- Việc đổi giờ học, giờ làm đã khiến sinh hoạt của người dân đảo lộn, trong những cảnh ấy đã xảy ra không ít chuyện bi hài.

TIN BÀI KHÁC

Tưởng nhầm là xe ôm

Quy định này đã thực hiện được một tuần, nhưng theo đánh giá của cả giáo viên và học sinh đến nay vẫn chưa thể bắt nhịp được, phụ huynh than phiền cuộc sống gia đình bị xáo trộn hoàn toàn.

Việc bố mẹ tan làm sớm, vật vã chờ con trước cổng trường đến 19h hay cảnh các ông bố bà mẹ lủng lẳng thêm một chiếc mũ bảo hiểm đến cơ quan không còn quá hiếm đối với các gia đình ở xa.

Anh Hà (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, con gái anh đang học lớp 10 tại một trường THPT trên địa bàn Cầu Giấy. Từ ngày có quy định đổi giờ học, giờ làm, anh được “lệnh” đưa đón con, vì cơ quan anh tan từ 5h, trong khi vợ anh phải 6h30 mới xong việc.

Phụ huynh đứng đợi trong mưa rét chờ con tan trường (Ảnh: Minh Anh)

Tuy nhiên, anh Hà cho biết, cơ quan anh cách nhà khá xa, nên hiếm khi anh về qua nhà mà rẽ đi đón con luôn. Từ cơ quan trên đường Quán Thánh đến Cầu Giấy, anh sẽ phải vượt qua chặng đường hơn 10km, chưa kể nhiều hôm tắc đường.

Còn nhớ như in buổi đón con hôm thứ 3 tuần trước, anh Hà cho biết: “Hôm đó trời lất phất mưa, tôi ngồi trên xe đợi con trước cổng trường từ sớm. Bất chợt có người vỗ vai hỏi chở xe đến Ngã Tư Sở lấy bao nhiêu tiền. Tôi giật mình quay lại, thì ra đó là một cậu sinh viên. Chắc có lẽ thấy mình đen đúa, kè kè thêm cái mũ, lại kiên nhẫn chờ trước cổng trường, nên cậu ta nghĩ tôi là xe ôm”.

Chị Nhung (Lạc Long Quân, Tây Hồ) có 3 đứa con, trong đó cô con gái lớn đang học lớp 10 tại trường THPT Cầu Giấy. Chị kể, sáng nào chị cũng phải dậy từ hơn 5h, tất bật chuẩn bị đồ ăn sáng, vội vã đưa cô chị đi học rồi lại vội vã về nhà đưa 2 đứa còn lại tới trường. Buổi chiều lịch trình ngược lại.

Mỗi ngày chạy lòng vòng đến gần chục quệt như thế, chỉ nghĩ đến thôi cũng thấy đủ mệt”, chị Nhung thở dài.

Chị Mai Lan (Đội Cấn, Ba Đình) chia sẻ, từ ngày thành phố đổi giờ học, chị thường xuyên đi làm muộn. Theo chị Lan, căn nguyên cũng chỉ bởi giờ học của cậu con trai lớp 2 trùng với giờ làm của chị.

Cứ nghĩ trường sẽ nhận học sinh sớm, nên tôi vẫn đưa con như giờ thường lệ. Ai ngờ bảo vệ không mở cổng, khiến 2 mẹ con đứng chôn chân trước cổng trường gần tiếng đồng hồ. Cuối tuần vừa rồi đã bị sếp phê bình, nhắc nhở, cứ tiếp diễn thế này chắc bị trừ lương, nhưng có lẽ đành chấp nhận, vì chưa biết xoay sở ra sao” - chị nói.

Nhiều bậc phụ huynh khác cũng gặp hoàn cảnh tương tự, không ít người trong số đó sợ muộn làm đã liều để con đứng ngoài cổng một mình.

Giáo viên chạy tiếp sức

Những thay đổi từ giờ học, giờ làm khiến phụ huynh lo lắng một thì giáo viên phải lo lắng mười. Họ vừa phải đảm bảo chất lượng dạy và học ở trường, vừa phải chu toàn cho cuộc sống gia đình như bao người khác. Nhất là khi cả 2 vợ chồng cùng làm giáo viên thì việc này không hề dễ dàng.

Cô Hoa, giáo viên một trường cấp 2 ở Hoàn Kiếm cho hay, mấy ngày đầu thực hiện thời khóa biểu mới, thời gian giao ca giữa 2 ca sáng chiều quá gấp khiến hầu hết giáo viên đều cuống cuồng.

Có hôm tôi phải chuẩn bị sẵn cơm hộp từ tối hôm trước để mang đến trường, vì 15 phút giao ca không đủ để tôi có thể chạy đi đâu đó ăn món gì lót dạ”, cô Hoa cho biết.

