Chuyện lạ, cứu sống vườn dâu tây chỉ bằng 1 lon sữa uống dở
Chuyện cho dâu tây uống sữa tươi nghe có vẻ kỳ lạ nhưng lại mang đến những thành quả bất ngờ. Nhờ áp dụng mô hình này mà vườn dâu tây của bà Võ Thị Hương (57 tuổi, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) đã đạt hiệu quả cao.
Bà Hương chia sẻ, đầu năm 2019, sau khi tham khảo mô hình trồng dâu tây ở Lâm Đồng, Tây Ninh,... gia đình bà quyết định mua giống về trồng thử ở vùng đất nắng Ninh Thuận. Sau khi ươm được 200 chậu dâu tây và đưa vào nhà kính để chăm sóc theo đúng quy trình, kỹ thuật nhưng cây dâu không phát triển, lá có chiều hướng bị úa vàng.
Đang trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, bà nhặt được hộp sữa uống còn dư của đứa cháu ngoại vứt bỏ, bà thấy tiếc nên tưới vào cây dâu. Thật bất ngờ, sáng hôm sau, cây dâu trở nên tươi tốt. Từ đó, bà nảy ra ý tưởng lên men sữa tươi rồi tưới cho cây dâu.
Nhận thấy việc trồng dâu tây cho “uống sữa” đạt năng suất cao lại nhàn hơn trồng các loại cây ăn quả khác, gia đình bà tiếp tục nhân rộng mô hình, phục vụ du khách đến tham quan, mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế và thu hút du lịch tại tỉnh nhà.
Bộ sưu tập đồng hồ nhà thờ châu Âu quý hiếm
Anh Phạm Văn Thuộc (Thái Thụy, Thái Bình) được biết đến là nhà sưu tập đồng hồ nhà thờ nổi tiếng ở Việt Nam. Trong khuôn viên nhà anh Thuộc có một chiếc đồng hồ được xây dựng theo mô hình Khuê Văn Các ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), nhưng 3 mặt là hình ảnh mặt đồng hồ giống các đồng hồ ở những nhà thờ cổ châu Âu. Ngoài ra, trong nhà anh Thuộc còn có 13 chiếc đồng hồ nhà thờ châu Âu quý hiếm. Hầu hết mặt đồng hồ anh Thuộc đều thuê thợ Việt Nam chế tác.
Anh Thuộc cho biết trên Dân Trí, khoảng năm 2003-2004, anh bắt đầu sưu tầm các tháp đồng hồ thông qua những người bạn ở các nước Đức, Pháp, Anh, Bỉ và Ý. Sau nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm, anh đã sở hữu một “bảo tàng” đồng hồ nhà thờ châu Âu vào loại hiếm có trên thế giới. Anh đã nhượng lại một số đồng hồ cho những người cùng đam mê ở Việt Nam.
Ở châu Á, những người sưu tập đồng hồ nhà thờ châu Âu không có nhiều, người nhiều nhất cũng chỉ có 4 cái. Còn ở Đức, có một bảo tàng tư nhân nhưng đã giải thể. Bộ sưu tập đồng hồ nhà thờ châu Âu của anh Thuộc được đánh giá với số lượng lớn nhất châu Á và có giá trị khoảng 50 tỷ đồng.
Sanh cổ 'tân cổ giao duyên', đại gia trả 10 tỷ đồng không bán
Cây sanh cổ này thuộc dòng sanh Nam Điền được giới chơi cây nhắc đến như một cây tiêu biểu giữa lối chơi cổ và lối chơi hiện đại.
Ông Nguyễn Hồng Quân (Thường Tín, Hà Nội), chủ nhân của tác phẩm cho biết, cách đây 6 năm, ông may mắn sở hữu cây sanh này và mang về vườn làm lại tay cành, bông tán cho hoàn chỉnh, còn phần gốc đã rất đẹp rồi, “hồn cốt là cây cổ nhưng bóng dáng là lối chơi đương đại bây giờ”. Cây có tuổi đời hơn 100 năm, hiện có rất nhiều người hỏi mua cây sanh, có đại gia trả trên 10 tỷ đồng nhưng ông chưa bán.
Tóm được lươn vàng quý hiếm, trăn bạch tạng 3kg
Dân Việt thông tin, đang đi bắt ốc bươu vàng ở cánh đồng nằm bên bờ đê ngăn mặn, anh Hồ Công Cường (xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) bắt được con lươn vàng được cho là lươn quý hiếm. Con lươn nặng gần 500g. Nghe tin anh Cường bắt được lươn vàng, nhiều người kéo đến xem, một số thương lái hỏi mua với giá tiền triệu nhưng anh chưa bán.
Con trăn bạch tạng nặng 3kg. |
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Mến (xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) vừa bắt được con trăn bạch tạng rất độc đáo. Con trăn này nặng 3kg. Thấy con trăn bạch tạng đẹp, anh Mến dự định để lại nuôi làm kiểng để bà con đến xem
Ghép nhãn lạ lên nhãn xuồng, trái màu tím, bán giá cao
Nhằm tạo ra trái nhãn tím vừa ngon vừa đạt chất lượng, anh Trần Thái Bình (xã An Thạnh 3, Cù Lao Dung, Sóc Trăng) đã ghép giống nhãn lạ có màu tím (đột biến từ nhãn xuồng cơm vàng) lên cây nhãn xuồng cơm vàng, thu được hiệu quả kinh tế cao.
Anh Bình bên cây nhãn xuồng tím do chính tay ghép thành công. |
Theo lời anh Bình, giống nhãn lạ này thực chất là nhãn tím được anh mua ở Bến Tre là cây đầu dòng. Lúc mới mua, thân cây nhãn xuồng tím chỉ bằng đầu đũa ăn, sau thời gian chăm sóc, anh lấy bo để ghép trên vườn nhãn xuồng có tuổi đời từ 2-6 năm. Sau 8-12 tháng ghép, cây được ghép bắt đầu ra hoa, kết trái và toàn bộ cây đều cho trái màu tím, kể cả lá cũng màu tím. Do trái nhãn tím xuồng chất lượng ngon, cơm dày, màu sắc lạ, đẹp mắt nên được khách ưa chuộng. Nhãn được bán với giá 250.000 đồng/kg.
Đi cào hến nhặt được 2 cục đá lạ, nghi đá quý hiếm
Dân Việt cho hay, ông Nguyễn Văn Lế (xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) đang sở hữu 2 cục đá kỳ lạ, nghi là đá quý hiếm. Nhiều người hỏi mua 2 cục đá lạ này nhưng ông Lế chưa bán.
2 cục đá lạ được ông Lế xếp cạnh nhau. |
Trong 2 cục đá này có 1 cục đá nặng 11kg và 1 cục đá nặng hơn 2kg. 2 cục đá này khá góc cạnh chứ chưa có vẻ bị mài mòn bởi phong hoá tự nhiên. Trên bề mặt các cục đá có bám những hạt cát giống như hạt vàng cám lấp lánh...
Ông Lế cho biết ông bắt được 2 viên đá này trong những lần cha con ông dùng ghe cào bắt con hến trên dòng kênh Thống Nhất ở xã Phú Thọ.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)