Tháng 3, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết trên địa bàn tỉnh diễn ra 2 vụ chuyển nhượng hoa lan đột biến với tổng số tiền giao dịch lên đến 74 tỷ đồng. Cũng trong tháng 3, một chủ vườn lan ở Hải Phòng đã bán 5.000 con giống cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước với giá 250 tỷ đồng.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác Khoa học Kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương kiêm Chủ tịch Hội hoa lan Việt Nam, cho biết mức giá trên không phải là ảo.
“Với những giống lan đột biến như: Lan Vĩnh Khang, Đại Cát, Ngọc Sơn Cước..., nếu đạt tất các yếu tố khắt khe nhất của một bông lan đẹp thì có giá dao động 1-10 tỷ đồng/cm kie (mầm con phát triển từ mắt của cây mẹ)”, ông Quý nói.
Lan đột biến có giá bao nhiêu?
“Không có mức giá cụ thể cho lan đột biến. Độ đắt của một giống lan đột biến phụ thuộc vào độ hiếm, độ đẹp của mỗi cây”, ông Quý nói và cho biết hiện thế giới có khoảng 35.000 loài lan, riêng Việt Nam có khoảng 1.010 loại, còn lan đột biến thì có tầm 100 giống.
Theo vị giáo sư, không phải cứ lan đột biến là sẽ đắt. Có những giống lan đột biến có giá chỉ vài chục nghìn đồng như: Hạc Vỹ Trắng, Phi Điệp Trắng... Đây là những giống lan phổ thông trong cộng đồng chơi và thị trường, dễ tìm trong thiên nhiên, được nhân giống rộng rãi.
Lan hiện có khoảng 35.000 loại khác nhau trên thế giới. Ảnh: Hải Nam. |
Trong khi đó, Bướm Đại Ngàn, Juliet, Ngọc Sơn Cước, Đôi mắt Pleiku... là một số giống lan đột biến có giá thị trường rất đắt. Lý do được ông Quý giải thích là những giống lan này được thiên nhiên tạo ra qua hàng triệu năm, đồng thời, hoa mọc ra từ những cây lan này đạt độ hoàn hảo về các tiêu chí rất khắt khe.
Lấy ví dụ về giống lan đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ, Chủ tịch Hội hoa lan Việt Nam kể loài lan này được một đoàn Xiếc Trung ương tìm thấy vào năm 1972 ở Phú Thọ. Sau đó, họ bàn giao lại cho người dân bản địa nuôi trồng.
"Hiện nay, có những kie 5 cánh trắng Phú Thọ được định giá 400-500 triệu đồng/cm. Nhưng để có mức giá này, hoa từ cây phải đẹp hoàn hảo", ông Quý cho biết.
Cụ thể, cấu trúc cây phải sạch – xanh (tức không có vết nhom nhem, không dính màu sắc khác); bông phải trắng tuyền hoặc trong như ngọc; “vai” ngang – “cánh” bầu; “mắt” xước đều như lông mi con gái hoặc phải thật đậm; “môi” nhiều lông; hương thơm quyến rũ đặc trưng và đặc biệt “mũi” phải thật sạch và trắng như tuyết.
Các "bộ phận" của một bông hoa lan. Ảnh: H.N. |
Khi đạt đủ những tiêu chí trên, theo ông Quý, một giò lan 5 cánh trắng Phú Thọ có thể được bán với giá hàng trăm tỷ đồng, tùy vào độ cao của cây.
"Có những cây lan đột biến ra hoa đạt được hết những yêu cầu như vai ngang, cánh bầu, hương thơm... Nhưng nếu mũi hoa trắng sẽ có giá vài tỷ, còn mũi hoa màu khác lại chỉ còn vài trăm nghìn”, ông Quý chia sẻ.
Vị giáo sư cho hay hiện Việt Nam chưa có hội đồng hay cơ quan, tổ chức nào nhận trách nhiệm định giá lan. Mức giá sẽ do chính những người trong cộng đồng chơi đánh giá và đưa ra. Càng nhiều người đánh giá hoa đẹp, giá càng cao. Chính vì vậy, thời gian gần đây, khi trào lưu chơi lan “nở rộ”, nhu cầu tìm mua lan đột biến nhiều, dẫn đến giá lan bị “thổi” lên cao hơn giá trị thật.
