- Ông Bá Thanh gọi phó chánh thanh tra Đà Nẵng lấy đất của dân đến làm việc và yêu cầu: Nếu anh không muốn lên trại tạm giam Hòa Sơn ở thì hãy trả lại đất cho dân ngay!

>> Bài 1: Thực hư chuyện đồn về ông Bá Thanh ở nông trường chè

Từ những buổi đầu gặp nhau ở nông trường chè, cho đến hội ngộ ở Đà Nẵng sau chia tách tỉnh Quảng Nam và ông Bá Thanh lên làm Chủ tịch TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Quang Nga trong 3 nhiệm kỳ làm đại biểu HĐND TP đã có không ít trải nghiệm với vị lãnh đạo TP bộc trực, nói thẳng, dám làm, dám chịu và không sợ mất lòng.

Thậm chí ở những kỳ họp HĐND, cử tri còn ví hai ông như "nước với lửa", không phải vì sự đối lập giá trị mà vì cách quyết liệt đi đến cùng vấn đề theo vị trí khác nhau của mỗi người, vì lợi ích của người dân, nhất là dân nghèo, yếu thế.

Tháng 7/2010, một gia đình thương binh bị dính vào giải tỏa đền bù mở rộng đường Núi Thành. Do hoàn cảnh khốn khó, anh chồng thương binh đi phụ xe đường dài, cô vợ ở nhà mưu sinh với quán gội đầu để nuôi người mẹ già ung thư nằm một chỗ, 2 con tuổi ăn tuổi học.

{keywords}

Ông Bá Thanh chọn cách đến tận cơ sở để mắt thấy, tai nghe

Ngôi nhà của hai vợ chồng có diện tích 55 m2, khi mở rộng đường phải giải tỏa 25 m2 chỉ còn 30 m2 nên được UBND TP ĐN bố trí một lô đất 100 m2 ở khu dân cư Hòa Cường.

Nhưng lô đất tái định cư này bị một số cán bộ đền bù địa phương ém nhẹm và bán lại cho một phó chánh thanh tra TP. Mãi đến 2005 gia đình thương binh vẫn không hay biết có đất tái định cư.

Sau đó họ phát hiện ra mình bị mất đất và làm đơn khiếu nại qua các kênh. Ông Nga nhận đơn của cử tri liền đi tìm hiểu và nắm được thông tin lô đất đã bị bán cho một phó chánh thanh tra TP.

Ngay tại cuộc họp HĐND TP Đà Nẵng, ông Nga đưa vấn đề ra chất vấn việc cán bộ lấy đất tái định cư của dân. Tại cuộc chấn vấn, ông bá Thanh không vừa khi đề nghị tố cáo phải nói cụ thể, chỉ đích danh, không chỉ chung chung.

Ông Nga nhớ lúc đó đã chỉ thẳng cán bộ lấy đất của dân chính là người ngồi sát ông Thanh lúc đó.

"Nghe tui nói vậy ông Bá Thanh có chút tự ái và đỏ mặt. Nhưng liền sau đó lệnh cho cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện thông tin phó chánh thanh tra lấy đất của dân là có thực" - ông Nga kể.

Chưa đầy 1 tuần sau khi đã có kết luận, ông Bá Thanh gọi phó chánh thanh tra lấy đất của dân đến làm việc và yêu cầu: “Nếu anh không muốn lên trại tạm giam Hòa Sơn ở thì hãy trả lại đất cho dân ngay!”

Lô đất đó ngay lập tức được trả cho gia đình thương binh với thương lượng trả bằng tiền ngang với giá thị trường thời điểm đó với giá 700 triệu đồng.

“Tính cách ông Bá Thanh là vậy. Nếu thấy đúng thì xử lý ngay, không có kiểu nghe để xem xét” - ông Nga nói.

Không ít vụ giải quyết đơn thư khiếu nại của dân nghèo quyết liệt đến cùng như vậy.

Năm 2005 có một qui hoạch nuôi tôm 7 ha của một số cán bộ tại phường Phước Mỹ quận Sơn Trà đã được phê duyệt, đã có 5 chữ ký của giám đốc các sở ban ngành và trình lên Chủ tịch TP ký. Đây là dự án không đúng qui hoạch ảnh hưởng đến 300 hộ nông dân và phát hiện nhiều sai phạm.

Ông Nga sau kiểm chứng đã gửi văn bản lên ông Bá Thanh và các cơ quan chức năng chất vấn, kiến nghị. Chỉ mấy ngày sau khi xác thực thông tin, ông Bá Thanh chỉ đạo cho hủy ngay dự án nuôi tôm khiến nhiều giám đốc tức tối.

Một hộ nông dân nhà bị giải tỏa cho dự án ven biển vào năm 2007 nhưng không được bố trí tái định cư. Hơn 1 năm trời đi khiếu nại, khi ông Bá Thanh nhận được đơn cho kiểm tra và ngay sau đó bố trí đất tái định cư ngay cho họ dân này.

Ông Nguyễn Văn Lắm nhà ở Hòa Cường bảo có ông Bá Thanh bà con dân nghèo được nhờ, nhiều vấn đề bức xúc phản ánh đều được ông lắng nghe và cho xử lý ngay.

Bộc trực kiểu Bá Thanh

Bộc trực, không sợ mất lòng, ông Bá Thanh đến giờ vẫn làm nhiều đại biểu tham dự cuộc họp HĐND vào giữa năm 2007 nhớ như in buổi chất vấn “nóng “ với nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường.

Hàng loạt vụ như ô nhiễm tại nhà máy xi măng Hòa Vân khiến dân la trời nhiều năm chưa được khắc phục. Hay 100 hộ dân nằm sát bờ rào của nhà máy thép và sản xuất giấy ở phía tây khu công nghiệp Hòa Khánh không chịu nổi ô nhiễm đã gửi đơn kiến nghị nhưng các cơ quan chức năng không giải quyết.

Toàn bộ hồ sơ chứng cứ ô nhiễm môi trường được thu thập đầy đủ gửi đến phiên chất vấn. Lúc đó ông Bá Thanh chủ trì phiên chất vấn đã hỏi Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Nguyễn Điểu: “Cái nhà máy giấy, nhà máy sắt ở chỗ mô ông Điểu hè?”. Ông Điểu lúng túng không trả lời.

Ông Bá Thanh lại dồn: "Anh Điểu là Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường mà không rành cơ sở. Trong khi đó một ông nông dân mà lại biết cụ thể chỗ mô ô nhiễm và ô nhiễm do đâu mới lạ". Vừa dồn ông lại hỏi: "Hay các ông đã nhận phong bì mà không xử lý cho dân nhờ?".

Nhiều cán bộ lãnh đạo một thời công tác với ông Bá Thanh nhớ mãi cái tính cách khác người, ăn nói bộc trực thẳng tưng, tranh cãi nảy lửa, làm đến cùng của người Quảng Nam mà ông Bá Thanh là một điển hình.

Vũ Trung

Tiếp: Nốt trầm của ông Bá Thanh