Hệ thống khuyến nông triển khai 13 dự án mô hình chăn nuôi an toàn sinh học

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện tổng đàn gia cầm 515 triệu con ước tăng 5,4%. Trong bối cảnh dịch bệnh luôn thường trực, việc áp dụng các giải pháp sinh học là mấu chốt để đảm bảo an toàn trong chăn nuôi.

{keywords}
Tổng đàn gia cầm trên cả nước khoảng 515 triệu con. Ảnh Thu Hà

Giai đoạn từ năm 2011 - 2021, hệ thống khuyến nông cả nước đã và đang triển khai thực hiện 70 dự án khuyến nông chăn nuôi từ nguồn kinh phí khuyến nông Trung ương, các mô hình dự án triển khai đã được đánh giá cao về hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo đó, từ 2011 đến nay, hệ thống khuyến nông đã triển khai 13 dự án mô hình chăn nuôi an toàn sinh học.

Các mô hình, dự án chăn nuôi an toàn sinh học đều không xảy ra dịch bệnh. Tỷ lệ nuôi sống đến khi xuất bán đạt tỷ lệ từ 94 - 96%. Các chỉ tiêu kỹ thuật đạt và vượt chỉ tiêu của giống. Tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng thấp, tỷ lệ đồng đều cao.

Thực hiện 4 dự án về mạng lưới thú y

Trong 10 năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã thực hiện 4 dự án về mạng lưới thú y. Trong đó 1 dự án xây dựng mô hình phòng chống dịch bệnh cho gia cầm quy mô xã; 1 dự án phòng trừ dịch bệnh tổng hợp cho vật nuôi và 2 dự án an toàn dịch bệnh trên đối tượng vật nuôi là gia cầm.

Kết quả 100% cơ sở tham gia mô hình không xảy ra dịch bệnh, đến nay đã thực hiện công nhận được 162 cơ sở an toàn dịch bệnh tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, và Bà Rịa -Vũng Tàu...

Từ năm 2015 - 2020, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Tổ chức FAO tại Việt Nam triển khai dự án FPT2 với các hoạt động hướng dẫn về an toàn sinh học trong chăn nuôi. Dự án đã tổ chức tập huấn cho cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y người chăn nuôi 48 lớp tập huấn cho 1.100 cán bộ khuyến nông, thú y viên và người chăn nuôi về các kiến thức chăn nuôi an toàn sinh học...

Giai đoạn 2021 – 2025, bảo đảm an toàn sinh học trong chăn nuôi là cần thiết để phòng, chống dịch bệnh cúm trên gia cầm. Hướng đến mục tiêu sản xuất sản phẩm thịt gia cầm sạch, giảm ô nhiễm môi trường, giảm nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, góp phần đưa ngành chăn nuôi của cả nước phát triển theo hướng an toàn, bền vững.

Đây cũng là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng sức cạnh tranh, khẳng định giá trị sản phẩm mang thương hiệu Việt trên thị trường trong và ngoài nước.

Thu Hà