Đẩy mạnh chuyển đổi số, gắn với thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã tác động mạnh mẽ tới việc thay đổi tư duy, nhận thức thoát nghèo của người dân trên địa bàn huyện Minh Long (Quảng Ngãi).
Giảm nghèo về thông tin là một trong những nội dung quan trọng của công tác giảm nghèo bền vững, mà huyện Minh Long tập trung thực hiện trong thời gian qua. Nhờ đó, đến cuối năm 2024, toàn huyện có 318/886 hộ thoát nghèo và 70/263 hộ thoát cận nghèo.
Chuyển biến tích cực
Để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, xã Thanh An chú trọng tuyên truyền, phổ biến thông tin về các chính sách, chương trình, dự án và hướng dẫn kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn hoặc hệ thống truyền thanh cơ sở.
Ngoài ra, các ngành chuyên môn cũng tích cực hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống và sản xuất.
Chủ tịch UBND xã Thanh An Đinh Văn Dục cho biết, cùng với tận dụng hệ thống truyền thanh cơ sở hay cấp phát tờ rơi, thì từ năm 2020 đến nay, xã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền qua kênh Zalo.
Cùng với đó, các tổ công nghệ số cộng đồng cũng tích cực hướng dẫn người dân sử dụng các phần mềm như VNeID, thanh toán không dùng tiền mặt, nộp hồ sơ trực tuyến, đọc báo online, xem truyền hình trực tuyến... và nhiều tiện ích khác trên Internet.
Qua đó, giúp người dân quen dần với việc sử dụng Internet, để thuận lợi trong việc tiếp cận thông tin về chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, góp phần nâng cao kiến thức và học hỏi cách làm hay, mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Vì vậy, đến cuối năm 2024, xã có 74/170 hộ thoát nghèo và 7/33 hộ thoát cận nghèo.
Xã Long Sơn cũng đã chủ động thiết lập các nhóm Zalo trong cộng đồng dân cư, gồm: Một nhóm chung của UBND xã kết nối với các trưởng thôn và một nhóm của thôn, do trưởng thôn quản lý, kết nối trực tiếp với các hộ dân. Nhờ vậy, mọi thông tin cần thông báo, tuyên truyền đến người dân đều được truyền tải nhanh chóng và hiệu quả.
Ông Đinh Văn Trầm, ở thôn Gò Chè, xã Long Sơn cho biết, từ khi có nhóm Zalo này, mọi thông tin đều được cập nhật nhanh chóng, rõ ràng nên người dân nắm bắt kịp thời các chính sách mới.
Trưởng thôn, các hộ dân cũng thường xuyên chia sẻ lên nhóm những bài viết hay, mô hình hiệu quả để người dân cùng đọc, xem và học hỏi kiến thức, cách làm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản...
Người dân quen dần với việc tra cứu thông tin qua các kênh điện tử, sử dụng các dịch vụ trực tuyến, giúp sản xuất ngày càng hiệu quả.
Theo đánh giá của UBND huyện Minh Long, bên cạnh sự phát triển về cơ sở hạ tầng, huyện chú trọng “tăng giàu” về thông tin cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.
Trưởng phòng VH&TT huyện Minh Long Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, “nghèo” thông tin là một chỉ số thuộc tiêu chí thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.
Vì vậy, để giúp người dân tiếp cận, nắm bắt thông tin, kiến thức, Phòng VH&TT huyện chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú như xây dựng chuyên mục trên các phương tiện thông tin truyền thông; tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử, website của huyện và hệ thống truyền thanh cơ sở; cấp phát tờ rơi...
Từ đó, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các chủ trương, chính sách giảm nghèo; nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, phát triển kinh tế; học hỏi cách làm hay, mô hình kinh tế hiệu quả.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Thực hiện các nội dung của phát triển kinh tế số và xã hội số, thời gian qua, huyện Minh Long đã thành lập và duy trì hoạt động 37 tổ công nghệ số cộng đồng để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và hỗ trợ người dân khai thác, sử dụng các dịch vụ số; tương tác với chính quyền, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tham gia các hoạt động thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao kỹ năng tương tác trên môi trường số an toàn.
Đến cuối năm 2024, toàn huyện có 100% các thôn, khu dân cư được phủ sóng di động 4G; 85% hộ gia đình có kết nối Internet; chi trả không dùng tiền mặt cho 96,3% đối tượng an sinh xã hội; tổng số lượng tài khoản định danh điện tử cấp cho người đủ điều kiện trên 81%; tỷ lệ người dân ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận ít nhất 1 loại hình báo chí thiết yếu đạt 90%...
Ngoài ra, có trên 91% công dân từ 14 tuổi trở lên dùng thẻ căn cước công dân, VNeID thay BHYT trong khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế trên địa bàn huyện; có hơn 6.700 tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác (đạt gần 57,9%)...
Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết cho biết, thời gian đến, huyện tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách thúc đẩy chuyển đổi số theo hướng toàn diện, hiệu quả gồm hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số.
Trong đó, ưu tiên bảo đảm nguồn lực phát triển hạ tầng băng rộng, mạng di động 4G/5G, xóa vùng lõm sóng trên địa bàn huyện, cũng như thiết lập mô hình mạng truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã đồng bộ, bảo đảm an toàn thông tin.
Tăng cường thông tin thiết yếu
Huyện Minh Long tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung Nền tảng Sách, báo điện tử thiết yếu phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo về thông tin, thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025, do Bộ TT&TT vừa ra mắt. Nền tảng cung cấp sách, báo điện tử thiết yếu có tên miền sachdientu.vn và ebook.gov.vn; được xây dựng với cổng truy cập và ứng dụng đọc trên thiết bị di động (hệ điều hành IOS và Android) để đọc sách điện tử và báo điện tử.
Cổng truy cập chia 2 phân hệ để đăng tải sách điện tử và báo điện tử riêng biệt. Sách điện tử được sắp xếp theo từng chương trình, đề án để bạn đọc tiện theo dõi, tìm đọc. Báo điện tử được sắp xếp theo thứ tự của các cơ quan báo chí. Hiện nay, nền tảng sách, báo quốc gia đã có 202 đầu sách điện tử (gồm sách multimedia, sách nói và sách điện tử thông thường) và 3.485 bài báo điện tử, trong đó có các dạng báo Infographics, Mega Story và báo hình (video).