"Cô chẳng được bằng người vì người ta có 2 con mắt sáng sủa, không dám đi ăn xin, chỉ còn biết cố gắng lần mò kiếm ăn nên càng thấy tủi thân...", người đàn bà mù cô độc với chiếc quang gánh vẫn ngày ngày lao động kiếm sống chỉ mong thực hiện được ước mơ cuối cùng của đời người là có một chiếc quan tài để về quê.
Những ngày gần đây, một clip phát sóng trong chương trình phóng sự phát trên VTC16 vào ngày 25/4/2014 được nhiều người chia sẻ lại bởi câu chuyện xúc động đầy tính nhân văn về người đàn bà mù mong một lần nữa được ánh sáng và có được một cỗ quan tài để về quê.
Phóng sự kể về một người phụ nữ mù tên là Đoàn Thị Tuệ (53 tuổi), quê ở thôn Tây Tiến, xã Thọ Vinh, huyện Kim Động (tỉnh Hưng Yên), lên Hà Nội kiếm sống ngót nghét chục năm nay. Công việc của cô Tuệ là đi bộ lên chợ Long Biên lấy cá về bán ở chợ Hàm Tử Quan.
Không có hai đôi mắt sáng như những người bình thường, nhưng cô Tuệ quê ở thôn Tây Tiến, xã Thọ Vinh, huyện Kim Động (tỉnh Hưng Yên) vẫn ngày ngày vượt qua số phận và kiếm sống bằng chính sức lao động của mình. Dù cho có những lúc tủi thân, bị lừa tiền hoặc cảm thấy cô độc, nhưng cô vẫn sống bằng chính niềm lạc quan và tình yêu thương của mọi người xung quanh.
Đoạn phóng sự xúc động được phát trên VTC16:
Theo đó, thuở đầu rời quê lên Hà Nội kiếm việc, cô Tuệ còn là người khỏe mạnh. Lúc ấy, chợ ngược, chợ xuôi, chẳng khi nào hết việc. Được đâu một hai năm, trăm thứ bệnh bập vào người nên mắt cô cứ mờ dần rồi đến lúc mù tịt.
Nhìn người phụ nữ khỏe mạnh với nụ cười thường trực trên môi, ít ai biết rằng cô Tuệ đã có những lúc khóc cạn nước mắt. Nhưng đó không phải là những giọt nước mắt khóc cho bi kịch cuộc đời của mình mà là những giọt nước mắt tiếc thương bà ngoại và bố của cô khi họ chết vì bệnh tật sau những năm tháng vắt kiệt sức ở các khu lao động vì gánh nặng mưu sinh.
Khóc hết nước mắt của một kiếp người, ấy vậy mà khi nhắc đến bi kịch của đời mìn, cô lại rất bình thản: "Sức của cô có hạn mà mắt mũi càng ngày càng mờ kém, cô chỉ cố gắng được lúc nào hay lúc đấy. Vì cô nghĩ rằng ở đời này cứ sống thật lại gặp nhiều điều may, lấy niềm vui và tình yêu của mọi người xung quanh dành cho mình để cố gắng vượt qua khó khăn", người phụ nữ mù chia sẻ, trong đôi mắt cô vẫn ánh lên niềm lạc quan như một sức mạnh kì diệu mà ông trời ban tặng.
Chợ Hàm Tử Quan, ngày nắng cũng như ngày mưa đều có thể nhìn thấy một người đàn bà bán cá khá lạ. Một mẹt cá biển, một chiếc thau nhựa khi đựng vài con mực, lúc mấy con ngao. Một chiếc cân sắt thủ công, một đôi mắt nhờ nhờ thường xuyên nhìn vào khoảng không vô định.
