Theo "Báo cáo thường niên năm 2021" của Tencent được công bố vào ngày 7/4, mức lương hàng năm của ông Mã Hóa Đằng, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Tencent là 44,14 triệu nhân dân tệ (tương đương 6,93 triệu USD), giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu cho thấy vào năm 2021, tiền lương của vị tỷ phú công nghệ Trung Quốc vào khoảng 7,33 triệu nhân dân tệ, tiền thưởng khoảng 35,52 triệu nhân dân tệ, và có thu nhập "đóng góp kế hoạch hưu trí" là 110.000 nhân dân tệ, phí 1,15 triệu nhân dân tệ, tổng lương là khoảng 44,14 triệu nhân dân tệ. Con số này đã giảm khoảng 24,9% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận con số 58,74 triệu nhân dân tệ.
Vị tỷ phú này nắm giữ hơn 7% cổ phần công ty, mang lại cho ông giá trị tài sản ròng khoảng 39 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Tỷ phú Mã Hóa Đằng - nhà sáng lập kiêm CEO Tencent. Ảnh: SCMP |
Mức lương của Chủ tịch Tencent Martin Lau là 323 triệu nhân dân tệ (tương đương 50,71 triệu USD), giảm 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái ở mức 427,7 triệu nhân dân tệ.
Dữ liệu cho thấy tổng mức thù lao của ban giám đốc Tencent đã giảm xuống: Mức thù lao trung bình năm 2021 là 388 triệu nhân dân tệ, thấp hơn hẳn so với năm 2020 là 507 triệu nhân dân tệ.
Tuy giảm lương thưởng của những giám đốc điều hành cao cấp nhất, "ông lớn" công nghệ của Trung Quốc lại quyết định tăng phúc lợi cho nhân viên công ty. Nhiều khoản lương, thưởng, chi phí y tế đã tăng 37% lên 95,5 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 15 tỷ USD) năm 2021.
Cũng trong báo cáo thường niên, Tencent tiết lộ những cá nhân được trả lương cao nhất tại công ty không nằm trong số các giám đốc hoặc giám đốc điều hành cấp cao. Một nhân viên kiếm được khoảng 204 triệu USD (tương đương 4.669 tỷ VND), trong khi một người khác kiếm được khoảng 203 triệu USD (tương đương 4.646 tỷ VND).
Theo Bloomberg, đại gia công nghệ Trung Quốc Tencent Holdings đã chi hơn 200 triệu USD/người cho hai cá nhân giấu tên dù họ không thuộc ban lãnh đạo công ty. Động thái này gây bất ngờ vì cả Chủ tịch và CEO kiêm nhà sáng lập cũng đã phải cắt giảm khoản thưởng trong năm 2021, sau khi tập đoàn này bị ảnh hưởng mạnh bởi các chính sách siết chặt đến từ Bắc Kinh.
Hai cá nhân không thuộc Ban giám đốc Tencent được thưởng cao hơn cả CEO. (Ảnh: Reuters). |
Vào ngày 23 tháng 3, báo cáo tài chính quý 4 và cả năm cho năm 2021 của Tencent cho thấy vào năm kinh doanh vừa qua, doanh thu của Tencent là 560,12 tỷ nhân dân tệ, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng của tập đoàn đạt 123,788 tỷ nhân dân tệ.
Cùng ngày, khi phản hồi về vấn đề "tối ưu hóa tổ chức", Chủ tịch Tencent đã tuyên bố rằng: "Trước đây, ngành công nghiệp này hướng tới sự cạnh tranh và đầu tư lớn; bây giờ, mọi người cần phải đầu tư lành mạnh hơn, đặc biệt là tối ưu hóa chi phí tiếp thị, chi phí vận hành và chi phí lao động. Tencent đã thực hiện các biện pháp tối ưu hóa chi phí đối với các đơn vị thua lỗ để duy trì tăng trưởng lành mạnh hơn."
Tencent từng được ghi nhận là tập đoàn "tâm lý bậc nhất" với nhân viên khi sẵn sàng chi trả những khoản lương thưởng, phúc lợi "khủng". Điển hình là năm 2020, tập đoàn đã dành cho các nhân viên mảng dịch vụ thanh toán WeChat Pay khoản thưởng Tết bằng 10 tháng lương, cộng thêm 1 khoản thưởng tương đương 600 triệu VND/người, vì đã có 1 năm hoạt động thành công.
Các thành viên nhóm Tencent Cloud, dịch vụ điện toán đám mây của tập đoàn này, cũng được nhận mỗi người 1 chiếc iPhone 11 Pro trị giá 10.000 NDT (khoảng hơn 30 triệu VND) ở thời điểm đó vì đạt doanh thu tốt vào năm 2019.
Vào khoảng cuối năm 2018, Tencent cũng công bố có 54.309 nhân viên và tổng tiền thù lao toàn tập đoàn lên tới 42,2 tỷ nhân dân tệ. Mức lương trung bình mỗi nhân viên Tencent có thể lên tới hơn 200 triệu VND/tháng, cao gần gấp 8 lần so với lương trung bình tại các thành phố lớn của Trung Quốc.
Có thể thấy, dù tốc độ tăng trưởng của ngành đang chậm lại nhưng các nhân tài công nghệ tại Trung Quốc vẫn được săn đón nhiệt tình, nhận khoản thù lao "trong mơ" do tình trạng thiếu hụt nhân tài tiếp diễn. Để giữ chân những "bộ óc vĩ đại" có thể đóng góp quan trọng vào sự phát triển của toàn tập đoàn, Tencent sẵn sàng chi trả những con số "khủng" nhất.
(Theo Nhịp sống kinh tế, Finance Sina, Bloomberg)
Trước cuộc trấn áp Big Tech của Trung Quốc, “người khổng lồ” Tencent lặng lẽ tìm đường “né đạn”
Trước làn sóng chống độc quyền nhắm vào các công ty công nghệ trong nước của Bắc Kinh, tỷ phú Pony Ma, giám đốc điều hành Tencent, đang tìm cách tránh các lệnh trừng phạt bằng cách hướng ra thị trường thế giới.