Doanh nghiệp tặng xe đã làm chết rừng, khai thác cát trái phép.

Như đã thông tin, tháng 3-2016, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (gọi tắt là công ty) tặng cho tỉnh này hai chiếc Lexus GX 460 có giá trên 6 tỉ đồng và hai chiếc xe này được Tỉnh ủy và UBND tỉnh Cà Mau sử dụng.

Sau khi nhận quà, tỉnh Cà Mau có biểu hiện ưu ái cho doanh nghiệp (DN) này trong việc ứng tiền; khai thác cát; để cho cây rừng bị chết…

Ứng 25 tỉ đồng ngân sách cho DN

Theo hồ sơ chúng tôi có được, trong lúc làm thủ tục tặng xe thì công ty cũng có văn bản đề nghị giao lại Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau cho Nhà nước quản lý, sử dụng. Lý do là công ty có nhiều dự án lớn cần tập trung quản lý.

Tiếp nhận văn bản, Cà Mau ra hàng loạt văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan hoàn thành các thủ tục tiếp nhận nhà máy. Đến tháng 6-2016, UBND đã có dự thảo tiếp nhận nhà máy và gửi văn bản xin ý kiến của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, Thường trực Tỉnh ủy không đồng ý việc tiếp nhận này nên việc tiếp nhận bị dừng lại.

{keywords}

Một góc khu rừng bị chết tại Khu du lịch Khai Long của Công ty Công Lý.

Lúc này công ty chuyển qua xin ứng trước 30 tỉ đồng mà ngân sách sẽ trả trong tương lai để “bảo trì, bảo dưỡng” máy móc, thiết bị của nhà máy. Với yêu cầu này của công ty, tỉnh có hàng loạt công văn hỏa tốc chỉ đạo các sở, ngành xem xét.

Đến đầu tháng 11-2016, công ty được tỉnh cho ứng 25 tỉ đồng từ ngân sách, công ty được phép trả chậm trong nhiều năm. Theo một nguồn tin, với mức tiền chi trả hằng năm, công ty được phép ứng trước ngân sách nhưng con số này không vượt quá 16 tỉ đồng.

Chúng tôi đã đặt vấn đề là dựa vào căn cứ nào Sở Tài chính tỉnh Cà Mau tham mưu cho công ty ứng vượt số tiền như trên, lãnh đạo sở này không trả lời với lý do chưa có chỉ đạo của chủ tịch tỉnh.

{keywords}

Văn bản đề xuất cho công ty ứng 30 tỉ đồng của Sở Tài chính tỉnh Cà Mau.

Làm chết rừng, khai thác cát trái phép

Ngoài chuyện tiền nong thì DN tặng xe có dấu hiệu được ưu ái trong hoạt động của mình.

Theo đó, công ty này có hoạt động khai thác cát bị Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau phát hiện. Sau đó, ngày 10-12-2016, biên phòng báo cáo về việc bắt quả tang người của công ty khai thác cát biển trái phép với trữ lượng khoảng 80.000 m3. Đơn vị này cũng đề nghị UBND tỉnh xử phạt hành chính nhưng đã hơn hai tháng qua tỉnh vẫn chưa có quyết định xử lý nào về hành vi này của công ty. Trong khi theo quy định pháp luật hiện hành, thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày kể từ ngày lập biên bản nếu vụ việc phức tạp.

Về sự việc khai thác cát này, lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Cà Mau cũng nhiều lần trả lời với chúng tôi là “chờ tỉnh có ý kiến mới cung cấp cho báo chí”.

Ngoài ra, mới đây công ty còn để chết rừng phòng hộ được Nhà nước cho thuê. Lẽ ra công ty phải bị truy trách nhiệm nhưng Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau lại đề xuất tỉnh cho phép công ty tận thu toàn bộ số cây rừng bị chết, trồng lại cây thay thế phục vụ du khách trong Khu du lịch sinh thái Khai Long do công ty đầu tư.

Lý do mà Sở NN&PTNT đề xuất như trên là vì “công ty thiếu kỹ thuật trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng… Khu rừng có cây chết, dù là rừng phòng hộ rất xung yếu nhưng lại nằm giữa các công trình của công ty, không còn tác dụng phòng hộ đầu nguồn nữa nên chúng tôi không đề nghị truy trách nhiệm làm chết rừng” - một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau nói.

Sẽ làm rõ trách nhiệm để chết rừng

Chiều 21-2, tại cuộc họp báo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau, ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở NN&PTNT, thông tin: Sau khi kiểm tra, đo đạc… xác định số rừng phòng hộ bị chết như kiểm tra trước đây đã phục hồi một nửa, hiện còn chết khoảng 4 ha.

PV báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi trách nhiệm để chết rừng như vậy thuộc về ai. Ông Triều cho biết vẫn chưa xác định được trách nhiệm và ông cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ xác định việc này để xử lý hoặc đề nghị UBND tỉnh xử lý nếu vượt thẩm quyền.

Về việc Cà Mau cho công ty ứng 25 tỉ đồng, Sở Tài chính thông tin: Hiện Kiểm toán Nhà nước đang kiểm toán tại đơn vị, trong đó có nội dung kiểm toán việc cho nhà máy rác ứng 25 tỉ đồng. Căn cứ mà Sở đề xuất cho ứng số tiền trên là dựa vào Luật Ngân sách. “Trên cơ sở các hợp đồng Nhà máy rác Cà Mau đã ký mua máy móc, thiết bị với đối tác, chúng tôi thấy nhu cầu của công ty là khoảng 30 tỉ đồng nên đề xuất như trên”.

Các PV chưa thỏa mãn với lý giải này nên lãnh đạo Sở Tài chính hẹn sẽ có cuộc làm việc vào dịp khác.

(Theo Pháp luật TP.HCM)