Thách thức khi làm phim "mặc giáp sắt cưỡi ngựa"
Phim lịch sử và thương hiệu quốc gia
Câu hỏi lớn cho dòng phim cổ trang lịch sử?
Chuyện lùm xùm quanh phim "Huyền sử Thiên đô"
Nháo nhào tìm kiếm diễn viên phim cổ trang
Phim lịch sử và thương hiệu quốc gia
Câu hỏi lớn cho dòng phim cổ trang lịch sử?
Chuyện lùm xùm quanh phim "Huyền sử Thiên đô"
Nháo nhào tìm kiếm diễn viên phim cổ trang
Phim lịch sử đặt ra những thách thức lớn
Khi dòng phim lịch sử Việt Nam bắt đầu nở rộ thì cũng là lúc nó phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Để hiểu rõ hơn nội tình của dòng phim này. VietNamNet đã tìm gặp nhà sản xuất Nguyễn Hữu Trọng, người từng tham gia sản xuất nhiều dự án phim lớn như Đừng đốt, Thái sư Trần Thủ Độ mà gần đây nhất là Huyền sử Thiên Đô.
Ông cũng là thành viên của dự án quốc gia về trường quay Cổ Loa, từng tham gia khảo sát rất nhiều mô hình trường quay lớn tại Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc. Nguyễn Hữu Trọng cũng từng có thời gian dài ở trường quay Hoành Điếm, Trung Quốc để chuẩn bị cho quá trình quay Thái sư Trần Thủ Độ khi anh còn là người Hãng phim truyện I.
Đã tham gia hai dự án phim lịch sử là "Thái sư Trần Thủ Độ" và "Huyền sử Thiên Đô", ông có thể cho biết những thách thức khi làm dòng phim cổ trang Việt Nam dưới góc nhìn của một nhà sản xuất?
Sau quá trình khảo sát tại Trung Quốc, Hàn Quốc tôi thấy nếu gọi dòng phim này là thách thức thì không đúng, mà thiếu thốn thì đúng hơn vì chúng ta chẳng có gì trong tay mà làm phim cổ trang. Vì chẳng có gì có thật ngày hôm nay mà mang ra quay được cả. Thiếu kịch bản hay dựa trên những tích cổ, tiếp đến là tư liệu lịch sử, sưu tập của các nhà sử học, dân gian về trang phục... Chẳng ai biết vua Lý ngày xưa mặc thực sự ra sao. Thiếu công cụ hỗ trợ để tái tạo, ví dụ không có ai may phục trang hoặc có thì rất manh nha.
Ở nước ngoài người ta sử dụng vật liệu composite rất nhiều, tường thành nhìn qua tưởng đá thực chất là composite. Võ thuật, kỹ xảo đều là con số 0 hoặc mới bắt đầu. Ở VN có những người chuyên làm phim võ thuật như cặp cha con Lý Hùng, Lý Huỳnh nhưng số lượng rất ít. Điều quan trọng cốt lõi nữa là nhiều người coi phim cổ trang để giáo dục về lịch sử, tức là cuốn sách sử chép bằng hình ảnh. Trong khi trên thế giới người ta coi phim cổ trang là cái cớ để nói về những câu chuyện khác.
Khi làm Thái sư Trần Thủ Độ, tôi rất tâm đắc với câu nói của nhà sử học Lê Văn Lan rằng Hãy coi phim lịch sử là cái mắc áo để mắc câu chuyện của chúng ta lên. Còn phim lịch sử bây giờ người ta vẫn quan niệm rằng trẻ con xem xong là phải hiểu ngay ngày xưa vua Đinh mặc thế nào, sống ra sao. Điều đó quá khiên cưỡng và cứng nhắc.
Thách thức thì nhiều nhưng tựu lại có ý chính. 1. Sản xuất chưa có nhiều kinh nghiệm, 2. Trong quá trình sản xuất thiếu công nghệ hỗ trợ từ việc may phục trang, tái tạo bối cảnh, đến con ngựa cũng không có. Trong khi đó ở Trung Quốc họ làm gươm sử dụng trong phim hàng loạt và bán sẵn như đồ chơi cho trẻ con. Lấy ví dụ ở trường quay Hoành Điếm có hẳn cái làng lớn chuyên làm các nghề phục vụ làm phim như làm dao, làm súng, may phục trang. Có nhà tất cả đều đi làm diễn viên quần chúng. 3. Thiếu cái nhìn khách quan về phim lịch sử, vẫn còn nhìn câu chuyện lịch sử một cách đóng khung.
