- "Trong sân trường của cấp học nào, thời nào cũng có ngựa chứng mà ngựa chứng thường là ngựa giỏi. Thiên chức người thầy là ở đó phải biết chấp nhận tất cả để giáo dục để tha thứ, để yêu thương như khẩu hiệu mà trường nào cũng treo nơi trang trọng cô giáo như mẹ hiền".
Tiếp nối diễn đàn "vị thế người thầy" của VietNamNet, ông Lê Ngọc Điệp, nguyên trưởng phòng giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) đã nêu những trải nghiệm từ thời là học trò, đến khi làm quản lý giáo dục. Dưới đây, VietNamNet trân trọng giới thiệu bài viết của ông.
Học đường là chuyện của muôn thuở. Cánh cửa trường mở ra có biết bao câu chuyện cũng xảy ra. Mỗi thời mỗi khác nhưng môi trường sư phạm với biết bao con người của bao gia đình, bao cảnh ngộ khác nhau. Ngồi chung một lớp, học tập sinh hoạt chung một mái trường thì cũng bày ra nhiều cảnh ngộ, nhiều buồn vui giận dữ, nhiều tình huống vừa cao cả vừa chua xót đau lòng .
Gần đây thời sự đưa tin học trò đánh nhau, thầy đánh trò, trò đánh thầy và cũng có cha mẹ học sinh vào trường, vào lớp đánh thầy cô. Đau lòng hơn là cô giáo quỳ ngay trong ngôi trường xin lỗi phụ huynh vì phạt học trò của mình đang dạy.
Dưới mái học đường, ai cũng có những kỷ niệm thân tình đầm ấm, lo lắng khóc thầm, sợ hãi, xô xát, cãi vã, phản ứng hung hăng và tất cả chuyện đó của thời đi học đều là những hồi ức đẹp đẽ, tiếc nuối và trân trọng mến yêu khi trưởng thành gặp lại nhau thấy thương mà không oán trách.
Tôi bắt đi học lớp 1 vào khoảng năm 1959-1960. Thuở đó quê tôi không có trường học. Tôi cùng những đứa bé trong xóm đến nhà thầy để được học chữ. Thầy thật giản dị, nhưng rất nghiêm đứa nào cũng sợ. Những đứa không làm bài, nghịch phá thì hình phạt nhẹ nhất là thụt dầu, kế đến là quỳ gối. Nếu hỗn láo, phạm tội nhiều lần là quỳ gối trên vỏ mít đến hảy máu ở đầu gối rất đau hoặc thầy bắt nằm sắp để đánh vào mông.
Thầy kể tội rồi đánh, có khi tội nặng bị đánh đến 10 roi, nổi lằn sưng mông, ê ẩm cả chục ngày. Nếu viết chính tả sai những chữ thầy đã dặn là phải xòe tay ra thầy khẻ, 1 lỗi 1 khẻ. Nếu 1 chữ sửa rồi sai nhiều lần là phải chụm đầu ngón tay lại cho thầy khẻ, đau nhiều nhớ lâu.
Tôi nghe nói có thầy còn dặn học trò đi học đem theo trái ớt chín và phạt học sinh bằng cách cho ăn ớt. Thầy hỏi con ăn ngon không? Trò vừa chùi nước mắt vừa hít hà vừa thưa thầy cay lắm. Thầy nói ừ cay lắm trò phải nhớ mà không sai phạm.
Trường tiểu học thời đó học trò chịu nhiều hình phạt, nếu trò nào không học được thì nghỉ. Xã hội và gia đình coi chuyện học hành thưởng phạt là lẽ đương nhiên nhưng không thấy cha mẹ nào trách thầy khi con bị phạt. Tinh thần quân sư phụ cũng giúp cha mẹ thời đó luôn biết ơn thầy dạy dỗ con em mình. Các hình thức đánh phạt đều nhằm giáo dục để trò chăm chỉ, học giỏi hơn, nên người và là người có học.
