7/14 chỉ tiêu đã thực hiện đạt và vượt

Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, triển khai Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tính đến tháng 10/2024, có 7/14 chỉ tiêu đã thực hiện đạt và vượt; 6/14 chỉ tiêu còn lại đang tiếp tục triển khai thực hiện; trong đó có một chỉ tiêu hiện nay chưa được bộ, ngành hướng dẫn phương pháp đánh giá, có 3 chỉ tiêu dự kiến sẽ đạt được trong năm 2025 và có 2 chỉ tiêu khả năng khó thực hiện đạt đến mốc thời gian năm 2025 là tỷ lệ dữ liệu số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 70% và kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh.

Đối với phát triển chính quyền số, có 100% thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đã được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế-xã hội của tỉnh kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ...

Bình thuận 1.jpg
Tuổi trẻ La Gi tiên phong chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã kết nối, tích hợp, khai thác hiệu quả dữ liệu của các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, bộ, ngành Trung ương; phát triển kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đồng thời phát triển dữ liệu số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC để phục vụ tái sử dụng trong giải quyết TTHC nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, tổ chức.

Song song, triển khai phát triển dữ liệu công dân số được đẩy mạnh, đến hết quý III đã thu nhận trên 842.000 hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 676.000 tài khoản và cấp hơn 183.000 mã định danh cá nhân cho trẻ em, tỷ lệ dân số có danh tính số đạt 81,42%.

Mặt khác, ứng dụng Công dân số đã được triển khai sử dụng trên phạm vi toàn tỉnh kể từ ngày 19/4/2024, cung cấp thông tin đa dạng cho người dân; đồng thời, tạo kênh tương tác của người dân với chính quyền qua môi trường số...

Ngoài ra, tỉnh ưu tiên chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch và đạt nhiều kết quả nhất định. Trong đó, xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Bình Thuận với tên miền “muinevietnam.vn” và ứng dụng di động trên 2 nền tảng Android và iOS với tên “Binh Thuan Tourism”; tích hợp các cơ sở dữ liệu ngành du lịch và bản đồ số về du lịch Bình Thuận, tạo thuận lợi, hỗ trợ du khách chủ động trong việc lên lịch trình, tìm kiếm những địa điểm lưu trú, ẩm thực; phát triển các ứng dụng dựa trên công nghệ thực tế ảo (VR360), sử dụng QR Code để giới thiệu các điểm tham quan đặc trưng của tỉnh; số hóa Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ; Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận, Dinh Thầy Thím, thắng cảnh Bàu Trắng để đưa vào phục vụ nhân dân và du khách...

Nâng cao chất lượng sống của người dân

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số tỉnh năm 2025, trong đó yêu cầu tập trung phát triển hạ tầng dữ liệu số, nền tảng số góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

Để đạt mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số; tiên phong, gương mẫu sử dụng các nền tảng số trong hoạt động chỉ đạo, điều hành.

Người đứng đầu các sở, ngành và địa phương được UBND tỉnh giao tại các đề án, chương trình, kế hoạch, quyết định và các văn bản chỉ đạo trong lĩnh vực chuyển đổi số; phân công tổ chức thực hiện phải đảm bảo nguyên tắc “rõ mục tiêu, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”.

Cùng với đó, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước làm việc trên địa bàn tỉnh.

Liên kết với các trường đại học, cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu trong và ngoài tỉnh nhằm tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; khuyến khích các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh tham gia đào tạo nguồn nhân lực về chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện chuyển đổi số của tỉnh.

Ngoài ra, cần tranh thủ tối đa và phát huy hiệu quả nguồn vốn, kinh phí hỗ trợ từ Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác thông qua các chương trình, đề án thực hiện chuyển đổi số; tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển hạ tầng, nền tảng và dữ liệu số...

Theo THU HÀ (Báo Bình Thuận)