Ông Quý nhận định, tình trạng này sẽ giảm và hết khi nguồn cung lan đột biến cân bằng với cầu.
Bị lừa vì ham rẻ, nhẹ dạ cả tin
Theo Chủ tịch Hội lan Việt Nam, lan đột biến có 2 loại, đột biến tự nhiên và đột biến nhân tạo.
Đột biến tự nhiên là sự thay đổi bản chất gen nhưng xảy ra một cách tự nhiên, được tích lũy hàng triệu năm và được thiên nhiên chọn lọc, giữ lại những tinh túy.
Con người khi tìm ra loài đột biến tự nhiên này thường sẽ sử dụng và nhân giống luôn. Đồng thời, những dòng lan đột biến tự nhiên sẽ có mức giá rất đắt bởi độ hiếm của nó.
Trong khi đó, lan đột biến nhân tạo về bản chất cũng là thay đổi hệ gen của cây nhưng do con người tác động. Điều này có nhược điểm là sự đột biến ở gen có thể biến mất và quay ngược về hình thái ban đầu (do nhân tạo nhanh nên kết cấu gen không bền vững). Ngoài ra, đột biến nhân tạo cũng có xác suất thành công rất thấp, phụ thuộc nhiều vào may mắn.
“Người tạo lan đột biến nhân tạo thường định hướng sự đột biến theo những tiêu chuẩn vốn có như vai ngang, cánh bầu, mũi sạch... Nhưng kết quả thường hiếm đạt được sự hoàn hảo, đột biến thành công nhưng lại không được công nhận”, ông Quý chia sẻ.
Trong ảnh là kie lan (mầm con phát triển từ mắt của cây mẹ). Ảnh: Hải Nam. |
Nói về tình trạng lừa đảo khi giao dịch lan đột biến thời gian gần đây, vị giáo sư cho hay những người bị lừa thường ham rẻ, thiếu kinh nghiệm và nhẹ dạ cả tin.
"Những kẻ lừa đảo thường sử dụng mạng xã hội để quảng cáo. Họ chụp ảnh, gắn tên lan đột biến rồi rao bán. Những kẻ lừa đảo này thường không bao giờ dám công khai chính xác tên tuổi hay địa chỉ vườn”, ông Quý nhận định khi nói về những vụ lừa đảo giao dịch lan qua mạng.
Còn đối với nhiều trường hợp bị hại đã đến tận vườn, xem tận mắt cây lan đột biến nhưng khi mua các kie về mới phát hiện bị lừa, Giáo sư Quý cho rằng do người mua thiếu kinh nghiệm.
“Không thể phát hiện hay phân biệt lan đột biến với lan thường qua các kie. Mọi kie giống nhau, chỉ khi ra hoa mới biết đó có phải lan đột biến hay không”, vị giáo sư khuyến cáo.
Chuyên gia đưa ra lời khuyên khi giao dịch hoa lan cần có hợp đồng bằng giấy tờ, phải tìm những nơi uy tín, đến tận vườn xem cây và được sự làm chứng của nhiều người.
Hôm 13/4, trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội, xác nhận cơ quan chức năng của thành phố đã tiếp nhận nhiều đơn trình báo lừa đảo liên quan việc mua bán hoa lan đột biến. Theo chỉ đạo của Bộ Công an, Công an Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ. Cơ quan công an cảnh báo tội phạm lừa đảo thường dựng lên giao dịch ảo, dàn cảnh nhiều người từ các nơi về đầu tư hoa lan đột biến để lừa đảo. Người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả, mặt hàng trước khi mua. Riêng ở Hà Nội, Công an huyện Hoài Đức đang làm rõ 6 đơn trình báo của các bị hại về việc giao dịch lan đột biến. Còn Công an huyện Ứng Hòa đã nhận 7 trình báo của người dân với nội dung bị lừa mua bán hoa lan. |
(Theo Zing)