Với gần 50 mặt hàng nông sản do chính tay người nông dân làm ra, cửa hàng Nông dân Huế (44 Hai Bà Trưng, TP Huế) đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều người nội trợ muốn mua thực phẩm sạch tại Huế.

Người tạo nên cửa hàng đó là một cô gái 39 tuổi đến từ Tokyo (Nhật Bản) - Katayama Emiko. Cô gái ấy hiện là giám đốc dự án của tổ chức nhịp cầu châu Á - Nhật Bản (BAJ) tại Việt Nam.

Với mong muốn hỗ trợ những người dân khó khăn, đã 15 năm từ khi đặt chân đến và sinh sống tại Việt Nam, Emiko đã thực hiện nhiều chương trình và dự án để hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là trên đất Huế. Cửa hàng nông sản sạch là một trong những dự án hỗ trợ của cô gái người Nhật.

{keywords}
Emiko đang kiểm tra rau trong cửa hàng nông sản sạch của mình

Emiko cho biết ý tưởng mở cửa hàng xuất hiện sau khi chị đi đến nhiều gia đình nông dân ở Huế. Trong những chuyến đi đó, chị phát hiện nông dân nuôi nhiều gia súc, trồng nhiều rau quả nhưng lại tiêu thụ một cách khó khăn. Mặt khác, ở Huế có khá nhiều nơi giữ được thói quen canh tác, trồng trọt tốt, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học.

Emiko liền liên tưởng ngay đến mô hình tiêu thụ nông sản sạch ở quê hương mình đang rất thịnh hành, nên đã cho ra đời của hàng nông sản sạch này. Đồng thời, chị hướng dẫn nhiều hộ chăn nuôi, trồng trọt theo hướng nông nghiệp sạch mà chị biết.

Sau hơn một năm hình thành, cửa hàng của Emiko đã có hơn 40 mặt hàng nông sản sạch do chính tay những người dân tự làm ra, bao gồm cả tươi sống lẫn đã qua chế biến như các loại rau củ quả, gạo, trứng, gia súc, gia cầm,... Trên các mặt hàng đều đươc ghi tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại của những hộ nông dân sản xuất để người mua dể liên hệ, đồng thời tạo độ tin cậy cao hơn cho sản phẩm.

{keywords}

Cửa hàng bày rất nhiều loại rau sạch với cách sắp xếp gọn gàng giúp người dân dễ lựa chọn

Với chất giọng dịu dàng cùng vốn từ tiếng Việt phong phú và rành rõi, mỗi lần khách hàng đến, Emiko luôn hăng hái giới thiệu những mặt hàng được bày bán tại quán khiến khách hàng vô cùng thích thú và tin tưởng.

‘‘Lúc đầu mới thành lập, cửa hàng gặp khá nhiều khó khăn, nhất là sự tin tưởng của người dân và khách hàng. Nhưng rồi cửa hàng cũng đã dần tạo sự uy tín, ổn định hơn và ngày càng phát triển”, Emiko vui vẻ chia sẻ.

Anh Lê Văn Thành ở phường Kim Long - TP Huế, một khách hàng thường xuyên của cửa hàng Nông dân Huế, cho biết: “Từ khi biết đến cửa hàng rau sạch, gia đình tôi luôn đến nơi đây để mua rau. Ở đây hàng hóa rõ nguồn gốc, có quy trình sản xuất rõ ràng nên rất yên tâm’’.

Hiện nay, cửa hàng Nông dân Huế không chỉ thu hút khách trong tỉnh mà còn cả du khách nước ngoài. Họ thường đến mua những mặt hàng nông sản sạch do chính tự nông dân làm ra để làm quà đem về. Emiko cũng đã và đang tạo điều kiện cho những người nông dân sang Nhật để học hỏi kinh nghiệm về các mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường. Ngoài ra, cửa hàng của chị còn tổ chức các sự kiện để khách hàng tham quan, trực tiếp xem những người nông dân chọn lựa và tạo ra nông sản tốt. 

{keywords}

Khách hàng ở Huế đang chọn mua rau trong cửa hàng Nông dân Huế của cô gái Nhật Emiko

Sắp tới, Emiko dự định sẽ nhân rộng mô hình bằng cách hình thành các chuỗi cửa hàng bán nông sản sạch tại Huế cũng như các tỉnh, thành khác của Việt Nam. ‘‘Tôi mong có thêm nhiều người nông dân chọn cách trồng rau sạch, để trước hết là sự an toàn cho họ, sau đó là an toàn người tiêu dùng’’, Emiko nói.

Theo PGS. TS Trần Thị Thu Hà, Phó Trưởng khoa Nông học, Trường đại học Nông Lâm Huế: ‘‘Mô hình của chị Emiko rất hay, cụ thể và thân thiện với môi trường. Nó giúp người nông dân làm quen với những lương thực, thực phẩm sạch và chất lượng. Hiện tại vẫn chỉ có một cửa hàng này, hi vọng mô hình sẽ được nhân rộng thành chuỗi nhiều cửa hàng để đáp ứng nhu cầu của người dân...’’.

Ông Đồng Sĩ Toàn, Trưởng Phòng Kinh tế TP Huế - cho biết sẽ tìm hiểu về mô hình này và liên kết với Emiko về những dự án của chị, để hướng đến một nền nông nghiệp hiệu quả; nâng cao đời sống và giúp an toàn hơn cho người dân.

Emiko đến Việt Nam từ năm 1998 và cô đã tham gia dự án Chuyện ô nhiễm ở kênh Lò Gốm (quận 6, TP Hồ Chí Minh). Cô đã tham gia tổ chức phi chính phủ BAJ với nhiều hoạt động khác tại TP Hồ Chí Minh. Đến năm 2003 cô chuyển về làm dự án BAJ tại Huế. Cô gái Nhật này sống gắn bó với Huế từ đó cho đến nay.

Chồng của Katayama Emiko là một người Việt, được sinh ra và học tập tại Nhật Bản. Anh cũng là người đã cùng sát cánh với vợ thực hiện những chuỗi hoạt động hỗ trợ cư dân vạn đò tại TP Huế, vận động và tuyên truyền việc làm sạch môi trường ở ven sông Hương.

(Theo Ngày nay)