Chăm sóc người cao tuổi, hướng dẫn họ cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo… là những hoạt động thiết thực, nhân văn của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau (CLBLTHTGN).

Hỗ trợ người cao tuổi giảm nghèo

Khi tham gia CLBLTHTGN, bà Trần Tâm ở xóm 1, xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) được cho vay vốn 5 triệu đồng, được hướng dẫn cách làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Từ nguồn vốn vay ban đầu, gia đình bà Tâm đã có được đàn gia súc, gia cầm, ao cá, cho thu nhập ổn định. Vốn là một hộ gia đình trong diện nghèo, gia đình bà Tâm đã thoát nghèo bền vững.

Nhờ tham gia CLB này, rất nhiều hộ dân xã Dân Quyền có cuộc sống ổn định. Từ nguồn vốn ban đầu được hỗ trợ là 100 triệu đồng, CLB tổ chức cho các thành viên vay vốn xoay vòng, từ 3 đến 5 triệu đồng/người/lần để hỗ trợ làm ăn, tăng thu nhập, nhờ vậy 7 hộ nghèo trong CLB đều đã thoát nghèo, nguồn vốn vay của CLB không những được duy trì mà còn tăng lên.

Tại Bình Phước, hội Người cao tuổi xã Tân Thành huyện Đồng Xoài được chọn làm điểm xây dựng CLBLTHTGN. Qua 1 năm hoạt động, CLB gồm 60 người đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần cải thiện đời sống thành viên. Các thành viên trong CLB đã giúp đỡ, động viên hội viên khó khăn bằng những việc làm thiết thực như tặng quà Tết, tài trợ hằng quý người cao tuổi nghèo, cô đơn; đóng góp cùng địa phương xây dựng nhà tình thương cho người khó khăn về nhà ở…

Hội viên đã tự nguyện đóng góp mỗi người 1 triệu đồng khi tham gia CLB. Hội viên có điều kiện kinh tế khá cũng đóng góp quỹ hội từ 5-10 triệu đồng không hoàn lại. Đến nay, từ số quỹ 67 triệu đồng ban đầu, CLB đã hỗ trợ người cao tuổi vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế, giải quyết khó khăn,

Cùng với hoạt động giảm nghèo, CLB còn thực hiện tốt việc hỗ trợ cộng đồng như quan tâm chăm sóc người cao tuổi qua việc phối hợp khám sức khỏe định kỳ miễn phí và tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục dưỡng sinh, giúp các thành viên sống vui khỏe, có ích.

{keywords}
 

Nhân rộng mô hình thiết thực

CLBLTHTGN bắt đầu được xây dựng thí điểm tại một số địa phương từ năm 2010 nhờ sự trợ giúp kỹ thuật của Tổ chức hỗ trợ người cao tuổi quốc tế và sự tài trợ của một số dự án, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Người cao tuổi. Mỗi CLB được hỗ trợ ban đầu số tiền hoặc hiện vật trị giá từ 50-100 triệu đồng để làm quỹ cho các thành viên vay tăng thu nhập, với lãi suất tối đa là 1%/ tháng. Toàn bộ số tiền lãi được nộp trở lại vào quỹ này để duy trì các hoạt động chung.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), CLB là mô hình có tác động toàn diện tới người cao tuổi và cộng đồng. Các thành viên được vay vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật có thể tăng 50% thu nhập sau ba năm, góp phần giảm nghèo cho người cao tuổi và gia đình; Sức khỏe của thành viên tốt lên do rèn luyện và có kiến thức tự chăm sóc; các hoạt động của CLB có sức lan toả trong cộng đồng…

Từ kết quả này, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 1533/QĐ-TTg để nhân rộng mô hình CLBLTHTGN, đặt chỉ tiêu đến năm 2020, xây dựng và duy trì hoạt động khoảng 3.200 CLB ở ít nhất 45 tỉnh, thành phố.

Trong gần 2 năm qua, một số tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan trong việc vận động chính quyền hỗ trợ nguồn vốn để phát triển kinh tế, hoạt động CLB này. Tỉnh Hà Giang đã phê duyệt Đề án thành lập 30 CLB, tài trợ cho mỗi CLB 55 triệu đồng. Tỉnh Bạc Liêu đã thành lập 7 CLBLTHTGN, trong đó CLB có số vốn thấp nhất 50 triệu đồng, cao nhất 81 triệu đồng...

Các tỉnh như Thanh Hóa, Bến Tre, Hải Dương, Tiền Giang, Hải Phòng, Đà Nẵng đã huy động từ Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò người cao tuổi cấp tỉnh, huyện để phát triển CLB... Trong đó, Thanh Hóa đã quyết định cho Hội Người cao tuổi sử dụng 60% nguồn Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò người cao tuổi để nhân rộng CLB, từ đó huy động được 29,5 tỉ đồng, xây dựng được 200 CLB...

Một số địa phương như Kiên Giang đã vận động các tổ chức doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp cho CLB thông qua hình thức ủng hộ hoặc cho vay không lấy lãi.

{keywords}
 

Qua 6 tháng đầu năm 2018, đã có 51 tỉnh thành phê duyệt đề án, kế hoạch thực hiện quyết định 1533/QĐ-TTg. Trên cả nước đã có 1.458 CLBLTHGN tại 29 tỉnh thành, trong đó hơn 900 CLB đã được thành lập từ trước khi triển khai Đề án 1533.

CLBLTHTGN được đánh giá là mô hình ý nghĩa và thiết thực trong công tác chăm lo người cao tuổi. Góp phần nâng cao chất lượng sống của người cao tuổi, mô hình giúp người cao tuổi thuộc diện nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo ở địa phương.

N.M - Lan Hương - Văn Minh (tổng hợp)