Phải xem lại tài năng của nghệ sĩ Việt
Đa số các phim lịch sử của ta hiện nay đều gặp phải áp lực rất lớn từ dư luận dư luận. Đa phần khán giả quá quá quen với phim lịch sử Trung Quốc, Hàn Quốc và hình thành suy nghĩ trong đầu rằng phim lịch sử phải thế này, thế kia, từ đó mang ra so sánh với phim Việt. Ông có cho đây là lực cản khiến cho dòng phim lịch sử của VN gặp nhiều khó khăn ngay từ đầu?
Tôi nghĩ đầu tiên phải xem lại tài năng của các nghệ sĩ VN mình nữa. Nhưng sự so sánh nào cũng khập khiễng cả. Tôi nghĩ hiện nay nghệ sĩ chưa có cơ hội để cố lên trong dòng phim lịch sử bởi lẽ sức ép dư luận lớn quá, bài toán kinh tế làm nhà sản xuất không dám đầu tư. Chẳng nghệ sĩ nào nghĩ đến việc làm phim về Trần Quốc Toản vì lấy đâu ra tiền may quần áo, dàn trận đánh. Không nghĩ nên lúc nghĩ thì chẳng nghĩ được gì mấy. Người nghệ sĩ do khó khăn về sản xuất nên không có cơ hội đặt phim lịch sử lên bàn nhiều.
Bởi vậy không có điều kiện và thời gian để nghĩ về nó. Phim lịch sử VN vì thế vẫn chưa hay. Còn việc so sánh VN với phim nước ngoài, bản chất phim VN đã ra đời muộn hơn so với các nước rồi. Tôi không nghĩ đó là nỗi sợ. Nỗi sợ ở đây là làm thế nào để làm được phim lịch sử. Khi điều kiện làm phim lịch sử thuận lợi như làm phim hiện đại thì người ta sẽ nghĩ nhiều hơn đến việc làm dòng phim này.
Hai phim lịch sử mà ông từng tham gia sản xuất là "Thái sư Trần Thủ Độ" và "Huyền sử Thiên đô", 1 phim đóng máy cả năm rồi nhưng chưa biết khi nào lên sóng, 1 phim thì trục trặc khi lên sóng như chúng ta đã thấy. Với những khó khăn như vậy thì ông có cho đó là lực cản với dòng phim lịch sử VN không?
Khi dư luận chưa hiểu hết thì coi đó là khó khăn. Tôi thì không thấy vậy. Phim Thái sư Trần Thủ Độ, lên sóng lúc nào, phát ở đâu là do UBND TP.Hà Nội quyết định vì Hãng phim truyện I chỉ làm theo đơn đặt hàng của UBND TP.Hà Nội nhân dịp 1000 năm, việc phát sóng phim hoàn toàn không liên quan đến câu chuyện của những người làm phim. Do vậy thực tế là họ không gặp khó khăn gì về việc sản xuất. Còn Huyền sử Thiên đô đến giờ phút này vẫn gặp thuận lợi và đài truyền hình vẫn tạo điều kiện tốt.
Vậy ông đánh giá triển vọng của dòng phim lịch sử ở VN trong thời gian tới thế nào?
VN là một đất nước có quá nhiều câu chuyện lịch sử bề dày lịch sử đấu tranh của dân tộc có thể khai thác tốt làm đề tài cho dòng phim này. Vấn đề bây giờ là phải có sự thay đổi về mặt đầu tư cũng như quyết tâm theo đuổi dòng phim này. Mà muốn làm được như vậy thì phải có sự hỗ trợ của Chính phủ bởi khó có mạnh thường quân nào bỏ ra hàng chục triệu đô la để xây dựng trường quay hay đáp ứng cơ sở hạ tầng của dòng phim lịch sử.
Năm 2003, khi sang Hàn Quốc khảo sát các trường quay ở đây tôi được biết những năm 1990, điện ảnh và truyền hình nước này cũng rất lao đao. Sau đó Chính phủ mạnh tay đầu tư tới 50 triệu đô la vào thời điểm đó để xây dựng một cụm trường quay cách Seoul khoảng hơn 100km. Tất cả bối cảnh cổ trang, đương đại, phòng hòa âm, trường quay nội được xây dựng tại đây để hỗ trợ giới làm phim nước này. Đó là điều kiện quan trọng để phim Hàn Quốc lên lên ngôi, tạo nên làn sóng Hàn Quốc trên toàn khu vực từ đầu năm 2000 đến nay. Đó là sự đầu tư và nhìn nhận đứng đắn của Chính phủ nước này mà khó có mạnh thường quân làm được điều đó trong khoảng thời gian điện ảnh HQ còn chưa phát triển toàn diện.
Hạnh Phương