Tọa lạc tại thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, cửa hàng trang phục dân tộc Mông Giàng Mỷ của gia đình chị Giàng Thị Mỷ là một trong những nơi được đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh biết tới và ghé thăm.

Khởi nghiệp với đôi bàn tay trắng, bằng niềm đam mê và trân quý trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, chị Giàng Thị Mỷ gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển cửa hàng đồ trang phục truyền thống của dân tộc Mông. 

Tận dụng lợi thế mạng xã hội, chị Giàng Thị Mỷ thường xuyên phát sóng livestream để quảng bá các sản phẩm của mình. Với khuôn mặt tươi tắn, cùng giọng nói tràn đầy năng lượng, chị Mỷ quảng bá các sản phẩm đồ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông trên nền tảng Facebook, Tik Tok và được rất nhiều người yêu mến, đặt hàng.

“Cửa hàng của gia đình tôi chủ yếu bán trên internet, thông qua các nền tảng như Facebook, Tik Tok. 80% doanh số của gia đình là được bán trên các nền tảng này. Các sản phẩm bán chạy nhất là trên Facebook, chủ yếu là thông qua các buổi livestream của tôi. Kể từ khi sử dụng internet để bán hàng, thu nhập của gia đình tôi đã cải thiện rất nhiều”, chị Mỷ chia sẻ.

người mông.jpg
Chị Mỷ liên tục "nổ đơn" nhờ livestream bán hàng trên Facebook.

Nhờ sức lan tỏa của MXH, các sản phẩm của gia đình chị Mỷ có thể dễ dàng tiếp cận các thị trường tại các tỉnh ngoài như Sơn La, Lào Cai, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…

Để có được thành công đó là bao công sức tìm tòi, nghiên cứu của chị Giàng Thị Mỷ. Với sự nhiệt huyết và nhanh nhạy của một người trẻ, chị Mỷ không ngừng tìm kiếm các mẫu mã trên internet, lựa chọn những hoa văn đẹp, màu sắc tươi tắn, lạ mắt để thiết kế thành những sản phẩm vừa mang đậm nét văn hóa truyền thống, vừa có yếu tố hiện đại. Thậm chí, chị Mỷ còn tham khảo cả các mẫu hoa văn đặc sắc của người Mông ở Trung Quốc, Thái Lan, Lào… để tạo ra những mẫu mã đẹp mắt, có những nét đặc sắc riêng.

Cách làm này không chỉ giúp gia đình quảng bá văn hóa của người Mông thông qua bộ trang phục mà còn mở rộng quy mô cửa hàng của gia đình. Cũng nhờ vậy, cửa hàng may của gia đình chị đã tạo việc làm ổn định cho 20-30 lao động, chủ yếu các chị em phụ nữ Mông ở huyện Văn Chấn và huyện Trạm Tấu, với mức thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng. 

“Tôi chủ yếu thuê các lao động là đồng bào dân tộc Mông bởi họ có sự am hiểu nhất định về trang phục truyền thống của dân tộc mình, cách bố trí hoa văn. Ở đây, chủ yếu tôi thuê các chị em có hoàn cảnh khó khăn để tạo công ăn việc làm ổn định cho mọi người”, chị Mỷ chia sẻ.

Bên cạnh việc tận dụng MXH để quảng bá sản phẩm, chị Mỷ còn sử dụng internet để tìm hiểu các thông tin về thiết bị, máy móc hỗ trợ cho công việc sản xuất của gia đình mình để nâng cao năng suất lao động.

Song song với đó, chị cũng được chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện tham gia vào các chương trình giới thiệu sản phẩm, tham quan, học tập tại các cuộc hội thảo, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các loại máy móc hiện đại phù hợp với mô hình sản xuất.

Năm 2023, chị Mỷ được hội khuyến công hỗ trợ gần 200 triệu đồng để đầu tư hệ thống máy thêu tự động giúp nâng cao năng suất lao động. 

“Trước đây, ông bà làm một chiếc váy truyền thống mất khoảng 2-3 tháng, nhưng hiện nay, với sự hỗ trợ của máy móc, chúng tôi chỉ mất khoảng 2-3 tiếng là hoàn thành một sản phẩm tương tự, nhờ đó năng suất lao động được cải thiện hơn rất nhiều, đáp ứng nhu cầu lớn của khách hàng”, chị Mỷ chia sẻ.

Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, khao khát lập nghiệm và nỗi niềm trăn trở bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc Mông, tạo công ăn việc làm cho người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, chị Giàng Thị Mỷ chính là một trong những tấm gương điển hình trong việc tận dụng MXH để phát triển kinh tế đối với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.