Bố mẹ cô Tuệ sinh được 5 người con. Từ đời bà ngoại, gia đình họ nếu không bám được ruộng đồng thì phải rời làng để mưu sinh. Đến lúc mất ruộng thì nhà nào cũng phải đi lên phố. Xóm Phúc Tân chỉ là một trong nhiều khu lao động tập trung nông dân ở những vùng quê tương tự. Nghe đâu, ngày xưa nơi này chỉ là bãi cát bồi. Dần dà dân tứ xứ đến ở rồi thành xóm, thành phường. Họ làm đủ thứ nghề, nhưng phổ biến nhất vẫn là bán sức lao động và buôn thúng bán mẹt.
Một ngày của người đàn bà mù này bắt đầu từ lúc 3 giờ sáng. Cô cũng giống như phần lớn cư dân ở xóm lao động Phúc Tân, xóm của những lao động nông thôn lên Thủ đô kiếm việc. Xóm của những người phải đổ mồ hôi từ thời khắc người ta còn say giấc thì mới có tiền sinh sống.
Lúc mới bị mù, cô Tuệ còn có cô em dâu dẫn đường đi lại buôn bán, một thời gian sau người em của cô chuyển về làm công nhân dưới Quảng Ninh nên chỉ còn mình cô. "Cô chẳng được bằng người vì người ta có 2 con mắt sáng sủa, không dám đi ăn xin, chỉ còn biết cố gắng lần mò kiếm ăn nên càng thấy tủi thân...".
Khổ trăm bề nhưng cô Tuệ vẫn chăm chỉ lao động kiếm ăn bằng chính sức lao động của mình. |
Không ít bận cô đi lạc, ngược ra sông Hồng, sẩy chân suýt chết. Cô nghĩ, giả có chết đi cũng được, chỉ hiềm một nỗi chưa đủ tiền để mua cái quan tài khi nằm xuống, sợ liên lụy đến anh em. Nghĩ thế nên cô phải tập để đi cho quen, để sống. "Ngày nào cô cũng để chuông đồng hồ báo thức dậy bán hàng lúc 3h sáng, sờ theo bờ tường, đến đường vòng hẫng thì biết, không nhìn thấy, bị bẩm sinh thì bé, đường đi đông mà chưa quen nhiều lúc lạ. Chỉ đi đường thẳng, lệch hướng thì lại hỏi thăm, chưa đến các chị ấy lại dắt đến", cô Tuệ chia sẻ.
Tính trung bình, mỗi ngày người đàn bà mù lòa này đi bộ gần chục cây số. Bán cá từ sáng tinh mơ đến tối mịt mới về. Đắt được tầm 50 ngàn đồng tiền lãi, bán ế coi như lỗ. Có những ngày sạch cả vốn lẫn lời vì bị người ta lừa.
Lần theo cân treo từng khấc một bán cho khách, cô Tuệ tâm sự: "Đắt hàng thì cô kiếm được 700.000 đồng/tháng, trừ tiền ăn tiêu tiền trọ. Tuy ít nhưng như thế là hạnh phúc lắm rồi vì nếu ở quê chẳng làm gì được. Trả lại tiền thì trả bao nhiêu biết bấy nhiêu, bảo lấy giúp em thì người ta tự động lấy. Tiền 100.000 đồng thì cô gấp đôi để nhớ. Có khi người ta bốc trộm, lẩn đi mất không giả tiền tôm mình cũng đành chịu. Nhiều lần đưa 10.000 đồng thì bảo 200.000 đồng, chìa túi lấy lại , lấy nhiều hay ít không biết nữa. Kiếm được một đồng bị đói chả dám ăn".
Khổ cực trăm bề nhưng cô Tuệ vẫn còn đang trụ được. Duy có khoản tiền nong thì cô chịu. Cả chục năm bán cá gần như cô chỉ đủ nuôi thân. Tiền dành dụm được bao nhiêu cũng nào có biết.
Được biết, mơ ước lớn nhất của cô Tuệ là kiếm đủ tiền mua một cái quan tài để về quê. Vậy mà ngót chục năm trời rồi, mong ước ấy vẫn chưa thực hiện được...
(Theo Trí thức trẻ)