Câu mắng chửi nặng nhất thời đó là đồ vô học mất dạy. Trong dân gian luôn nhắc nhau mồng một tết cha mùng ba tết thầy. Người thầy cũng luôn có ý thức mình là nhà mô phạm, hông lân la nhậu nhẹt; dự tiệc tùng trong làng xã luôn đúng mực, cư xử ngôn phong, thái độ luôn đàng hoàng để mọi người nhìn vào kính trọng đó là thầy cô của con em mình.
Học hết lớp nhất, học trò sẽ thi vào lớp đệ thất (lớp 6) trường công lập. Mỗi tỉnh chỉ có 1 trường công lập, nếu học trò không đậu thì ở lại trường tiểu học, học năm sau thi tiếp hoặc tuỳ theo điểm có thể chọn học trường bán công hay học trường tư thục.
Vào trung học thầy cô không phạt trực tiếp học trò mà giao việc đó cho giám thị. Trường tôi học học sinh sợ nhất là Tổng giám thị mà chúng tôi gọi là Bác Hai Dậu. Học sinh vi phạm nội quy, không làm bài, trả bài không thuộc, nếu thầy cô cho điểm 0 mà đóng khung thì chủ nhật phải vào trường chép phạt.
Đi học buổi sáng Bác Hai Dậu đứng ngay ở cổng trường coi em nào không may phù hiệu hoặc dán phù hiệu để tan trường gở ra đi chơi là bị bác phạt hít đất hoặc nằm xuống bị đánh hai roi. Tôi nhớ có lần giáo sư có việc không đến lớp chúng tôi đùa nghịch, có đứa giả làm gà gáy ò ó o để chọc Bác. Bác Hai đứng cửa sổ chờ chúng tôi đùa nghịch xong rồi bất ngờ vào lớp. Bác nói lớp này có nuôi gà gà đâu lên gáy cho cả lớp nghe. Bạn làm gà gáy xanh mặt đứng lên xin lỗi. Bác rất nghiêm mà cũng rất thương học sinh.
Ra trường lớn lên đứa nào nhắc đến Bác Hai cũng sợ mà cũng rất thương. Bác nghiêm để học sinh thực hiện nội quy, cố gắng học giỏi. Bác phạt xong luôn ân cần và nhắc nhở phải lo học nhe con. Những đứa có hoàn cảnh gia đình khó khăn Bác còn tìm cách giúp đỡ thật âm thầm. Nhưng đứa nào cũng sợ mà cũng thương Bác. Có đứa bỏ học, đứa thi rớt, đứa nào cũng hiểu ra tấm lòng của Bác và thương Bác.
(Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Khi lên đại học môn học tâm lý học hay tâm lý học đường sinh viên được hướng dẫn làm khảo sát, trắc nghiệm về trí tuệ và gia đình về tài năng và phản kháng. Sinh viên còn được trang bị nhiều kiến thức để giáo dục học sinh có những cá tính khác nhau. Những thử thách để làm người thầy trước học trò có nhiều đời sống gia đình khác nhau, tâm tính khác nhau. Người thầy làm sao "dỗ" cho học trò mình học thì thầy mới dạy được.
Trong sân trường của cấp học nào, thời nào cũng có ngựa chứng mà ngựa chứng thường là ngựa giỏi. Thiên chức người thầy là ở đó phải biết chấp nhận tất cả để giáo dục để tha thứ, để yêu thương như khẩu hiệu mà trường nào cũng treo nơi trang trọng cô giáo như mẹ hiền .
Lúc còn làm ở Sở GD-ĐT tôi cùng các hiệu trưởng có dịp sang Singapore học tập. Trường học tiểu học Singapore không phải tất cả học sinh đều ngoan và trong lớp, thầy cô phải phát hiện những học sinh có nguy cơ hư hỏng (chỉ là nguy cơ).
