Cùng với Ban chỉ đạo chuyển đổi số được thành lập từ thị xã đến cơ sở, Quế Võ thành lập Ban chỉ đạo xử lý thông tin trên môi trường mạng, Tổ công tác thực hiện Đề án 06 cùng 111 Tổ Công nghệ số cộng đồng tại các thôn, khu phố. Từ năm 2022 đến nay, thị xã tổ chức 05 đợt kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện ký số văn bản điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, hướng dẫn tiếp nhận và trả lời phản ánh, kiến nghị của công dân trên thiết bị di động. Tổ chức 02 đợt tập huấn về chuyển đổi số, giao chỉ tiêu và ký giao ước thi đua giữa các cơ quan, đơn vị, các xã phường trên địa bàn.
Trong lĩnh vực Chính quyền số, 100% cán bộ, công chức các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể thị xã được cấp và sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ. 100% cơ quan, đơn vị thuộc UBND thị xã, 100% UBND các xã, phường triển khai tạo lập hồ sơ công việc trên Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành có ký số văn bản điện tử thay cho việc ký văn bản giấy. Từ năm 2022 đến nay, toàn thị xã phát hành 17.933 văn bản, trong đó ký số 17.772 văn bản, đạt tỉ lệ 99,1%, vượt 4,1% so với mục tiêu đến năm 2025.
Đối với cấp xã, đã có 10.971 văn bản ký số trong tổng số 11.067 văn bản phát hành, vượt 9.1% so với mục tiêu đến năm 2025. Việc triển khai có hiệu quả quy trình gửi/nhận văn bản điện tử có ký số giúp cán bộ, công chức dần hình thành thói quen xử lý văn bản trên môi trường mạng, dần loại bỏ văn bản giấy, giảm chi phí văn phòng phẩm, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm văn bản, giúp nâng cao hiệu quả, năng suất làm việc, góp phần thực hiện cải cách hành chính.
UBND thị xã triển khai họp không giấy tờ trên nền tảng công nghệ mới từ tháng 07/2022. HĐND thị xã triển khai họp không giấy tờ từ đầu năm 2023. Qua đó, 100% các cơ quan, đơn vị thuộc UBND thị xã và đại biểu HĐND thị xã truy cập tài liệu họp dễ dàng, thuận tiện.
Thị xã thực hiện 100% chế độ báo cáo thống kê về kinh tế xã hội qua hệ thống thông tin - báo cáo của tỉnh từ đầu năm 2022; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống báo cáo của tỉnh với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và các hệ thống khác theo quy định.
Ngay sau khi thị xã Quế Võ được thành lập và đi vào hoạt động kể từ ngày 10-4-2023 theo Nghị quyết số 723/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBND thị xã đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ cập nhật thông tin đơn vị hành chính mới cho 72 chứng thư số các cơ quan, đơn vị cấp huyện và 135 chứng thư số cấp xã; hỗ trợ các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, phường cập nhật mẫu con dấu mới vào phần mềm ký số văn bản điện tử.
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thay đổi các thông tin hiển thị, đường dẫn liên kết, các danh mục cơ quan, tổ chức… trên các hệ thống phần mềm dùng chung như: Quản lý văn bản điều hành, thư điện tử công vụ, Cổng TTĐT, Cổng dịch vụ công của tỉnh… phù hợp với đơn vị hành chính Thị xã.
Về ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp, chỉ tính riêng trong quý I/2024, thị xã tiếp nhận và xử lý 2.557 hồ sơ Thủ tục hành chính, trong đó tiếp nhận và xử lý trực tuyến 2.547 hồ sơ, đạt tỉ lệ 99,6%. Các xã phường trên địa bàn trong 2 tháng đầu năm tiếp nhận và xử lý 1.098 hồ sơ, trong đó tiếp nhận và xử lý trực tuyến 845 hồ sơ, đạt tỉ lệ 76,96%.
Về xử lý Phản ánh, kiến nghị (PAKN), toàn thị xã tiếp nhận 749 PAKN, đã xử lý 730 PAKN đạt tỉ lệ 97,5%. Trong lĩnh vực kinh tế số và xã hội số, 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động có tài khoản thanh toán điện tử đạt 45%.
Thời gian tới, thị xã Quế Võ tiếp tục ưu tiên nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số như củng cố trang thiết bị, cơ sở vật chất, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin tại các đơn vị gắn với triển khai ứng dụng và phát huy hiệu quả các ứng dụng dùng chung của tỉnh.
Chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, tiếp tục huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trong công tác chuyển đổi số. Tập trung thúc đẩy sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, phổ cập kỹ năng số để người dân được thụ hưởng các kết quả do chuyển đổi số mang lại.
Quế Võ xác định tiếp tục gắn các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Xây dựng và ban hành các văn bản quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành về công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; tăng cường gửi, nhận văn bản, báo cáo điện tử, ký số văn bản trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và các doanh nghiệp; thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ điện tử của các cơ quan nhà nước theo quy định.
Đồng thời tăng cường bảo mật thông tin mạng cho hệ thống công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông hướng dẫn người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng như việc giao tiếp với cơ quan nhà nước qua môi trường mạng.
Theo BĐT (Báo Bắc Ninh)