Hôm qua, 11/01/2023, giới banker xôn xao thông tin một ngân hàng thưởng hiệu quả kinh doanh lên đến 15 tháng lương, cộng thêm một tháng thưởng Tết.
Theo báo cáo tài chính bán niên 2022, về tổng mức chi cho nhân viên và số lượng nhân viên toàn hệ thống của ngân hàng này, mức chi lương và phụ cấp bình quân của nhân viên nhà băng này là 38 triệu đồng/người/tháng.
Như vậy, với mức thưởng kinh doanh và thưởng Tết nói trên sẽ khuyến khích, tạo động lực để tập thể, cá nhân thi đua phấn đấu. Điều đó đồng nghĩa với việc các Ngân hàng hoạt động hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút nguồn nhân lực. Mỗi nhân viên ngân hàng này đạt chỉ tiêu kinh doanh xuất sắc sẽ nhận về mức thưởng Tết và kết quả kinh doanh hàng trăm triệu đồng.
Ngay trong cùng một chi nhánh, mức thưởng mỗi người cũng khác nhau, tuỳ vào kết quả làm việc trong năm.
“Ở một số chi nhánh có mức thưởng cao nhưng cũng chỉ được áp dụng cho một vài cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc. Văn phòng hội sở của chúng tôi hiện chưa có thông tin gì về chuyện thưởng Tết”, vị này nói.
Được biết, đây vẫn là ngân hàng có mức đãi ngộ cao, hầu hết nhân viên được thưởng Tết tối thiểu 1 tháng lương.
Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều chưa công bố thông tin nội bộ về mức thưởng Tết.
Tuy nhiên, một vài ngân hàng đã có thông tin về thưởng Tết Quý Mão. Ngân hàng Techcombank đã “chốt” số tiền thưởng Tết cho CBNV với mức thưởng Tết là 1 tháng lương thu nhập.
Báo cáo tài chính bán niên của Techcombank hé lộ mức thu nhập bình quân của nhân viên ngân hàng này là 43 triệu đồng/tháng, cao nhất trong số các ngân hàng thương mại hiện nay. Nếu mức thu nhập này được giữ nguyên, mỗi nhân viên Techcombank sẽ được “ting ting” 43 triệu đồng thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão.
So sánh về hiệu quả công việc dựa trên yếu tố lợi nhuận trước thuế chia cho số lượng CBNV, mỗi nhân viên Techcombank mang về cho ngân hàng khoảng 140 triệu đồng lợi nhuận/tháng, điều này lý giải vì sao quán quân thu nhập đang thuộc về nhân viên ngân hàng này.
Nhìn chung, thưởng Tết của các ngân hàng phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh của từng chi nhánh cũng như mức độ hoàn thành KPI của mỗi cá nhân. Vì vậy, để đạt được mức thưởng “khủng”, không ít người phải hy sinh thời gian dành cho gia đình bằng việc đi làm đúng giờ và về nhà khi đã quá giờ ăn tối.
Mặc dù vậy, cũng có những ngân hàng nhiều năm nay không chi thưởng Tết cho CBNV do chưa hết lỗ luỹ kế.
Chia sẻ với VietNamNet, một nam nhân viên có thâm niên tại một “ngân hàng 0 đồng” ngậm ngùi chia sẻ: “Đã 8 năm nay kể từ ngày bị mua 0 đồng, chúng tôi không biết đến một đồng thưởng Tết. Cứ mỗi dịp này đọc thông tin về chuyện thưởng Tết ở ngân hàng bạn là chúng tôi lại thấy chạnh lòng.”
Mặc dù ngân hàng này hoạt động có lãi, nhưng do vẫn chưa hết lỗ luỹ kế từ giai đoạn trước khi bị mua “0 đồng” nên không thể chi cho quỹ phúc lợi cũng như chi mua sắm tài sản cố định.
Đến thời điểm hiện tại, bất chấp việc hàng loạt doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, dẫn đến đóng cửa, người lao động mất việc làm, bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng vẫn luôn chứa đựng nhiều gam màu sáng. Câu chuyện lợi nhuận ngân hàng phần lớn xoay quanh việc vượt chỉ tiêu lợi nhuận hay không đạt chỉ tiêu lợi nhuận.
Theo báo cáo mới đây của SSI Research về mức dự phóng lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2022, lợi nhuận trước thuế năm 2022 của ACB đạt khoảng 17 nghìn tỷ đồng tăng 41,9% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận ước tính của VietinBank từ 21,2-21,4 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021.
SSI Research cũng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của Sacombank là 6,3 nghìn tỷ đồng, trong khi VPBank có thể đạt lợi nhuận lên đến 25 nghìn tỷ đồng, 73,3% so với năm 2021
Với “anh cả” Vietcombank, lợi nhuận trước thuế chỉ riêng quý 4/2022 cũng được dự phóng đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ.
Tuân Nguyễn