Cây dây thìa canh còn có tên gọi là dây muôi hay lõa ti rừng. Đây là loài cây thân thảo, một dược liệu quý hiếm giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh tiểu đường, mỡ máu.

Ngoài việc hỗ trợ điều trị bệnh nhân tiểu đường, tim mạch, mỡ máu, cây còn giúp hoạt huyết, tăng cường lưu thông máu, ổn định huyết áp, giảm béo, giảm cân, giảm mệt mỏi căng thẳng… Không chỉ là giống cây quý đối với sức khỏe mà dây thìa canh còn là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao với nông dân.

So với cây lúa, ngô và một số cây trồng khác, cây dây thìa canh mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần.

Gia đình bà Nguyễn Thị Muôn (xóm 4, Hải Lộc) là một trong những hộ nghèo đầu tiên của xã trồng loại cây dược liệu này.  Hiện, gia đình bà đang canh tác gần 1 mẫu cây dây thìa canh.

Theo bà Muôn, dây thìa canh là cây dược liệu dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, sức sống dai. Vì vậy trồng 1 lần có thể thu hoạch trên 10 năm. Mỗi năm cho thu hoạch 3 - 4 vụ. Thu hoạch đến đâu, cho vào máy chém rồi phơi hoặc sấy khô luôn đến đó.

Bà nhẩm tính, với diện tích 8 sào, mỗi năm gia đình thu hoạch được khoảng 3 tấn dây thìa canh thành phẩm (đã phơi khô). Giá bán dao động từ 32.000 - 35.000đ/kg, tùy vào từng thời điểm. Toàn bộ sản phẩm được bán cho thương lái tự do.

“Cả khu đất trồng dây thìa canh này là thành quả 10 năm lao động vất vả của gia đình tôi. Trồng dây thìa canh tuy không phải mất công sức nhiều nhưng phải chăm đúng quy trình kỹ thuật”, bà Muôn nói.

{keywords}
Trung bình 1 sào dây thìa canh thu được 3 - 4 tạ thành phẩm

Chia sẻ về cách trồng dây thìa canh, bà Muôn tiết lộ, “Khi xuống giống phải lựa chọn những hạt giống tốt nhất, chắc mẩy, kích thước dài. Sau đó, ươm hạt vào các bầu đất trong môi trường thích hợp”.

Bên cạnh đó, khâu làm đất cũng hết sức quan trọng. Đất được băm nhỏ, để hả hơi, phơi 2 - 3 nắng rồi kéo luống. Mỗi luống cách nhau từ 1,3 - 1,5m để cây có thể hứng ánh nắng mặt trời được nhiều nhất và tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, đi lại.

Nhằm giúp dây thìa canh sinh trưởng, phát triển tốt, gia đình bà Muôn chủ yếu bón phân chuồng đã ủ hoai mục, nguồn nước sạch sẽ… Bà Bảo, mọi quy trình sản xuất đều được thực hiện theo hướng an toàn, đảm bảo sức khỏe.

Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình trồng dây thìa canh của gia đình, ông Trần Văn Bộ (xóm 8, xã Hải Lộc) - một hộ nghèo trồng dây thìa canh cho biết, mấy năm trước,  do trồng lúa không hiệu quả, lại vất vả nên gia đình ông đã chuyển sang mô hình trồng dây thìa canh.

Theo tính toán của ông Bộ, trung bình 1 sào dây thìa canh thu được 3 - 4 tạ thành phẩm. Sản phẩm được bán cho HTX trồng cây dược liệu Hải Lộc với mức giá 35.000đ/kg.

Tuy nhiên, dịp nào xuống giá, không đảm bảo lợi nhuận, ông Bộ thu hoạch xong rồi phơi khô, chờ thị trường ổn định lại mới xuất bán.

Với diện tích 3 sào, sau khi trừ chi phí, một năm gia đình ông thu về từ 40 - 50 triệu đồng.

Được biết, hiện toàn xã Hải Lộc đang trồng hơn 10ha loại cây dược liệu này. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là bán cho thương lái tự do và HTX trồng cây dược liệu Hải Lộc.

Với các ưu điểm dễ trồng, ít công chăm sóc, chi phí đầu vào thấp và nhanh cho thu hoạch, nên dây thìa canh đang được nhiều người dân địa bàn một số xã của huyện Hải Hậu trồng làm cây chủ lực để xóa đói giảm nghèo.

Nhân Hậu