Khẳng định bản chất khoa học và thực tiễn
Ngày 11/8/2020, trao đổi về hiện tượng lan Phi điệp đột biến giá tiền tỷ ở Việt Nam hiện nay, TS Nguyễn Mai Thơm - Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, dưới góc nhìn khoa học thì lan Phi điệp đột biến nhân giống bằng cấy mô và nhân giống bằng cắt kie hoàn toàn không khác nhau về mặt bản chất, đó đều là kiểu nhân giống vô tính và giữ nguyên bản chất di truyền.
"Vì cùng là kiểu nhân giống vô tính nên cây con được sinh ra từ cấy mô cũng sẽ giống với cây mẹ và cây con nhân giống bằng kie cũng như vậy. Đó là bản chất di truyền trong sinh sản vô tính, nó chỉ khác khi được thực hiện sinh sản hữu tính" - TS Nguyễn Mai Thơm nói rõ.
Theo vị chuyên gia này, phương pháp nhân giống cây trồng bằng nuôi cấy mô đã được các nhà khoa học ở nhiều nước trên thế giới thực hiện. Trong đó, nổi tiếng nhất vẫn là ở Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan...
Ở Việt Nam, các nhà khoa học cũng có đủ trình độ để có thể nhân giống bằng phương pháp cấy mô, giống như các nước khác. Đây là việc làm hết sức bình thường, chỉ là phương pháp nhân giống thông thường.
"Khó khăn nhất ở việc nhân giống lan Phi điệp đột biến bằng phương pháp cấy mô là ở những cây con khi sinh ra có tạo ra thêm các đột biến khác để tạo thành kỳ hoa dị thảo.
Đó là khi các nhà khoa học nghiên cứu, dùng các tia phóng xạ với khoảng thời gian và liều lượng sao cho phù hợp, chiếu lên sản phẩm để làm thay đổi cấu trúc di truyền, thay đổi kiểu gen, tạo thành một kiểu gen mới để làm ra cây đột biến để tạo ra cây con tốt hơn cây mẹ cả về "nội dung" lẫn "hình thức".
Lan Phi điệp đột biến 5 cánh trắng được cho là nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tại một nhà vườn ở Đài Loan (Trung Quốc). |
Đội hoa lan tại Trung tâm vừa bán một cây Phi điệp đột biến có nguồn gốc nuôi cấy mô từ Thái Lan với giá 4,2 tỷ đồng. Lý do là bởi cây này được các nhà khoa học Thái Lan xử lý đột biến từ trong phòng thí nghiệm, cho ra mặt hoa đẹp, khác so với những dòng lan Phi điệp đột biến khác đang có ở thị trường Việt Nam.
Để cho ra được hiện tượng đột biến từ nuôi cấy mô đó là cả một công trình khoa học được nghiên cứu dựa trên lý thuyết và thực hành.
Còn nếu như nhân giống lan Phi điệp cấy mô cho ra giống như cây mẹ thì không có gì là ghê gớm cả" - Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề khẳng định.
Trước ý kiến của một chuyên gia về di truyền cho rằng, phương pháp nhân giống nuôi cấy mô và cắt kie không khác nhau về mặt "lý thuyết" nhưng lại có sự khác nhau về mặt thực tiễn, khi cây lan Phi điệp đột biến được nhân giống bằng phương pháp cấy mô, trong quá trình chăm sóc không cho ra mặt hoa giống cây mẹ như phương pháp nhân kie, TS Nguyễn Mai Thơm một lần nữa nhắc lại, về cấu trúc di truyền thì cả 2 phương pháp nuôi cấy mô và nhân kei không khác nhau.
Còn việc đột biến thì có trường hợp kiểu gen bền vững và không bền vững. Trong quá trình nuôi cấy mô, chuyện thay đổi kiểu gen có thể diễn ra nhưng điều đó là rất ít.
Bởi, cả lý thuyết và thực tiễn thì đó đều là 2 phương pháp nhân giống vô tính, nguyên tắc thì nó phải như nhau chứ không thể có chuyện khác so với cây mẹ được.
Nhà vườn lâu năm nói thật: Lan đột biến đang xuống giá rất nhanh
Nói về những cuộc giao dịch lan Phi điệp đột biến giá tiền tỷ trong thời gian gần đây, một nhà vườn lâu năm chuyên kinh doanh các mặt hàng phong lan nằm trong khuôn viên Học viện Nông nghiệp cho biết, nhiều cuộc giao dịch trong số đó là "thật".
"Những người mua lan Phi điệp đột biến từ chỗ tôi đều vì mục đích kinh doanh, không rõ họ có vì đam mê hay không nhưng chắc chắn có điều người mua đều kỳ vọng là sẽ sinh lời từ những cây lan tiền tỷ đó " - chủ nhà vườn này cho biết.
Với kinh nghiệm lâu năm của mình, chủ nhà vườn này cho rằng, ai muốn đầu tư vào lan có lãi thì đó phải là người vừa có kiến thức chuyên môn về nuôi trồng, chăm sóc cây lan và phải nắm bắt được thị trường.
Lan Phi điệp đột biến cũng là một mặt hàng, giá trị không phải dựa trên thẩm mỹ của mặt hoa mà là sự khan hiếm và độc đáo. Điều này sẽ bị thay đổi theo thời gian.
Khi hiếm thì bị đẩy giá lên cao, nhưng khi bão hòa rất nhanh, giá đã đạt đỉnh thì sẽ bị hạ xuống. Quan trọng là người đầu tư phải nắm được nhu cầu thị trường ra sao, khi nào thị trường đạt đỉnh để đưa ra quyết định đầu tư phù hợp, mức đầu tư hợp lý. Chứ đừng vì lòng tham, thấy người khác có lợi nhuận mà chạy theo.
Theo dự đoán của chủ vườn lan này, hiện tại lan Phi điệp đột biến đã đạt đỉnh, giá đã xuống thấp hơn rất nhanh so với năm ngoái.
Người này cũng thừa nhận, lan Phi điệp đột biến trong thời gian qua có sự thổi giá, dẫn tới việc giá trị các cuộc giao dịch bị đẩy lên cao và liên tục lập kỷ lục mới.
"Với người chơi có đam mê và điều kiện kinh tế thì việc bỏ ra cả tỷ đồng mua một chậu Phi điệp đột biến về trồng không vấn đề gì, giá cả biến động thế nào họ cũng không quan tâm.
Nhưng với người đầu tư, hy vọng chậu lan đó sẽ sinh lời thì cần phải trang bị cho mình rất nhiều thứ trước khi quyết định bỏ tiền mua" - vị này nói.
Tại một nhà vườn khác, khi được hỏi làm thế nào để phân biệt giữa Phi điệp đột biến nhân giống bằng cách nuôi cấy mô và hàng cắt kie thì chủ vườn không đưa ra được tiêu chí cụ thể.
"Có những cây có thể nhận ra ngay nhưng cũng có những cây nhìn bằng mắt thường không thể nhận ra" - chủ vườn này cho biết.
Chính vì thế mới có nhiều vụ với giá hàng tỷ đồng khi bên bán giao cho bên mua cây không chính xác như lời quảng cáo, chỉ một thời gian sau khi đưa về vườn chăm sóc, người mua mới phát hiện ra. Trường hợp nào đòi lại được tiền là may mắn, còn không đành ngậm ngùi...
(Theo Đất Việt)