Thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, lấy gốc rễ là văn hóa doanh nghiệp

Từ những ngày đầu triển khai, Petrovietnam xác định công tác chuyển đổi số (CĐS) trong toàn tập đoàn là việc bắt buộc phải thực hiện để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, là công cụ để thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, vị thế dẫn dắt trong lĩnh vực hoạt động và nền kinh tế, góp phần xây dựng kinh tế số. 

Theo mục tiêu thực hiện CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tập đoàn xác định rõ thay đổi về nhận thức có vai trò quyết định trong CĐS. Theo Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, tập đoàn cần xây dựng văn hóa về sự chia sẻ, phối hợp, văn hóa học tập thông qua quá trình đào tạo và tinh thần tự học. 

Lễ ký kết Hợp đồng tư vấn xây dựng chiến lược chuyển đổi số Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tháng 4/2021 

Đại diện tập đoàn cho hay, Petrovietnam đã phổ quát được nhận thức về CĐS và vai trò của CĐS trong toàn hệ thống, biến nó thành một phần của văn hóa dầu khí. Doanh nghiệp xác định văn hóa số mới là gốc của CĐS. Bên cạnh đó công tác truyền thông và đào tạo về CĐS cũng cần đặc biệt chú trọng.

Để tạo động lực cho CĐS, tập đoàn xây dựng chính sách nhằm sẵn sàng chấp nhận và thử nghiệm cái mới một cách có kiểm soát, làm điểm, làm nhanh, sau đó đánh giá và nhân rộng.

Bên cạnh đó, vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh thông tin là yếu tố then chốt góp phần CĐS thành công và bền vững. Các thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về công nghệ thông tin đều có cấu phần bắt buộc về an toàn, an ninh thông tin ngay từ khi thiết kế đồng thời cần phải thực hiện công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin một cách liên tục, không đứt quãng suốt quá trình triển khai, vận hành các giải pháp số.

Việc phối hợp giữa các bộ phận chuyên trách và toàn tập đoàn cũng được nhấn mạnh là nhân tố sẽ giúp tập đoàn thực hiện chuyển đổi số thành công.

Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện

Để cụ thể hóa các mục tiêu đề ra, ngay từ tháng 1/2022, tập đoàn đã ban hành “Tầm nhìn số PVN”, xác định mục tiêu CĐS của tập đoàn là: “CĐS hỗ trợ và thúc đẩy quá trình dịch chuyển mô hình kinh doanh, tối ưu phương thức hoạt động và nâng cao năng lực quản trị vận hành trên toàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam”.

Cho đến nay Petrovietnam đã hoàn thành xây dựng chiến lược CĐS, phê duyệt Lộ trình CĐS giai đoạn 2022-2026 để từ đó thúc đẩy thay đổi mô hình kinh doanh và nâng cao hiệu quả SXKD. Về mặt tổ chức, Petrovietnam đã xây dựng, hình thành bộ phận thường trực, bộ máy CĐS ở Petrovietnam và các đơn vị thành viên; đã số hóa được toàn bộ hệ thống quy trình và cơ sở dữ liệu; ứng dụng AI vào tối ưu hệ thống quản trị, phân tích dữ liệu...

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chủ trì một buổi họp về công tác Chuyển đổi số

Trong giai đoạn tiếp theo, tập đoàn cho biết sẽ ưu tiên tập trung nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tinh gọn và gia tăng tính linh hoạt của tổ chức, gia tăng sự gắn kết trong CBCNV và khả năng phối hợp giữa các bộ phận trong tập đoàn; giảm giá thành và chi phí. Tập đoàn cũng đặt mục tiêu phát triển bền vững (tiết kiệm nguyên vật liệu, vật tư, năng lượng và giảm ô nhiễm); thúc đẩy học hỏi, sáng tạo, đổi thay cách nghĩ và mô hình kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng (doanh số, thị trường, sản phẩm dịch vụ mới).

Tập đoàn cũng xác định quá trình CĐS là quá trình dài hạn cần đầu tư nguồn lực rất lớn. Do vậy, tập đoàn chọn những mũi nhọn đột phá, những cải tiến cấp thiết nhất để đầu tư, sau đó nâng cấp và mở rộng dần sang các lĩnh vực khác bên cạnh việc đào tạo kỹ năng chuyên môn của nhân sự để thực hiện chuyển đổi số.

Ngọc Minh