5h chiều ngày 4/5, ông Trần Thành Đạt (60 tuổi, Văn Phú, Hà Đông) bước đi run run băng qua dòng xe vun vút để sang đường.
Cùng đi với ông có khoảng 7-8 người già có, trẻ có. Đáng chú ý, cách chỗ ông Đạt vài chục mét là một cây cầu vượt bộ hành được xây dựng khang trang bắc qua đường 70 (cổng bệnh viện K - cơ sở Tân Triều) nhưng lại ít người quan tâm.
Ông Đạt cho biết, cầu bộ hành mang lại sự an toàn khi di chuyển cho người dân nhưng vì băng qua đường tiện hơn nên ông vẫn bất chấp để đi...
Cầu vượt cho người đi bộ qua đường 70 tại khu vực Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều dài 183m với tổng mức đầu tư 8,4 tỷ đồng được xây dựng năm 2015.
Tuy nhiên, dù đưa vào hoạt động nhiều năm, nhưng hình ảnh dòng người nối đuôi nhau băng qua đường vẫn không khó để bắt gặp. Thậm chí, nhiều người trong đó có bệnh nhân chọn cách băng qua đường ngay dưới cây cầu bộ hành.
Không chỉ diễn ra tại cầu bộ hành trước cổng Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, tại nhiều tuyến đường lắp đặt cầu vượt dành cho người đi bộ tại Hà Nội xảy ra tình trạng tương tự.
Cầu bộ hành trên đường Trần Đại Nghĩa, cạnh cổng phụ Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng ít người ngó ngàng đến. Vào giờ cao điểm, từng tốp sinh viên, người dân từ các điểm xe buýt bất chấp dòng xe đông đúc để băng ngang qua đường.
Tương tự, cầu bộ hành trên đường Giải Phóng còn xuất hiện tình trạng một số người dân bất chấp trèo qua hàng rào, dải phân cách để băng qua đường.
Tại quận Cầu Giấy, cầu bộ hành trên đường Trần Quốc Hoàn (đoạn Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy) gần như không phát huy được hiệu quả. Rất đông học sinh băng qua đường bất chấp nguy hiểm.
Hình ảnh VietNamNet ghi nhận tại các khu vực có cầu vượt bộ hành:
Nguyễn Lê Hoàng Nam