn của ngoại có hàng tre cao, hai cây me già, gốc sung oằn người ra bến vắng, kèm mớ mận, ổi, xoài, cau trầu luôn là chốn để tụi tôi quây quần mỗi chiều đi học về thong thả. Sống sát bờ nhưng chẳng đứa nào biết bơi. Má sợ ma da kéo xuống sông nên cấm tiệt con nít thò chân xuống nước.
Niềm vui đơn giản của bọn nhà quê là nhìn bói cá từ trên cao đảo nghiêng bay xuống, chìa cái mỏ thiệt dài, nhanh như cắt, đớp một con cá rồi bay vút lên trời trong tiếng vỗ tay hò reo hớn hở. Hay ngó lên bụi tre, nhìn bầy cò quang quác rỉa cánh trên ngọn cong, rồi vỗ cánh bay đi tìm chỗ trú đêm.
Mùa lụt tràn bờ, dòng nước đục ngầu phù sa từ thượng nguồn hung hăng, cuốn phăng nhà cửa, cây cối, đất đai, khoét sâu thêm vào vườn của ngoại. Tụi tôi mê lụt lắm. Tranh thủ người lớn không ngó là xắn quần đi dẫm nước ngay. Những ngày nắng hạn, gió Nam non khô khốc làm nước bốc hơi. Giếng cạn trơ đáy.
Lòng sông như vũng nước trâu nằm. Không có nước xài, cả làng ra sông, đào hố giữa dòng, lấy thùng tôn quây lại thành giếng, lượm cát sỏi bỏ xuống lọc cho trong. Ẩn sâu dưới lớp bùn đen là những con hến to, vỏ đen thui, con trai thân dài, trắng ngà, hay ốc bươu mập tròn, đen nhánh. Cứ xách rổ, lấy chân khều khều dưới bùn, thò tay xuống lôi lên con hến bự chà bá đem về nấu cháo tiêu hành, ăn đổ mồ hôi hột.
Phía bên kia bờ, chỗ gốc cây sầu đâu là nhà dì Năm bán bột. Chiều nào dì cũng ra gốc sầu đâu buồn buồn ngó qua bến vắng. Chuyện tình thời con gái tóc xanh của dì với ông hàng xóm nổi tiếng khắp làng. Mỗi chiều dì ra giặt đồ, ổng bơi ghe qua nói dóc riết rồi thương nhau. Rồi ông đi lính chục năm chẳng về, tin báo tử cũng không. Bao mùa sầu đâu đi qua hờ hững, dì cứ trông hoài, ngóng mãi, mà tăm cá vẫn hoài mãi bóng chim.
Ở xứ này, ba tôi là một trong những người rành nhất về sông Dinh.
Với ông, việc lưới chài, dòng sông, con nước, chiếc ghe chỉ là nguồn vui ngày tuổi xế. Nhưng vào những năm khó khăn nhất của gia đình, ít nhiều, việc đánh cá cũng góp phần phụ má nuôi lũ con nheo nhóc.
Đồ nghề đi câu của ba gồm cái ghe neo dưới bến, bình ắc quy và bóng đèn leo lét. Mấy tấm lưới to nhỏ khác nhau. Lỗ to bắt cá trê, cá chép, nhỏ thì dành cho cá trèn, cá trắng. Ba tự làm cả chục cần câu cắm câu cá trầu (cá lóc) và chình, vì đó là hai loài thích nằm sâu trong hang, ít chịu ra ngoài như loài cá khác.
Trời vừa sụp tối, ba vác đồ nghề ra bến. Chất mọi thứ lên ghe, quơ mái chèo, chòng chành rẽ sóng nước một mình. Tôi đứng trên bờ, đưa tay vẫy vẫy. Ba la to, “bây vô trong đi. Trời tối rồi, đừng đứng trên bến không nên”. Ngày nào cũng thế, tôi cầu trời khấn Phật cho sông nước ả yên, để ba bình an vô sự.
