Chia sẻ về nội dung này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá, nếu các loại thuế, phí “đánh” vào ô tô không quá cao như hiện nay, người tiêu dùng đã có thể được sở hữu xe với mức giá hợp lí hơn nhiều.

Thuế, phí quá cao so với thu nhập của người dân

- Với bảng bóc tách giá xe VinFast Lux vừa được tiết lộ, ông có thể lý giải sự chênh lệch giữa giá bán lẻ một chiếc ô tô VinFast Lux so với thực thu của doanh nghiệp sản xuất?

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Giá bán lẻ của một chiếc ô tô thực tế là bảng cộng gộp của giá thành sản phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và chi phí phân phối, bán hàng...

Ví dụ, chiếc Lux A2.0 bản Base giá bán lẻ 1,04 tỷ đồng sẽ có thuế giá trị gia tăng 10% là 95 triệu đồng. Mức thuế tiêu thụ đặc biệt với loại xe này khoảng 40%, như vậy, số tiền mà doanh nghiệp thu hộ Nhà nước là khoảng 270 triệu cho riêng khoản thuế này. Qua đó cho thấy khi chưa có thuế, giá của một chiếc VinFast Lux A2.0 sẽ chỉ là 675 triệu đồng.

Ngoài thuế, doanh nghiệp còn phải bỏ ra các khoản chi phí cho phân phối, bán hàng. Theo thông lệ thị trường, mức chi này là khoảng 15-20%. Như với trường hợp của chiếc VinFast Lux A2.0, chi phí này là khoảng 127 triệu đồng, so với giá chưa có thuế 675 triệu đồng thì ở mức vừa phải.

- Cách đánh thuế của Việt Nam với ô tô bị “kêu” là thuế chồng thuế. Chính điều này đã khiến giá xe bị đội lên rất cao, thậm chí gấp 2-3 lần. Là người công tác lâu năm trong ngành tài chính, ông nhìn nhận thế nào về những quy định hiện tại?

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Theo tôi, mỗi sắc thuế có mục đích, vai trò riêng. Tuy nhiên, vấn đề là với mức thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam hiện nay vào loại trung bình thấp của thế giới (năm 2018 là 2.584 USD/người), thì mức thuế, phí trên một chiếc ô tô là quá cao. Một số nước thậm chí còn không áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô, trong khi ngành công nghiệp ô tô luôn được ưu tiên phát triển.

Hiện tại, người Việt Nam không dám “mơ” xe giá rẻ nữa mà ngay cả mức giá hợp lý và ngang bằng với các nước phát triển  thôi, chúng ta cũng vẫn phải “mơ”.

- Trước đó, nhiều người đã kỳ vọng khi Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do, khi các loại thuế nhập khẩu giảm hoặc bằng 0, thì giá ô tô sẽ giảm. Tuy nhiên, thực tế thì dường như không phải như vậy, thưa ông?

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Thuế nhập khẩu chỉ là một yếu tố cấu thành giá xe ô tô. Khi thuế nhập khẩu giảm nhưng các loại thuế khác cùng phí và lệ phí không giảm, thậm chí tăng thì giá xe khó mà hạ.

Giá thành xe ở Việt Nam cao hơn Thái Lan và Indonesia do công nghiệp hỗ trợ của ta chưa phát triển. Các linh kiện, phụ tùng để sản xuất, lắp ráp ô tô phần lớn phải nhập khẩu từ nước ngoài, phải chịu thêm các chi phí đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo hiểm… nên ảnh hưởng đến giá thành của xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Điều này khiến chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn từ 15% đến 20% so với các nước trong khu vực. Để giá ô tô rẻ, 2 yếu tố là thuế và chi phí sản xuất, lắp ráp cần phải xem xét lại.

{keywords}
 

Mấu chốt là chính sách thuế

- Vậy thực tế, doanh nghiệp nội đang ở đâu trong cuộc đua với các nhà sản xuất trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, thưa ông?

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Hiện quy mô thị trường xe Việt Nam nhỏ chỉ bằng 20% so với Thái Lan, 35% so với Indonesia là do sản phẩm này chịu thuế phí quá cao, dẫn tới giá thành cao, khó tiêu thụ làm cho dung lượng thị trường thấp.

