Thăng trầm trên hành trình chinh phục thị trường Nhật

16 năm trước, sau khi tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật quân sự, Bùi Mạnh Khoa sang Nhật Bản theo diện kỹ sư điện tử viễn thông. Làm việc cho công ty của Nhật khoảng 5 năm, anh học lên cao học, lấy bằng Thạc sĩ rồi học đến Tiến sĩ tại Đại học ở Tokyo, sau đó “đầu quân” cho một số công ty IT ở Nhật.

Năm 2019, theo lời rủ rê của một người anh thân thiết, Khoa gia nhập nhóm thành viên đầu tiên gây dựng VMO Japan, thành viên của VMO Holdings.

Bui Manh Khoa.jpg
Giám đốc Chi nhánh Fukuoka của VMO Japan Bùi Mạnh Khoa. Ảnh: Bình Minh

“Tháng 12/2019, khi chúng tôi thành lập VMO Japan cũng là thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Năm đầu tiên thực sự rất nhiều khó khăn. Đích thân anh giám đốc cùng chúng tôi phải đến gặp từng khách hàng để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ. Thế nhưng, cả 3 khách hàng đầu tiên đều “giữa chừng đứt gánh” vì chúng tôi là “lính mới”, nhiều vấn đề còn bỡ ngỡ chưa thông”, ông Khoa chia sẻ kỷ niệm mà ông nói "sẽ không bao giờ quên".

Dân gian có câu “quá tam ba bận” với hàm ý nếu 3 lần liên tiếp thất bại thì nên dừng lại tìm hướng khác. Tuy nhiên, đội ngũ VMO Japan đã nghĩ khác, làm khác. Với tinh thần khó khăn không nản, cả bộ phận trực tiếp tiếp xúc với khách hàng ở Nhật Bản và bộ phận “trực chiến” tại Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ cho quá trình bán hàng đều nỗ lực hết sức. Vị khách hàng thứ tư đã vực dậy niềm tin và động lực cho những người Việt trẻ.

“Dĩ nhiên, khi cả 3 khách hàng đầu tiên đều quay lưng, chúng tôi thất vọng lắm. Nhưng cứ mỗi khi chúng tôi có ý định dừng lại, giám đốc VMO Japan cùng lãnh đạo của VMO Holdings lại động viên: Cố gắng lên, thêm một lần nữa. Và rồi chúng tôi đã có thể vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, có những khách hàng tiếp theo”, ông Khoa nhớ lại.

Người Nhật có phong cách làm việc rất chi tiết, tỉ mỉ, thường được xếp vào diện những “khách hàng khó tính” nhất thế giới. Trong khi người Việt lại khá xuề xòa. Bởi vậy, thời gian đầu hợp tác khó tránh những bất đồng. Muốn hợp tác lâu dài, doanh nghiệp Việt cần phải thích ứng, sửa đổi dần quy trình cho phù hợp yêu cầu của khách hàng Nhật.

“Không chỉ yêu cầu cao về khả năng nói tiếng Nhật, khách hàng Nhật còn đặt ra nhiều tiêu chuẩn rất khắt khe, chẳng hạn về công nghệ, họ yêu cầu kỹ sư của chúng tôi phải là chuyên gia có từ 5 năm kinh nghiệm trở lên. Cũng có một vài trường hợp chúng tôi không thể đáp ứng.

Để tiếp cận các khách hàng, công ty Nhật thực sự rất khó khăn, tốn rất nhiều thời gian, nhưng một khi đã làm bạn rồi thì gần như là mãi mãi. Đây là điểm khác biệt so với các thị trường khác”, ông Khoa chia sẻ.

Kế tiếp 2 văn phòng ở Tokyo và Osaka, tháng 5/2023, VMO Japan thành lập văn phòng tại thành phố Fukuoka (thuộc đảo Kyushu ở phía Tây Nam Nhật Bản) chỉ sau 1 tháng suy nghĩ, cân nhắc. Bùi Mạnh Khoa được giao đảm nhận trọng trách giám đốc Chi nhánh Fukuoka của VMO Japan.

