Một phụ nữ vừa lãnh án tù vì đã nhận một số tiền chuyển “nhầm” vào tài khoản của mình nhưng không chịu trả lại. Mặc dù sau khi phát hiện, phía chuyển tiền đã có thông báo cho ngân hàng và ngân hàng đã yêu cầu phải chuyển trả lại nhưng người này không đồng ý.

Sáng 11/7, TAND TP.HCM xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Nở (39 tuổi, ngụ quận 12, TP HCM) 4 năm tù về tội "chiếm giữ trái phép tài sản".

Tòa cũng tuyên buộc bà Nở phải trả lại các khoản tiền đã chiếm đoạt của hai công ty trên.

{keywords}
 Bị cáo Nở đứng nghe tòa tuyên án. (Ảnh: X.D).

Không trả lại tiền gửi nhầm

Theo cáo trạng, ngày 25/7/2016 Công ty Impulse (có trụ sở ở Mỹ) do ông Kian Danny làm giám đốc, ký hợp đồng mua quần áo của Công ty TNHH J&D VINAKO ở Tây Ninh, trị giá hợp đồng là 33.620 USD. Toàn bộ thỏa thuận trao đổi hợp đồng đều thông qua email của người môi giới là ông Jeong Hun Nam và email của Công ty Impulse.

Ngày 27/7/2016, Công ty Impulse nhận thông báo từ email của ông Jeong Hun Nam đề nghị thanh toán số tiền 33.620 USD vào tài khoản của Công ty Morning Star (do bà Nở làm giám đốc) tại Ngân hàng Viet Capital chi nhánh quận Gò Vấp (TP HCM). Sau đó, Công ty Impulse thông qua Ngân hàng Open tại Mỹ chuyển 32.620 USD vào tài khoản của Công ty Morning Star.

Sau khi chuyển tiền, Công ty Impulse gọi điện cho ông Jeong Hun Nam để xác nhận việc chuyển tiền thì được biết không ai nhận được tiền và không có việc đề nghị công ty này chuyển tiền vào tài khoản của Công ty Morning Star.

Ngày 2/8/2016, Ngân hàng Viet Capital được Ngân hàng Open gọi điện thông báo là việc chuyển 33.620 USD vào tài khoản của Công ty Morning Star là do nhầm lẫn và đề nghị Viet Capital hoàn trả số tiền này.

Ngày hôm sau, Ngân hàng Viet Capital thông báo cho bà Nở biết số tiền do Ngân hàng Open chuyển vào tài khoản của Công ty Morning Star là do nhầm lẫn, đề nghị bà Nở hoàn trả khoản tiền này nhưng bà Nở không đồng ý trả, mà cho rằng đây là tiền của khách hàng ở Nigeria thanh toán cho Công ty Morning Star.

Sau đó, ông Kian Danny ủy quyền cho luật sư gửi đơn tố giác sự việc đến cơ quan điều tra.

Tương tự, Công ty Heng Pich Chay Import Co, Ltd có trụ sở ở Campuchia, do ông Pich Chay làm giám đốc, ký hợp đồng mua phân bón trị giá 228.030 USD với Công ty Việt Hóa Nông ở quận 1, TP HCM. Toàn bộ giao dịch mua bán đều thông qua email.

Ngày 19/10/2015, ông Pich Chay nhận được thông báo yêu cầu chuyển 228.030 USD vào tài khoản của Công ty Lucky Star do bà Nở làm giám đốc. Tin tưởng email của Công ty Việt Hóa Nông nên ông Pich Chay đã chuyển số tiền trên cho Công ty Lucky Star.

Ngay khi tiền vào tài khoản, bà Nở đã bán ngoại tệ cho ngân hàng được 5 tỉ đồng. Sau khi chuyển tiền, ông Pich Chay liên hệ với Công ty Việt Hóa Nông mới biết đã bị lừa. 

Ông Pich Chay cử đại diện đến Công ty Lucky Star gặp bà Nở đề nghị trả tiền đã chuyển nhầm nhưng bà Nở không trả và cho rằng đây là tiền khách hàng thanh toán cho Công ty Lucky Star. Ngay sau đó, Công ty Heng Pich Chay đã tố cáo sự việc đến cơ quan điều tra.

Kết quả xác minh cho thấy các công ty Heng Pich Chay, Impulse không có quan hệ làm ăn với các công ty của bà Nở. Trong khi đó, email của ông Jeong Hun Nam bị tác động, hacker đã gửi email cho Công ty Impulse yêu cầu chuyển tiền, còn email của Công ty Việt Hóa Nông bị làm giả bằng cách ghi sai 1 kí tự. Do không để ý nên các bị hại đã chuyển tiền theo yêu cầu trong email vào tài khoản các công ty của bà Nở.

Người gửi cũng phải cẩn thận!

Về vấn đề này, luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng dù sự việc bắt nguồn do sự nhầm lẫn nhưng người nhận được tiền nhầm phải trả lại cho chủ nhân của nó khi có yêu cầu. Thế nhưng có thể vì họ tham lam, nên người này cố tình muốn chiếm giữ tài sản.

Việc xét xử hình sự người cố tình không trả tiền cho người chuyển nhầm bảo đảm được tính công bằng của xã hội, tạo được sự răn đe và bài học cho những ai lợi dụng sự nhầm lẫn để thụ hưởng tài sản, công sức của người khác trái phép.

Ngoài việc bị xử lí hình sự, họ vẫn có nghĩa vụ trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm giữ.

Luật sư Phát khuyến cáo hiện nay việc giao dịch tiền bạc qua hệ thống Internet banking rất thuận tiện, nó giúp ích nhiều cho người có nhu cầu chuyển các khoản tiền giao dịch. Tuy nhiên, tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi, hacker dễ dàng tạo ra các email giả mạo hoặc các thủ đoạn giả mạo khác từ các đối tác, khiến cho bên còn lại dễ dàng tin tưởng mà chuyển tiền.

Hoặc cũng chính vì sự tiện lợi ấy mà có rất nhiều người chủ quan, kiểm tra không kĩ dẫn đến việc chuyển nhầm tiền.

"Việc đi đòi lại các khoản tiền này rất vất vả, vì thế trước khi thực hiện các lệnh giao dịch, chúng ta nên kiểm tra lại kỹ thông tin người nhận tiền. Trước khi chuyển, người gửi nên gọi điện thoại cho người mà mình định chuyển tiền để xác nhận thông tin, mong muốn, yêu cầu của người này để xác định chính xác mong muốn của họ và xác định tài khoản của người này không bị kẻ xấu xâm nhập, tránh tình trạng chuyển nhầm", ông Phát nói.

Theo điều 176 Bộ luật hình sự hiện hành, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được sau khi chủ sở hữu, người quản lí hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Trường hợp chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

(Theo Đời sống Pháp lý)