Cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử đầu tiên

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, từ tháng 2/2015, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã bắt đầu phối hợp cùng với Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) - Bộ GTVT, Cục CNTT và Thống kê - Tổng cục Hải quan  triển khai xây dựng Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của các thủ tục nhập khẩu phương tiện. 

Chỉ trong thời gian rất ngắn, đến 20/5/2015 hệ thống đã hoàn thành. Ngày 25/5/2015, khai trương dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đầu tiên cho các thủ tục kiểm tra nhập khẩu tham gia vào cổng thông tin một cửa Quốc gia. 

Cục là một trong những cơ quan quản lý Nhà nước đầu tiên cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử trên hệ thống của Tổng cục Thuế. Kể từ đầu năm 2017, 100% doanh nghiệp nhập khẩu đã thực hiện thủ tục trực tuyến, đến nay không còn hồ sơ giấy.

Cuối năm 2018, Cục đã triển khai thực hiện xây dựng “Hệ thống phần mềm nghiệp vụ thực hiện triển khai Dịch vụ công trực tuyến phương tiện sản xuất lắp ráp” theo hướng toàn trình, bổ sung các chức năng xử lý nghiệp vụ chuyên ngành, cấp phát hóa đơn điện tử và thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia. 

Chuyển đổi số giúp minh bạch việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng kiểm  

Kể từ ngày 6/6/2018 đã chính thức vận hành hoàn toàn trực tuyến sử dụng hồ sơ điện tử. Sau hơn 1 tháng triển khai đã thực hiện tiếp nhận trên 4000 hồ sơ trực tuyến, cho hơn 400 ngàn phương tiện xe cơ giới sản xuất lắp ráp các loại, đã cấp hơn 700 giấy chứng nhận điện tử trên hệ thống trực tuyến này. 

Cục vẫn tiếp tục đẩy mạnh, duy trì vị trí hàng đầu việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tham gia cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN từ năm 2015, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại.

Đến nay, Cục đã thực hiện ứng dụng tin học hóa toàn bộ các lĩnh vực hoạt động từ cơ quan Cục đến các đơn vị đăng kiểm trực thuộc; đã ứng dụng hoàn toàn các chương trình phần mềm tin học phục vụ cho công tác như: thẩm định thiết kế, quản lý đăng kiểm phương tiện, quản lý hoạt động các đơn vị. 

Tất cả phương tiện, thiết bị GTVT và dầu khí biển đều được cấp chứng nhận, cấp ấn chỉ từ các phần mềm quản lý. Cục cung cấp công khai dữ liệu về phương tiện trên cổng thông tin điện tử để các cơ quan và người dân tra cứu thông tin về kiểm định, niên hạn sử dụng, quá hạn đăng kiểm, nộp phí sử dụng đường bộ ...; đang thực hiện việc số hóa để lưu trữ và sử dụng hồ sơ dữ liệu tàu biển, tàu sông, xe cơ giới và các lĩnh vực khác.

Cục đã triển khai cung cấp Dịch vụ công trực tuyến cho 50/75 thủ tục hành chính trong đó có 21 thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đối với các thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến thì đã được thực hiện số hóa 100%.

Tiết kiệm thời gian, chi phí tới 40% - 60%

Nói với phóng viên về công tác chuyển đổi số trong thời gian qua, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Chiến Thắng cho biết, việc chuyển đổi số được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, tạo được bước đột phá, minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính. 

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số đã đáp ứng được các yêu cầu về chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, do đó sẽ giảm thời gian thực hiện thủ tục, giảm chi phí hoạt động, chi phí quản lý cho người dân và doanh nghiệp. 

Việc đặt lịch đăng kiểm bằng hình thức trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp 

Theo đó, giảm chi phí giấy tờ, in ấn, lưu trữ hồ sơ, nhân công thực hiện, chi phí đi lại, góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường... 

“Ví dụ ngay trong thời gian vừa qua, để giải quyết tình trạng ùn tắc phương tiện xếp hàng chờ kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm do quá tải gây bức xúc, mệt mỏi và tốn kém cho người dân, gây ùn tắc giao thông, Cục đã triển khai phần mềm đặt lịch kiểm định trực tuyến. 

Người dân có nhu cầu có thể thực hiện đặt lịch trên hệ thống trực tuyến, không cần mang xe đến trung tâm xếp hàng chờ, mất thời gian và tốn kém chi phí... Qua một ví dụ nhỏ này, hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ trong việc giải quyết công việc đã được thấy rất rõ ràng”, ông Thắng bày tỏ. 

Ông Thắng cũng cho biết thêm, đối với các thủ tục trực tuyến tham gia cổng một cửa quốc gia, báo cáo của các Bộ, ngành khi thực hiện thủ tục hành chính công trực tuyến tiết kiệm được 15-30% thời gian và chi phí. Riêng lĩnh vực đăng kiểm có thể tiết kiệm được nhiều hơn rất nhiều (tới 40% - 60%). 

Sở dĩ đạt được các kết quả nêu trên, theo ông Thắng  là do áp dụng cơ chế hành chính công trực tuyến toàn trình, không chỉ trực tuyến trong quá trình nhận hồ sơ, trả kết quả mà Cục đã cải cách, xây dựng lại toàn bộ quy trình theo mô hình thực hiện hoàn toàn các công đoạn xử lý nghiệp vụ trong quy trình kiểm tra, chứng nhận trên hệ thống trực tuyến (từ việc kiểm tra ngoài hiện trường cho đến việc xử lý hồ sơ tại văn phòng).

Về kế hoạch dài hạn, thực hiện chủ trương xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số của Chính phủ và Bộ GTVT,  Cục Đăng kiểm Việt Nam đã xây dựng Đề án “Ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm” và đã được Bộ trưởng Bộ GTVT chấp thuận. 

Ông Thắng cho biết, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất và năng suất công việc: xây dựng các quy trình điện tử cho các loại hình công việc, áp dụng hệ thống CNTT giúp cải thiện hiệu suất, năng suất làm việc.

Nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp khi làm các thủ tục hành chính với Cục.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành lĩnh vực đăng kiểm, làm nền tảng hiện thực hóa chiến lược ngành đến năm 2030; đồng thời, góp phần giải quyết các vấn đề “nóng” cần giải quyết như đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, đăng kiểm các phương tiện thủy nội địa, dịch vụ công,…

Cung cấp các công cụ ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước và chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng kiểm giai đoạn 2023-2025,định hướng đến năm 2030 đặc biệt trong việc theo dõi, giám sát hoạt động đăng kiểm, phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về lĩnh vực đăng kiểm đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong toàn quốc; từng bước kết nối và liên thông dữ liệu với các hệ thống khác có liên quan.

Cung cấp các cơ sở dữ liệu quan trọng cho các đơn vị khác trong và ngoài ngành Giao thông vận tải.

Hướng tới mục tiêu 100% thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Thị Huyền Ngô, Thu Hằng, Nguyễn Thái Khang, Xuân Quý, Hoàng Hà