Theo Cục Bảo vệ thực vật, từ đầu năm 2023, các vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu đều có tài khoản và mật khẩu sử dụng phần mềm quản lý vùng trồng (FARM-DIARY).
Trước đó, cuối năm 2022, Cục Bảo vệ thực vật triển khai thử nghiệm đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng và chuối, tuy nhiên có rất ít vùng trồng, cơ sở đóng gói thực hiện. Đến tháng 8/2023, có 23 tỉnh đã thực hiện. Có 125 vùng trồng tại 23 tỉnh đã sử dụng FARM-DIARY thay thế việc ghi chép bằng tay. Các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Bình Phước, Long An, Đắk Nông, Lâm Đồng là các tỉnh có các vùng trồng nhập liệu đầy đủ.
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quan tâm, chỉ đạo sát sao và ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Cụ thể như: Công văn 5841/BNN-BVTV ngày 26/8/2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành về việc tăng cường công tác giám sát, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; Công văn số 2425/BNN-BVTV ngày 27/4/2021 về việc kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói để cấp mã số phục vụ xuất khẩu; Công văn số 1776/BNN-BVTV ngày 23/3/2023 về việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu...
Năm 2023, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng 15 lớp tập huấn và 2 hội nghị liên quan đến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Tính đến hết tháng 7/2023, Cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức 8 lớp tập huấn và 1 hội nghị với sự tham dự của 657 lượt người. Các hiệp hội ngành hàng cũng chủ động phối hợp với cơ quan quản lý để hỗ trợ, tập huấn cho hội viên về vấn đề mã số.
Chính quyền địa phương quan tâm và bố trí nguồn lực cho nhiệm vụ quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu. Đến nay có 23/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt kế hoạch và bố trí nguồn lực để giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.