20 tuổi, Nguyễn Thanh Huyền (SN 2000, Hà Nội) đã có cơ duyên làm quản lý homestay và bán phòng cho khách du lịch. Công việc giúp Huyền có thu nhập lên tới 30 triệu đồng/tháng khi mới đang là sinh viên năm hai. 

Lúc ấy, khách của Huyền chủ yếu là người nước ngoài nên cô gái trẻ được trải nghiệm rất nhiều điều mới lạ. Ai cũng nghĩ rằng Huyền đã tìm được một công việc lý tưởng để theo đuổi. Thế nhưng trong một lần dọn phòng cho khách nước ngoài, Huyền thấy không gian phòng lan tỏa một mùi hương rất dễ chịu.

Là một người thích hương thơm, Huyền tìm cách hỏi chuyện những vị khách và được biết họ đã sử dụng nến thơm. “Khi mình hỏi về nến thơm khách nước ngoài bày tỏ rằng họ rất ngạc nhiên khi ở đây có ít người biết về nến thơm”, Huyền nhớ lại.

Câu chuyện hôm đó đã nhen nhóm trong Huyền ý định đưa thương hiệu nến thơm “made in Viet Nam” phát triển mạnh ở thị trường Việt.

Huyền phải tự tay làm mọi việc khi mới bắt đầu kinh doanh.

Sau khi tìm hiểu kỹ về nến thơm tại Việt Nam, Huyền phát hiện ra rằng trên thị trường cũng có rất nhiều người bán nến thơm do chính người Việt sản xuất. Tuy nhiên, chất lượng của những sản phẩm mà Huyền tìm hiểu chưa đảm bảo và mùi hương cũng không được khuếch tán tốt như các loại nến thơm nhập khẩu. 

Cuối cùng, Huyền quyết định tạm gác lại công việc ở homestay trong sự ngỡ ngàng của bạn bè, người thân. “Lúc nghe tin mình thôi việc ở homestay, ai cũng nói mình dại thế vì thu nhập 30 triệu/tháng với một cô bé sinh viên năm hai không phải dễ. Hơn nữa mình cũng đang có sẵn tệp khách du lịch ổn định, giờ chuyển qua kinh doanh mình sẽ phải tự làm rất nhiều thứ và phải xoay vốn”, cô gái trẻ tâm sự. 

Bước vào kinh doanh, Huyền mang số tiền có được từ công việc quản lý homestay trước đó ra sử dụng. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm và chưa xác định được cụ thể những việc cần chi tiêu, Huyền đã sử dụng hết số tiền mình có mà không đạt được kết quả như mong muốn. 

Khi đó, nhiều người khuyên Huyền nên quay trở lại với công việc ở homestay nhưng Huyền quyết tâm bắt đầu lại một lần nữa.

Quyết là làm, Huyền vay thêm tiền để xoay sở nguồn hàng. Khi đã giải quyết được vấn đề về vốn, Huyền dành ra nhiều ngày trực tiếp đến tận xưởng sản xuất ở các tỉnh để xem quy trình sản xuất nến và chất lượng sản phẩm. Những chuyến đi đã giúp Huyền hiểu hơn về quy trình làm nến, thành phần của nến thơm, từ đó tìm ra được nguồn hàng phù hợp nhất.

Một sản phẩm nến thơm của cô gái gen Z.

Trong quá trình tìm hiểu về cách làm nến, Huyền cũng đã nắm bắt được thị hiếu khách hàng là thích những mùi hương nhẹ nhàng, tự nhiên. Vì vậy, cô gái trẻ tập trung sản xuất những sản phẩm mang hương thơm tinh tế, tỏa ra hương vị của thiên nhiên. 

Huyền cũng học cách để có thể kết hợp các mùi hương thật khéo léo. Đó có thể là sự kết hợp giữa mùi hương tươi mát của gỗ, tre với hương thơm chua dịu, thanh khiết của cam, quýt. Đó cũng có thể là mùi hương cay nồng, đắm say của rượu hòa cùng hương hổ phách trầm ấm… 

Không dừng lại ở đó, với mong muốn có thể lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, tất cả các hũ nến thơm được Huyền lựa chọn đều có thể tái sử dụng. Khách hàng khi mua các sản phẩm nến thơm đều sẽ được hướng dẫn về cách vệ sinh sạch sẽ vỏ nến để tái chế làm lọ hoa, vật để đồ hoặc trang trí nhà cửa. 

Dần dần, bằng nỗ lực của mình, mỗi ngày Huyền lại có thêm nhiều khách hàng hơn. Đến nay, thương hiệu nến của Huyền đã được một số công ty lớn và người có tầm ảnh hưởng để mắt tới và sử dụng.

Nến thơm được đóng gói đẹp đẽ để trở thành món quà Giáng sinh ý nghĩa.

Sau hai năm kinh doanh online, Huyền quyết định mở một cửa hàng nhỏ trên phố để những người yêu thích nến thơm như mình có không gian trải nghiệm các sản phẩm của người Việt. 

Dù công việc kinh doanh hiện tại còn nhiều khó khăn, có lúc không mang về mức thu nhập ổn định như khi làm quản lý homestay nhưng Huyền vẫn rất hạnh phúc vì được tự do làm chủ và được làm những điều mình yêu thích. 

Kế hoạch sắp tới của Huyền là tiếp tục phát triển sản phẩm cả về chất lượng và hình thức để có thật nhiều người biết đến nến thơm của mình. Đặc biệt, gen Z cũng mong muốn có thể tiếp cận được nhiều hơn đến tệp khách hàng là những người nước ngoài. 

Vũ Bình

Ảnh: NVCC