Áp dụng những "chiêu trò" như trồng cam "siêu phẩm" bằng đậu tương, ngô sạch; dùng bia để tưới cây, bón nấm; trồng cà chua bằng sữa và trứng; trồng rau tốt um nhờ bã thuốc bắc “thần thánh”,... những nông dân Việt dường như được hóa thân thành những nhà "khoa học chân đất" đem lại hiệu quả kinh tế cao nhờ dùng "chiêu" thật mà như đùa.
Trồng rau lớn vù vù bằng bỉm trẻ em: Khó tin nhưng có thật
Sử dụng những chiếc bỉm của bé để trồng rau, ý tưởng nghe có vẻ "điên rồ" nhưng khi chứng kiến sự lớn nhanh "thần thánh" của các loại rau, bạn sẽ vô cùng bất ngờ về công dụng của nó.
Trên thực tế, việc sử dụng bỉm trẻ em để trồng rau đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Những chiếc bỉm giúp giữ nước và dinh dưỡng cho cây trong quá trình sinh trưởng và phát triển bởi đặc tính hấp thụ nước của nó.
Cụ thể như ở Mexico, các nhà khoa học của đất nước này đã tìm ra giải pháp sử dụng bỉm để trồng nấm bằng cách nghiền nát những miếng bỉm đã qua sử dụng, họ đã tạo ra “phân bón bỉm” cho nấm phát triển.
Hiện nay, ở Việt Nam có không ít ông bố, bà mẹ đã sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng để xây dựng những mô hình trồng rau sạch trong nhà phố nhằm giúp con cái và cả gia đình có được nguồn thực phẩm sạch sử dụng trong bữa cơm hàng ngày. Vì vậy, việc tạo ra "siêu phẩm" để trồng rau quả giúp cây lớn nhanh vùn vụt lại đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là điều vô cùng cần thiết. (Ảnh: Cắt từ clip/ Hồng Liên)
Chăn nuôi kiểu lạ đời: Bắt mạch, nấu thuốc nam cho trăn
Nuôi trăn thấy đơn giản, song không hẳn ai nuôi cũng thành công, bởi trăn dễ mắc bệnh khi thời tiết thay đổi, dẫn đến hao hụt, lỗ vốn. Kinh nghiệm qua nhiều lần thất bại, ông Lê Thanh Phong (thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân), ngộ ra cho mình kỹ thuật nuôi trăn không “đụng hàng”, đó là điều trị bệnh cho trăn bằng thuốc nam.
Cách ông Lê Thanh Phong “bắt mạch”, xem bệnh cho trăn. |
Tận dụng đất quanh nhà trồng một số cây thuốc nam thông dụng, ông Phong chia sẻ: “Hàng ngày tôi đều quan sát, “bắt mạch” từng con để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị cho phù hợp”. Với cách trị bệnh độc đáo, hiệu quả này, ông Phong được nhiều người nuôi trăn các nơi đến nhờ tư vấn. Đến nay, anh em của ông, các con, cháu họ trong gia đình đều nuôi trăn theo kiểu… lạ này và đã thành công.
Gần 60 tuổi, không còn nhiều sức làm nghề biển, ông Phong giao nghiệp biển cho các con, còn ông hàng ngày làm “thầy” trị bệnh cho… trăn nhà và giúp người nuôi trăn nhiều nơi. Ông Phong phấn khởi khi vừa bán được giá lứa trăn để đón tết, tích lũy một ít, dự định sau tết đầu tư thêm chuồng, để nuôi lứa trăn mới.(Ảnh: Lê Quyên /Báo Đất Mũi)
Chiêu lạ: Dùng bia để tưới cây, bón nấm ở Phú Yên
Ông Bình đang hòa ít bia vào bình nước. |
Hơn 10 năm nay, ông Phạm Hồng Bình (69 tuổi, nguyên Chủ nhiệm CLB Sinh vật cảnh Phú Yên) liên tục duy trì việc tưới bón cây trồng bằng… bia.
Ông Bình cho biết: “Có hồi uống bia thừa, tôi tình cờ đổ vào một chậu hoa kiểng. Sau đó, thấy cây phát triển tốt, ra hoa nhiều hơn chậu bên cạnh. Thế là tôi mày mò hòa bia 1 - 3% vào nước để tưới hàng tuần lên tất cả cây trồng trong vườn nhà. Sau này, có internet, tôi lên mạng tìm đọc thì thấy mình… đúng. Nói chung, bia gì cũng được, chai, lon hoặc bia tươi đều có thể dùng để tưới cây”.
Đặc biệt, theo ông Bình, nhờ tưới bón bằng bia nên giảm thiểu được côn trùng gây hại trên cây, giúp ông không hề phải dùng đến các loại thuốc trừ sâu nữa. Bên cạnh đó, ông chỉ cần dùng thêm một ít phân vi sinh cho cây là đảm bảo phát triển tốt. Tại nhà vườn ông Bình ở phường 9 (TP.Tuy Hòa, Phú Yên), dù thời tiết đang khắc nghiệt nhưng các loại cây trồng đều cho năng suất khá tốt. (Ảnh: Hùng Phiên/ Dân Việt)
Sử dụng túi lọc bã trà để trồng rau, làm vườn
Túi trà lọc không chỉ có một tác dụng duy nhất là pha trà như tất cả chúng ta vẫn biết mà nó còn có rất nhiều lợi ích khác, đặc biệt là trong làm vườn. Trà lá chứa khoảng 4,15% nitơ và các dưỡng chất khác giúp nuôi dưỡng đất. Lá trà cũng giúp cải thiện cấu trúc của đất và tăng sự thoát nước. Ngoài ra, axít tannic trong túi trà lọc có tác động nhẹ và làm giảm độ pH của đất.