Theo ông Khoa, có nhiều lý do để lựa chọn Fukuoka làm điểm đến: vị trí địa lý thuận lợi; được đánh giá là nơi dễ sống và làm việc tốt nhất thế giới; kinh tế phát triển (GDP của vùng Kyushu hơn 400 tỷ USD, trong đó GDP của Fukuoka chiếm tỷ trọng rất lớn), tương lai sẽ trở thành trung tâm tài chính quốc tế…

Đặc biệt, sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền Fukuoka giúp doanh nghiệp có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.

Fukuoka có lộ trình, chính sách hỗ trợ cho startup rất mạnh mẽ, không chỉ về vốn mà còn tư vấn thành lập doanh nghiệp, cung cấp nhân lực và một số kênh bán hàng… Đây cũng là địa phương có nhiều trường thuộc khối khoa học tự nhiên, nhiều sinh viên xuất sắc. 

“VMO Japan được chính quyền thành phố Fukuoka hỗ trợ rất nhiệt tình. Lần đầu tiên chúng tôi đến đây, họ đã đưa đi thăm 5 trường đại học chỉ trong vòng 1 ngày, giúp chúng tôi kết nối với các trường để sau này tổ chức nhiều seminar về công nghệ, từ đó lại có thêm kết nối với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản khác”, ông Khoa kể.

Với mong muốn biến Fukuoka trở thành một thành phố thân thiện với kỹ sư công nghệ thông tin, chính quyền thành phố đã đưa ra ý tưởng và nhanh chóng biến ý tưởng “Visa thân thiện với kỹ sư” trở thành hiện thực. Với loại visa này, thời gian xét duyệt được rút ngắn từ 1-3 tháng xuống chỉ còn 1 tháng. Thành phố Fukuoka là địa phương đầu tiên ở Nhật Bản thực hiện chế độ “Visa thân thiện với kỹ sư”. VMO là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên triển khai loại visa mới.

Hiện VMO Japan triển khai rất nhiều dự án với các doanh nghiệp ở Fukuoka trong các lĩnh vực gồm: gia công phần mềm, phát triển phần mềm, dịch vụ tư vấn liên quan đến chuyển đổi số, blockchain, AI, fintech, giáo dục…

Đầu tư R&D để làm dự án công nghệ cao

Cũng theo Giám đốc Bùi Mạnh Khoa, từ khoảng 20 thành viên ban đầu, tới nay, VMO Japan đã có hơn 400 nhân sự, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin của khách hàng Nhật Bản. Danh mục khách hàng khá đa dạng, từ công ty khởi nghiệp đến doanh nghiệp lớn có tên trong danh sách Fortune 500, hoạt động trong đa dạng lĩnh vực: logistics, giáo dục, bảo hiểm…

Hơn 1.000 kỹ sư của VMO Holdings ở Việt Nam là chỗ dựa vững chắc để VMO Japan chinh phục thị trường Nhật và tiếp tục Go Global (đi ra thị trường thế giới).

Suốt một thời gian dài, doanh nghiệp gia công phần mềm Việt bị mặc định chỉ làm được những công việc có giá trị gia tăng thấp. VMO Japan quyết tâm thay đổi định kiến ấy, tự định vị mình ở vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị gia công phần mềm.

“Chúng tôi đặt mục tiêu không chỉ làm công nhân coding đơn thuần mà phải trở thành những chuyên gia tư vấn xây dựng và vận hành hệ thống công nghệ thông tin cho khách hàng Nhật, triển khai cả những dự án ứng dụng công nghệ mới nhất như blockchain. Xuất phát điểm về blockchain của doanh nghiệp Việt Nam và các công ty trên thế giới gần như ngang nhau. Thậm chí Việt Nam mình còn cao hơn nhiều nước. Khi tôi đi tư vấn triển khai các hệ thống blockchain, nhiều khách hàng Nhật khá ngạc nhiên và cảm phục, không hiểu sao chúng tôi lại có những hiểu biết công nghệ mới như thế. Nhiều vấn đề họ chưa từng nghe, chưa từng trải nghiệm bao giờ”, Giám đốc Bùi Mạnh Khoa tự hào chia sẻ.

Nhiều năm qua, nói đến blockchain, mọi người nghĩ ngay đến tiền ảo, với những dự án nguy cơ lừa đảo cao. Song tiền ảo chỉ là 1 ứng dụng của blockchain. Bên cạnh đó còn nhiều ứng dụng khác trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp…

VMO Fukuoka.jpg
VMO Japan sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin của khách hàng Nhật Bản. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tới giờ, VMO Japan đã triển khai hơn 20 dự án liên quan blockchain cho khách hàng Nhật. 

