Câu chuyện thất thu thuế lâu nay vốn dĩ đã ở dạng thức: khổ lắm, biết rồi, nói mãi. Và khi cơ quan thuế quyết liệt chống thất thu thì câu chuyện lại càng trở nên dài kỳ vì hoàn toàn không dễ giải quyết hàng tá vấn đề rối như tơ vò hiện nay, nếu không thay đổi tận gốc.

Bà Trịnh Thị Mỹ Lan, Phó chủ tịch UBND quận 12, TPHCM, tại hội nghị của ngành thuế diễn ra cách đây chưa lâu, báo cáo rằng khi thực hiện kiểm tra chống thất thu thuế tại các doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong lĩnh vực quán ăn, nhà hàng, khách sạn, cơ quan chức năng của quận đã truy thu được khá nhiều tiền thuế cho ngân sách.

Tại 11 doanh nghiệp được kiểm tra, cơ quan thuế truy thu hơn 500 triệu đồng; còn với 279 hộ kinh doanh thì số thuế tăng thêm bình quân là gần 80 triệu đồng/tháng. Có hộ kinh doanh ăn uống số thuế phải đóng hàng tháng tăng tới 500%! Tương tự, khi làm việc với các hộ cho thuê mặt bằng và cho thuê nhà trọ, cơ quan chức năng vừa buộc nhiều hộ kinh doanh phải khai thuế, vừa tăng số thuế phải đóng của những hộ đã thực hiện nghĩa vụ.

{keywords}

Cần chống thất thu, đảm bảo công bằng thuế có trọng điểm, đúng người và đúng lúc; phải làm từ gốc, chống thất thu ngay trong chính những người làm nhiệm vụ tính thuế, thu thuế cho ngân sách.

Câu chuyện của quận 12, một quận vùng ven của TP.HCM, như báo cáo của lãnh đạo quận này, cũng là tình trạng chung đang tồn tại ở khắp cả nước. Nguyên nhân sâu xa ở đây là hộ kinh doanh đã “bàn bạc” với cán bộ thuế phụ trách để được ấn một mức doanh thu từ đó ra mức thuế khoán “dễ chịu nhất”, dù có cả một lực lượng gọi là hội đồng tư vấn thuế phường, xã với nhiều thành phần tham dự (từ chủ hộ kinh doanh đến chủ tịch phường/xã, chủ tịch ủy ban mặt trận tổ quốc phường, xã... ).

Doanh nghiệp, với hình thức tự khai tự nộp và tự chịu trách nhiệm cũng không thiếu gì cách để kéo doanh thu xuống và đẩy chi phí lên cao. Mục đích cuối cùng là để giảm số thuế phải nộp xuống mức thấp nhất có thể. Nhưng, một mình doanh nghiệp thì chắc chắn không thể làm được vì không phải khoản chi phí nào cũng dễ dàng được công nhận là hợp lý, hợp lệ để được trừ.

Có trưởng phòng kế toán từng kể, mỗi kỳ báo cáo thuế, đều phải cố ý khai sai, sơ hở một số khoản mục để gọi là “chiều lòng” cán bộ thuế. Và cũng có vài lần, cán bộ thuế quen gọi điện kêu lần này cần có... biên bản đàng hoàng, tiền nộp vào ngân sách chính thức vì ở trên đã... giao chỉ tiêu rồi.

Thực tế này cho thấy, dư địa thu thuế là rất lớn. Cơ quan thuế cứ kiểm tra là sẽ tăng được số thu. Chẳng thế mà chỉ tiêu số thu ngân sách nhà nước năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước với tỷ lệ tới hai con số, đó là chưa kể đôi lần có quyết định giao thêm hay khuyến khích, động viên thu nữa. Và một trong những cách để đạt được chỉ tiêu thu, bao giờ cũng được chính cơ quan thuế đề ra, là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế ở nhiều lĩnh vực.

Lãnh đạo ngành thuế ở trung ương lẫn địa phương ở hội nghị triển khai công tác thu thuế nào cũng đều nhấn mạnh đồng thời với nhiều biện pháp nghiệp vụ thì công tác cán bộ rất quan trọng, sẽ xử lý nghiêm, kiên quyết những công chức nhũng nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp. Điều đó, phần nào đã chứng tỏ, cơ quan quản lý biết tiền thuế rơi rụng ở đâu và như thế nào. Câu chuyện chỉ còn là kiên quyết chấn chỉnh ra sao trên cơ sở vận dụng hành lang pháp lý sẵn có.

Trong bối cảnh này, nghĩ đến chuyện cơ quan thuế đang nỗ lực thu thuế của các cá nhân bán hàng trên mạng xã hội Facebook, Zalo,... mới thấy khó khăn vô cùng, thậm chí hoài công dù rằng đây là việc phải làm để đảm bảo công bằng cho các đối tượng kinh doanh.

Cán bộ thuế thuộc một chi cục thuế tại TP.HCM, nơi đang đẩy mạnh công tác này, nói là trong tay họ có quá ít công cụ. Một hộ kinh doanh, một doanh nghiệp, giả dụ không khai đúng, khai đủ, thậm chí không đăng ký kinh doanh thì cơ quan thuế vẫn có thể tìm đến nơi, hay nhờ sự hỗ trợ của các bên liên quan để đề nghị, yêu cầu thực hiện đúng nghĩa vụ thuế.

Nhưng với một tài khoản bán hàng trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội, thì khó lòng mà tìm ra, nếu họ đã cố tình giấu. Đó là chưa kể khả năng họ đóng tài khoản này, mở trang mới, dù mất thời gian thu hút người theo dõi (follow), không cần phải đợi đến lúc cơ quan thuế khóa tài khoản như suy nghĩ của một người trong ngành từng phát biểu (mà khả năng này khó có thể xảy ra, trừ phi chính Facebook, một pháp nhân của Mỹ vi phạm thỏa thuận với người dùng).

Việc thanh toán các giao dịch trên mạng cũng đủ dạng đủ hình, từ qua ngân hàng đến tiền mặt nhưng tất cả đều không có hóa đơn... Quan trọng hơn, theo cán bộ thuế kể trên, là không có thời giờ, nhân lực để làm một chuyện chưa đem lại hiệu quả, nhất là trong bối cảnh chính họ cũng bị áp rất nhiều chỉ tiêu và phải làm nhiều việc quan trọng khác.

Dẫn tất cả những câu chuyện trên để thấy cần chống thất thu, đảm bảo công bằng thuế có trọng điểm, đúng người và đúng lúc; phải làm từ gốc, chống thất thu ngay trong chính những người làm nhiệm vụ tính thuế, thu thuế cho ngân sách. Bên cạnh đó, còn phải hoàn thiện, xây dựng chính sách thuế chặt chẽ, minh bạch. Có như vậy, câu chuyện thất thu thuế mới có cơ hội bớt dài kỳ, cán bộ thuế bớt kêu nhiều việc, lắm chỉ tiêu.

Xa hơn, ngân sách nhà nước sẽ có thêm tiền và Nhà nước cũng không phải tính chuyện tăng sắc thuế nào đó khi vừa giảm sắc thuế kia như đã từng xảy ra.

(Theo TBKTSG)