Đêm từ từ rơi, cóc nhái ễnh ương cất lên bản hòa tấu vọng đất trời lẫn tiếng tắc lưỡi của kỳ nhông, kỳ đà và bụi tre kẽo cà nghe lạnh hết sống lưng. Vậy mà ba vẫn vững tay chèo, thuộc hết bao ngóc ngách, hang hốc và tính nết của các loài thủy tộc trên dòng sông ấy.
Tờ mờ sáng, ba về, quần ống cao ống thấp, áo ướt sương đêm, thảy cái vợt xuống ang nước sau nhà. Lũ con túa ra nhìn, mắt đứa nào cũng long lanh, mừng rỡ.
Chình là món ngon nhất ở sông Dinh, không nơi đâu bằng. Có lần ba bắt về một con nặng hơn chục ký, anh chị tôi lấy chà cho sạch nhớt, làm ruột, xắt từng khúc, ướp với nghệ tươi và gia vị, đem nướng trên than hồng, ăn kèm cơm trắng. Có thể gọi là thiên hạ đệ nhất món.
Cá trầu cắt khúc, um với bún tàu (miến), ngổ, hành ngò. Mùi thơm dậy đất trời. Đầu với bộ lòng để dành cho ba, còn khúc mình thì lũ con chia nhau thưởng thức.
Cá trê không vảy, mình nhớt, có mấy cọng râu trên đầu và hai ngạnh bén ngót. Đem kho tiêu, ta nói rất hao cơm. Cá trèn gần giống cá trê, cũng có râu, nhưng không ngạnh, mình lại dẹp, hơi ít thịt. Kho với lá gừng non là bá cháy bọ chét.
Cá trắng là đặc sản của quê tôi. Làm vảy, rửa cho sạch ruột, đem kho với lá gừng tươi và ít đậu tương. Trời ơi, xương cứng cỡ nào, chỉ vài tiếng thôi, gia vị thấm vô, nó sẽ mềm mượt nhưng thịt cá săn cứng mới hay.
Bữa nào bắt được nhiều cá rô, ba đem nướng trên than cho cháy đen, rồi móc bỏ ruột. Anh chị tôi ngồi cặm cụi gỡ từng miếng thịt còn đang bốc khói, bỏ vô cối giã với me non, khế chua, é trắng kèm gia vị thành món cá rô đâm sóc độc lạ, ngon kinh hồn. Ăn với bánh tráng nướng hay cơm nóng, phải nói là số dzách.
Con cua tám cẳng, hai càng, giương hai mắt đen thui, to tròn, liếc nhìn mọng nước. Đem cua đi luộc, chín vàng. Lột mai, gạch béo ngậy, thịt ngọt ngay. Con rạm cùng họ với cua nhưng nhỏ hơn và đen trùi trũi. Lột mai, bứt càng, quăng que, bẻ thân làm đôi để ram tiêu giòn rụm.
Ba ba là loài thủy tộc quý và hiếm nhất sông Dinh. Lâu lâu mới chịu dính câu một lần cho ba nở mày nở mặt. Xào ba ba với cà dĩa, khổ qua, cải chua và nêm hành ngò thì là số một. Có lần lụt lớn, ba thả nơm, đón tép từ thượng nguồn tràn về đầy hết cả ghe. Nửa đêm, giữa mưa gió sấm chớp ba vác về mấy bao tép tươi. Lần đó, má tôi vừa phơi khô treo gác bếp ăn dần, vừa đúc bánh xèo ngọt ngon, rồi xào với nấu canh, ăn cả tuần không hết.
Ba dẫn tụi tôi sang Mỹ tìm kế sinh nhai. Tạm biệt dòng sông, con nước, xóm làng, chia tay những đứa bạn mười mấy tuổi đầu da dẻ đen giòn vì nắng gió miền Trung, bàn tay sạm khô vì bao khổ cực trần ai, nhưng đôi mắt vẫn cứ long lanh ngập tràn hy vọng.