Cô Hoàng Tố Nga, giáo viên dạy văn trường tại THPT Cầu Giấy cũng cho hay, cơ quan cô cũng có một số cặp vợ chồng cùng làm giáo viên và hiện nay họ đang nháo nhác hết cả.

Lương giáo viên thấp, không đủ tiền thuê ô sin. Nên nhiều gia đình phải ghép con với các gia đình khác. Sáng ra dậy sớm đưa con đi 1-2 cây để gửi kịp giờ lên lớp, hôm nào không có tiết 1 thì đổi lại. Ngày nào cũng phải chạy tiếp sức như vậy, xót con nhưng cũng không thể làm khác”, cô Nga ngậm ngùi.

Cô Nga cho biết, bản thân gia đình cô cũng gặp không ít xáo trộn khi đổi giờ học ngay cả khi 2 con nhà cô đã có thể tự lập. Nhà cô ở Tôn Thất Tùng (Đống Đa), nên dạy xong tiết cuối buổi chiều thì về đến nhà cũng đã hơn 8h tối.

Khi ấy mới cơm nước, nấu nướng, ăn uống rồi lại dọn dẹp, chuẩn bị cơm trưa ngày kế tiếp. Xong xuôi đã chạm 11h đêm. Sau khoảng đó mới có thể ngồi vào bàn soạn giáo án. Nói chung khá mệt mỏi.

Theo cô Nga, việc đổi giờ học khiến hiệu quả học tập bị giảm sút. “Học sinh đã quen với nếp cũ và quen với đồng hồ sinh học của mình nên tầm 6-7h tối là khoảng thời gian học sinh đói, mỏi mệt, tiếp thu bài kém. Khoảng thời gian này không phải là giờ để học sinh sáng tạo nữa, mà chỉ là giờ để nghỉ ngơi, nạp năng lượng”, cô Nga nhấn mạnh.

Để tạo điều kiện cho giáo viên yên tâm giảng dạy, hiện một số trường đang tính đến phương án mở lớp giữ trẻ ngay trong trường THPT để trông con của các giáo viên sau giờ tan trường…

Bánh mỳ “trường kỳ kháng chiến”

Anh Hà (Hai Bà Trưng) có cậu con trai đang học tại trường THPT Trần Nhân Tông cho biết, thường ngày cả gia đình anh sẽ cùng tập trung ăn sáng, rồi bố mẹ đi làm, con cái đi học, nhưng từ ngày thành phố có quy định đổi giờ, không mấy khi vợ chồng anh được ăn tối cùng con.

Sau 19h tan học mà 19h30 đã đến giờ học thêm, nên thằng bé cũng chẳng kịp về nhà ăn uống mà thường ăn tạm bánh mỳ dọc đường để đến lớp cho kịp”, anh Hà xót xa.

Giờ học tan quá muộn, khiến không ít phụ huynh lo lắng về chuyện đi lại của con em mình Ảnh: Phạm Hải

Chị Hương (Cầu Giấy) thì bức xúc, chỉ vì thay đổi giờ học mà con chị đã phải nghỉ ở 2 lớp học thêm. Những buổi còn lại, để tranh thủ thời gian, mỗi khi đến đón, chị cũng thường mua luôn bánh mỳ để con vừa ngồi sau vừa “gặm” cho kịp học ca tiếp.

Ngoài chuyện ăn uống, chị Nguyễn Ngọc Hà (Long Biên) chia sẻ trên VietNamNet, chị rất lo lắng chuyện đi lại của con.

Chị kể con chị đang học cấp 3 tại trường THPT Kim Liên. Trong ngày thứ 2 đổi giờ, đến 21h mà vẫn chưa thấy con về, điện thoại thì không liên lạc được. Hốt hoảng cả nhà tá hỏa đi tìm thì thấy con đang khóc mếu đi về.

Hóa ra cháu mệt quá, ngủ gật trên xe bus nên bị bỏ bến. Khi phát hiện ra thì thấy toàn đường lạ, điện thoại lại hết pin, nên phải xuống bến lạ, thuê xe ôm chở về nhưng lại bị bắt nạt mất 150.000 đồng” - chị Hà cho biết.

Theo ý kiến của nhiều phụ huynh, có lẽ các nhà hoạch định giao thông mới chỉ quan tâm đến tắc đường mà quên mất rằng thế hệ trẻ mới là tương lai của đất nước.

Tuy nhiên, để hạn chế những khó khăn mà giáo viên và học sinh có thể gặp phải, mới đây, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết sau 2 tuần thực hiện, Sở sẽ tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm để tổng hợp ý kiến, có thể kiến nghị lên các cấp quản lý thay đổi giờ tan học buổi chiều của học sinh.

Minh Anh