Giờ đây, công nghiệp ô tô Thái Lan đã vươn lên vị trí số 1 ASEAN và thứ 9 thế giới với sản lượng 2,5 triệu xe được sản xuất hàng năm. Hiện ngành công nghiệp này đóng góp khoảng 12% GDP của Thái Lan. Từ năm 1995, ở Thái Lan, người ta đã nâng mức tỷ lệ nội địa hóa của ô tô lên 60%.

Việt Nam hiện có hơn 350 doanh nghiệp trong lĩnh vực này, đa số có quy mô vừa và nhỏ. Tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 600.000 xe/năm. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 47%, doanh nghiệp trong nước khoảng 53%. Trong hơn 350 doanh nghiệp, chỉ một số rất ít đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chưa hợp tác - liên kết, chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Công nghiệp phụ trợ yếu kém và chính sách bất cập đang khiến ngành công nghiệp ô tô Việt Nam kém sức cạnh tranh. Hiện rất ít doanh nghiệp Việt vào được chuỗi cung ứng sản xuất của các hãng xe của Nhật Bản và Hàn Quốc. Các doanh nghiệp Việt muốn trở thành đơn vị cung cấp linh kiện cho hãng cần phải có khả năng thiết kế, đủ tiêu chuẩn chất lượng, môi trường và giá thành phải rẻ hơn.

Tất nhiên, phải nhìn nhận, nền công nghiệp ô tô muốn hoàn chỉnh với những doanh nghiệp mạnh thì phải cần nhiều năm. Trong bối cảnh ấy, VinFast hiện mới có 2 năm phát triển nhưng đang có những bước nhảy vọt. Tôi cho rằng thương hiệu ô tô Việt này đủ sức chiếm lĩnh thị trường tại Việt Nam.

{keywords}
 

- Một doanh nghiệp sản xuất ô tô nội địa có thể coi là “vốn quý” của một nền kinh tế. Đối với kinh tế Việt Nam, điều này có lẽ còn có ý nghĩa hơn nữa. Theo ông, Nhà nước cần những chính sách gì để khuyến khích, cổ vũ doanh nghiệp sản xuất trong nước để họ tiếp tục giữ “lửa” vì sự phát triển chung của nền kinh tế?

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Ngành công nghiệp ô tô muốn phát triển phải hội đủ 3 yếu tố: Dung lượng thị trường xe; Năng lực của doanh nghiệp và chính sách của nhà nước. Nếu thiếu 1 trong 3 yếu tố này thì không thể phát triển và hội nhập.

Cụ thể, ngành ô tô Việt Nam cần một chính sách đồng bộ từ phát triển hạ tầng giao thông, cộng với quy hoạch phát triển đô thị, mở rộng đầu tư và phát triển các thành phố vệ tinh,... cùng với chính sách tài chính (thuế, phí) hợp lý. Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đã rõ ràng nhưng các chính sách để thực hiện cần cụ thể, minh bạch, dễ dự đoán.

Những năm qua, tuy là lĩnh vực được ưu tiên phát triển nhưng những chính sách hiện nay của Việt Nam với ngành công nghiệp ô tô chưa tạo được cú hích phát triển. Để khai thác thị trường tiềm năng này, chính sách hỗ trợ không nên cụ thể hóa cho doanh nghiệp nào mà là hỗ trợ cho cả ngành công nghiệp ô tô.

Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô cũng cần vào cuộc tích cực, chủ động hơn, thể hiện qua việc tăng cường kết nối, phối hợp giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp quốc tế.

Theo tôi, hiện tại, cần khẩn trương rà soát cơ chế, chính sách để bổ sung các chính sách còn thiếu, điều chỉnh những chính sách chưa phù hợp, quan trọng hơn là tạo sự đồng bộ, thống nhất. Để  mục tiêu phát triển công nghiệp ô tô là trở thành ngành kinh tế chủ lực, đáp ứng nhu cầu cho người dân và doanh nghiệp, hướng đến xuất khẩu, Chính phủ cần lấy mục tiêu phát triển để hành động, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, doanh nghiệp phụ trợ.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Tuấn