Để giúp học sinh vừa học tiếng Anh hiệu quả vừa giữ được nét văn hóa của quê hương, cô Đặng Thị Anh Phương (giáo viên Trường THPT Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã kết hợp độc đáo bằng cách soạn lời bài hát tiếng Anh trên nền làn điệu dân ca.

Chia sẻ với VietNamNet, cô Phương cho biết, đây là một trong những hoạt động mà cô cùng học trò của mình thể nghiệm và tập hát cho học sinh ở một số trường trên địa bàn. Qua đó khảo sát xem thử học sinh có yêu thích và có hiệu quả sau giờ học.

Cô Phương chia sẻ: “Thực sự rất nhiều người nghe chuyện mình viết dân ca ví, giặm bằng tiếng Anh cũng rất tò mò không biết nó như thế nào. Trong clip đó, mình và học trò trong câu lạc bộ của Trường THPT Nghi Xuân hát thể nghiệm và tập hát tại trường THPT Thành Sen trong một tiết học Tiếng Anh vào tuần trước. Bài hát do China mình soạn lời và lồng điệu có tên là “My teacher is the best” (Cô giáo em là người tuyệt nhất) trên nền làn điệu Giặm Đức Sơn. Nội dung bài hát ca ngợi thầy cô. Mình nghĩ điều này sẽ làm cho giờ học thêm phần sôi nổi, không nhàm chán và thú vị hơn”.

{keywords}

Học sinh tỏ ra rất hào hứng với hoạt động này. “Việc soạn lời bài hát không mất quá nhiều thời gian, trong vòng khoảng 2 giờ đồng hồ. Khó khăn nhất có lẽ là việc tìm từ trong Tiếng Anh vừa đúng nghĩa mà phù hợp với thanh, vần, điệu, cấu trúc làn điệu”, cô Phương nói.

Cô Phương luôn sáng tạo những cách nhớ từ vựng thông qua các bài hát hay liên tưởng đến những hình ảnh gần gũi trong cuộc sống để giúp học sinh nhớ từ vựng nhanh và lâu hơn.

Tính đến nay, cô giáo Phương đã soạn lời gần chục bài hát lời tiếng Anh trên nền làn điệu dân ca.

“Mình muốn qua đó vừa tạo không khí học tập sôi nổi, vui tươi với bộ môn Tiếng Anh vừa có thể bảo tồn và phát huy những làn điệu dân ca đến với thế hệ trẻ. Bản thân mình cũng không muốn để những câu ví, giặm chính là hồn quê hương, hồn dân tộc bị tàn lụy, mai một dần theo thời gian”.

{keywords}

Hiện, cô Phương cũng đang là Chủ nhiệm câu lạc bộ ví giặm của Trường THPT Nghi Xuân – Hà Tĩnh được hơn hai năm, kể từ khi mới chỉ rất ít thành viên. Hiện, câu lạc bộ của trường đã có 60 thành viên chính thức và mỗi tháng sinh hoạt một lần với sự tham gia của toàn trường. Tại các buổi sinh hoạt, mọi người được học các lời mới của các bài ví giặm, đồng thời cùng nhau thảo luận cách để phát triển, bảo vệ di sản mà ông cha để lại.

Đầu năm nay, CLB ví giặm của Trường THPT Nghi Xuân cũng đã giành giải nhì tại hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh do Sở GD-ĐT Hà Tĩnh tổ chức với đề tài “Bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh bằng các hoạt động trải nghiệm ở CLB dân ca ví giặm Trường THPT Nghi Xuân”.

  • Thanh Hùng