Lợi thế lớn nhất của VMO Japan là đội ngũ kỹ sư chất lượng cao. Nhật Bản luôn thiếu kỹ sư công nghệ thông tin, với kỹ sư blockchain thì lại càng thiếu trầm trọng.

Cùng với đó, không thể không kể tới sự đầu tư bài bản cho hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) công nghệ.

“Không phải đơn giản, ngẫu nhiên mà chúng tôi có thể khiến các công ty Nhật nể phục. Chúng tôi đã phải thử nghiệm rất nhiều trước khi đạt kết quả nhất định để có minh chứng thực tế chứ không chỉ nói suông khi tiếp cận các công ty Nhật. Như thế mới gây dựng được lòng tin của họ. Lãnh đạo VMO Holdings luôn tạo điều kiện hết sức thuận lợi để chúng tôi tự do sáng tạo, đổi mới, làm ra những sản phẩm/dịch vụ tốt. Hiện tại trong team blockchain, chỉ tính riêng nhóm liên quan R&D đã lên tới 100 người”, ông Khoa cho hay.

Bí quyết giúp VMO tìm được đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh đây vẫn đang là “bài toán khó” đối với nhiều doanh nghiệp khác, đó là kết hợp trực tiếp với các trường đại học như Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông (PTIT), mở các chương trình đào tạo về kỹ sư công nghệ, rút ngắn thời gian đào tạo kỹ sư từ 4 năm xuống khoảng 3,5 năm. Học viên được tham gia các dự án thực tế và nhanh chóng tích lũy kinh nghiệm “thực chiến”. 

“Lứa đầu tiên đã thu hút khoảng 200 bạn trẻ. Các bạn xuất sắc được mời gọi về VMO. Hầu như hàng ngày chúng tôi đều có thông báo có người mới vào công ty. Một trong những tiêu chuẩn cần đáp ứng là kỹ sư ít nhất phải sử dụng được tiếng Anh, còn nhân viên liên quan sale (bán hàng) phải biết cả tiếng Anh và tiếng Nhật”, ông Khoa thông tin thêm.

Trên hành trình chinh phục khách hàng quốc tế, các doanh nghiệp như VMO luôn tâm niệm câu: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”.

Vừa qua, một hiệp hội về công nghệ thông tin gồm 6 thành viên là những công ty IT Top đầu của Việt Nam, trong đó có VMO, đã được thành lập tại Kyushu, dưới sự bảo trợ của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở Kyushu.

“Khi làm việc tại Nhật, sự hỗ trợ của chính quyền là 'bàn đạp' vững chắc giúp doanh nghiệp tăng tốc. Tôi thấy cách làm của thành phố Fukuoka rất hay, Việt Nam có thể tham khảo. Mới đây, xuất phát từ ý tưởng của VMO, đích thân Thị trưởng Fukuoka – ông Soichiro Takashima đã sang Việt Nam, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng VMO tổ chức hội thảo “Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào thành phố Fukuoka”. Thay vì 1 công ty đơn lẻ đi tiếp cận khách hàng, khi tư nhân và chính quyền cùng nắm tay nhau đi tiếp cận khách hàng thì sẽ hiệu quả hơn nhiều”, ông Khoa đề xuất.

“Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ thành phố Fukuoka sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Chúng tôi cùng các doanh nghiệp IT Việt Nam khác sẽ chứng minh cho thế giới và người Nhật thấy: Việt Nam không chỉ làm được công nghệ mà còn làm rất tốt”, Giám đốc Chi nhánh Fukuoka của VMO Japan chia sẻ kế hoạch tương lai. 

VMO Holdings thành lập tháng 8/2012, có 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực gia công phần mềm, đang cung cấp dịch vụ cho khách hàng tại 40 quốc gia, trong đó, các thị trường chính gồm: Nhật Bản, Mỹ, Singapore, Thái Lan và Hàn Quốc.

VMO Holdings từng được bình chọn Top 5 Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ về AI, Top 10 Doanh nghiệp công nghệ thông tin tại Việt Nam, Top 10 doanh nghiệp phần mềm hàng đầu Việt Nam.