Bộ Giáo dục Singapore sẽ có trung tâm để giúp những học sinh có nguy cơ này trở lại bình thường và phát triển tài năng. Trung tâm sẽ cử người xuống thăm lớp, học chung với lớp để tìm hiểu các em một cách thật thân thiện và nhẹ nhàng. Khi hiểu các em học kém vì ham đi đá bóng, em khác ham chụp hình để khoe bạn bè, có em ham đánh đàn, võ thuật, leo núi, chạy nhanh...trung tâm tiếp xúc gia đình và thu xếp cho các em vào học ở trung tâm để các em được theo đuổi đam mê của minh mà không bị cấm đoán kỷ luật hay trách phạt. Tại trung tâm các em vừa học vừa thể hiện đam mê của mình.
Cô giáo quỳ gối: "Cần cả 1 ngôi làng để nuôi dạy 1 đứa trẻ"Có nhiều người đang hiểu không đúng về "bạo lực".Giáo viên mắng học sinh ngu cũng là bạo lực tinh thần…
|
Tôi cùng đi với chuyên viên trung tâm và các em học sinh thích chụp ảnh. Các em được hướng dẫn chụp theo chủ đề. Hôm đó, chúng tôi đứng ở 1 ngã tư và các em chụp hình về nhà in ra có ghi chú từng tấm ảnh. Chuyên viên sẽ có một buổi trao đổi, bình luận chọn ảnh đẹp ghi chú hay và phân tích về ánh sáng về khoảng cách, thời gian khi chụp ảnh, xã hội với dòng xe lưu thông, về nét, màu, từ ngữ sử dụng ghi chú ... Từng buổi sẽ có các bài phân tích khác nhau và đi đến kết luận là các học sinh muốn làm nhiếp ảnh gia thì phải có tri thức là phải học, để biết và để chụp hình đẹp, ghi chú hay ...
Khi các nhận biết đam mê không thể tự có nếu không học để có kiến thức là các em về trường về lớp học tập và suy nghĩ thêm đam mê mình có phải thật sự hay đó chỉ là ham muốn, đua đòi nhất thời. Học sinh từng chút khám phá ra năng lực thật sự của chính mình Tương tự các học sinh khác có trải nghiệm đam mê của mình và sẽ nhận ra là trở về lớp học cho giỏi. Tôi thật sự thấy sự ích lợi của Trung tâm mà Bộ Giáo dục Singapore chăm sóc cho học sinh.
Tất cả học sinh đến trường đều tốt, từ thuở nhập môn giáo dục tôi luôn được học như vậy. Tôi mong ước nhà trường sư phạm trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cho thầy cô. Thầy cô luôn có bản lĩnh và trái tim yêu thương học trò của mình, biết hợp tác thân thiện với cha mẹ học sinh.
Dù sân trường luôn có nhiều ngựa chứng, người thầy phải biết cho học sinh thấy được những điều tốt đẹp của chính các em và của nhà trường. Vai trò người hiệu trưởng và thầy cô đều rất là quan trọng để nhà trường tiểu học là niềm tin yêu mà gia đình và xã hội.
Lê Ngọc Điệp (Nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM)
Hiệu trưởng: "Phụ huynh nói cô quỳ thử xem có chịu nổi không"
Tường trình về việc giáo viên quỳ gối trước phụ huynh, hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Chánh, Bến Lức, Long An cho biết phụ huynh có nói “cô bắt con người ta quỳ rồi xin lỗi là xong à? Cô quỳ thử xem chịu nổi không?"
Giáo viên như “cá nằm trên thớt”?
Xoay quanh câu chuyện về một cô giáo trẻ bị phụ huynh bắt quỳ để “đền tội cho con”, là một giáo viên với hơn 10 năm tuổi nghề, tôi thấy chua xót thay cho nghề giáo.
Phụ huynh: “Chúng tôi không bắt cô quỳ"
Phụ huynh Võ Hồng Thuận khẳng định, các phụ huynh không bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi mà đó là hành động tự nguyện của cô.
Cô giáo quỳ gối trước phụ huynh 40 phút do ở tình thế không có đường lui
Cô giáo Trường Tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức, Long An cho biết, ở tình huống không còn đường lui và do suy nghĩ non nớt của bản thân muốn làm để mọi việc giải quyết xong nên đã quỳ trong thời gian 40 phút.