Má tôi mất trong đêm cuối năm se lạnh. Ba về sống với con cháu những ngày tuổi xế. Ngoài bảy mươi, sức khỏe không còn như xưa để một mình lênh đênh trên sóng nước. Ông bỏ nghề, treo ghe, gác mái chèo lên chái bếp. Nhiều khi nhớ nước lớn nước ròng, ba kêu anh tôi vác ghe ra bến, leo lên ngồi, chòng chành một đỗi rồi lặng lẽ đi vô.
Những năm sau này, nắng nóng khắc nghiệt hơn nên chính quyền xây đập chị Trừ giữa dòng Dinh để giữ nước tưới tiêu cho ruộng lúa.
Ninh Hòa là vựa rau lớn nhất Khánh Hòa. Nửa đêm, ra chợ Dinh, thấy hàng trăm chuyến xe chở các loại rau tính toàn chục tấn từ mọi ngả đường, ngóc ngách làng quê về bán buôn nhộn nhịp. Tờ mờ sáng, rau được thương lái chở đi khắp tỉnh thành tươi rói. Rồi chục năm trước, Nhà nước xây bờ kè bê tông cốt thép dọc sông Dinh chống lở đất. Hàng tre, mắm, sung ven sông bị chặt mất tiêu.
Hang ổ của cá tôm không còn nữa. Tụi nó bỏ dòng Dinh đi mất biệt. Miếng ruộng phía sau nhà dì Năm bị vô một khúc, cây sầu đâu bị bứng gốc quăng đi. Nghe đâu dì buồn quá, nằm liệt hết mấy ngày. Lúc tỉnh hồn, dì lần ra bến, lượm mớ hoa cuối mùa rơi vãi trên nền đất, phơi khô, bỏ vô bịch nilon treo lủng lẳng trên đầu giường ngủ.
Tôi đi khắp bốn bể, năm châu, theo chiều dài của những Amazon, Nile hay Mississippi rộng lớn. Nhưng sông Dinh vẫn như sợi dây vô hình chảy tràn qua cuộc đời tôi và bè bạn. Giữa Sài Gòn, Hà Nội hay Anh, Mỹ, Pháp, mỗi lần nghe nhắc hai chữ sông Dinh, mắt đứa nào cũng sáng rực lên, nhận đồng hương, mừng mừng tủi tủi.
Mỗi lần về quê, đi qua cầu Dinh, quay ngó phía hạ lưu thấy núi Hòn Hèo chiều nghiêng tự nhiên muốn khóc. Nhìn về phía thượng nguồn, hòn Vọng phu lờ mờ trong mây hoàng hôn đủ màu rực thắm. Năm dài tháng rộng, bao thế hệ lớn lên, ra đi, yếu già, nằm xuống, nhưng hai mẹ con vẫn miệt mài đứng đó, đợi kẻ chinh phu.
Tôi về xóm cũ, mấy đứa nhỏ cúi đầu chào chú, chào cậu, chào anh, chào ông, dù tôi chẳng nhớ con cái nhà ai. Đám con nít ngày xưa đã có vợ có chồng, đẻ cái sinh con, tha phương cầu thực khắp dải đất Việt thân yêu. Chỉ có tôi là đi xa nhất.
Mảnh vườn của ngoại giờ không còn nữa. Con cháu ngày một đông, chia năm xẻ bảy, xây cất cửa nhà. Cây me, sung, mận, cau, trầu mang hơi thở của ngoại và ký ức thơ trẻ của bọn tôi giờ đã thành hoài vãng. Chim bói cá không còn bay lượn trên bầu trời cao rộng. Lũ cò vạc chẳng còn bụi tre vút cao mà đậu chông chênh. Tuổi thơ của chúng tôi cũng đã theo gió, theo mây, theo lũ chim trời bay về phương nào xa thăm thẳm.
Cũng may, tôi còn có sông Dinh để tìm về mỗi khi chồn chân mỏi gối.
Nguyễn Hữu Tài
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.
Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.