Dùng túi trà lọc đã qua sử dụng làm phân ủ |
Túi trà được coi là nguyên liệu hữu ích để thêm vào phân trộn bởi lẽ chúng làm tăng thêm nitơ trong phân trộn. Bên cạnh đó, chúng còn có tác dụng thu hút các vi khuẩn có lợi. Tuy nhiên, trước khi bỏ túi trà đã qua sử dụng vào đống phân ủ, bạn cần kiểm tra kĩ và đảm bảo vỏ ngoài của chúng không được làm từ chất dẻo. Nếu vỏ ngoài của túi trà lọc được làm từ một loại chất dẻo nào đó, hãy rạch túi ra và chỉ dùng bã bên trong túi để làm phân trộn.
Ngoài ra túi trà còn được trưng dụng để làm "vũ khí" đối phó với các loài gây hại trong vườn, một loại thức ăn giàu dinh dưỡng cho các loài thực vật, đẩy nhanh tốc độ ủ phân hay làm kích thích sự phát triển của cây và hoa. (Ảnh: Thùy Linh/ Dân Việt)
Dùng đậu tương, ngô sạch để bón cam "siêu phẩm"
Không bón cây bằng kali, phân đạm hay các kiểu truyền thống khác, ở những vườn cam đường tại Hải Dương, người ta không ngạc nhiên khi các chủ vườn đổ hàng tạ ngô, đậu tương ngâm trong những hố nước sạch lớn để tưới cây. Tưới bằng nước này, những trái cam ở đây vừa ngọt vừa có vị thơm ngon.
Cách bón phân mới này được các chủ vườn cam ở Hải Dương ưa chuộng vì cho cam thơm ngon, ngọt, bán được giá.
Vườn cam nhà anh Phạm Văn Triệu (Vũ Xá, Thất Hùng, Kinh Môn, Hải Dương) rộng trên 1 ha. Cả nghìn gốc cam, cây nào cũng sai trĩu Quả cam nào cũng đều tay to như nắm đấm, đều tay, ngọt lừ. Bí quyết là vì cây được tưới bằng nước sạch ngâm ngô, đậu tương.
Độc đáo trồng cà chua bằng sữa và trứng gà
Chị Phạm Thị Xuân Thủy (Đức Trọng, Lâm Đồng) là người đã đưa giống cà trái cây từ Nhật về trồng thử nghiệm tại Việt Nam. Đây là một sản phẩm khá mới vì nguyên liệu để cung cấp dinh dưỡng cho cây là hỗn hợp trứng gà, sữa bò, sữa bột và mật mía.
Những trái cà chua căng mọng, khi ăn có mùi thơm trứng sữa. |
Do điều kiện khí hậu cũng như địa hình ở Việt Nam khác Nhật Bản, liều lượng pha chế ở Nhật cho trái tốt còn ở Việt Nam cây không thể hấp thu chất dinh dưỡng, còi cọc và không ra hoa.
Chị Thủy tiếp tục mày mò để cho ra công thức pha chế với tỷ lệ hợp lý giữa sữa bò, sữa bột, trứng gà và mật mía. Hỗn hợp này được lên men trong một tuần, sau đó cung cấp cho hệ thống tưới nhỏ giọt của trang trại, đồng thời, kết hợp với giá thể mùn, trấu và sâu dừa.
“Sử dụng phân bón là sữa và trứng gà, cây sẽ đặc biệt khỏe, khi đó sâu bệnh khó xâm nhập, cây phát triển tốt hơn và không cần sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật”, chị chia sẻ. (Ảnh Zing)
Mẹ Việt 9X trồng rau quả tốt um nhờ bã thuốc bắc “thần thánh”
“Ngày nào mình cũng đi xin bã thuốc bắc "thần thánh" vì cạnh nhà có tiệm thuốc bắc về trộn bón vào gốc cây rất tốt"…Đó là một trong những bí quyết để có được vườn rau quả xanh tốt quanh năm suốt tháng của bà mẹ trẻ một con Ngô Phương Hà (24 tuổi) hiện đang sinh sống tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
Dù bận rộn nhưng muốn có nguồn thực phẩm sạch cho gia đình, chị Hà vẫn cố gắng tranh thủ thời gian để làm vườn, xới đất, trồng rau.Không chỉ trồng các giống cây được mang từ Việt Nam sang, chị Hà còn trồng rất nhiều loại hạt giống, cây giống của Hàn Quốc. "Vì bị ngấm máu yêu trồng rau xanh, quả sạch nên khi theo chồng sang Hàn Quốc mình vẫn tiếp tục trồng cây làm vườn", chị Hà tâm sự.
Nhờ trồng rau bằng thuốc bắc này, các loại rau quả trong vườn lớn lên trông thấy mỗi ngày |
Mảnh vườn nhỏ xinh trên sân thượng của nhà chị Hà chỉ khoảng 40m2 nhưng không thiếu cây gì, từ rau ăn hàng ngày đến các loại cây ăn trái được chị dành thời gian chăm chút mỗi ngày. Ngoài trồng rau, quả, chị Hà còn nuôi khoảng 20 con gà trên sân thượng, mỗi con nặng tới 5kg và đẻ trứng rất đều.
(Theo Dân Việt)