Thời điểm “vàng” để lúa gạo Việt tăng tốc
Trước thông tin Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và gần đây là UAE và Nga chính thức cấm xuất gạo, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp đã bàn đến thời cơ vàng để gạo Việt Nam tăng tốc, mở rộng thị trường ra các nước và khu vực tiềm năng mới.
Gạo Việt Nam có thể tận dụng yếu tố thời điểm để hưởng lợi thế, tạo nền tảng vững chắc để có thể phát triển bứt tốc nhờ vào lượng nhu cầu tiêu thụ không ngừng tăng cao trên thế giới. Hiện tại độ uy tín về chất lượng của gạo Việt đang được khẳng định mạnh mẽ trên nhiều phân khúc khác nhau, đồng thời nhận được sự khuyến khích, hỗ trợ từ chính phủ.
Điển hình như cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030. Chiến lược đặt mục tiêu “giảm lượng tăng chất”, tăng tỉ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu, nhãn hiệu Việt Nam đạt trên 40% nhằm đảm đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với xu hướng nhu cầu, thị hiếu của từng thị trường.
Chất lượng - yếu tố quyết định nhằm tạo dựng vị thế trên thị trường
Để ngành xuất khẩu gạo Việt tận dụng những cơ hội hiện tại hướng đến tạo dựng giá trị và thương hiệu vững chắc trên thị trường quốc tế thì yếu tố chất lượng là vấn đề then chốt cần chú trọng. Do đó, ngành lúa gạo Việt Nam và bà con nông dân cần phải thực hành và tiếp cận với phương pháp canh tác lúa hiệu quả, đồng thời áp dụng những sáng kiến tiên tiến và công nghệ khoa học hiện đại để có thể cho ra loại gạo năng suất, chất lượng cao.
Trong những năm gần đây, một số đơn vị trong lĩnh vực nông nghiệp đã phối hợp với các cơ quan ban ngành triển khai một số sáng kiến mới nhằm thúc đẩy chất lượng lúa gạo Việt Nam. Điển hình như Công ty Syngenta Việt Nam đã hợp tác cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện mô hình về giải pháp bảo vệ thực vật mới kết hợp sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) vào ruộng canh tác lúa năm 2020-2021 tại 3 tỉnh An Giang, Sóc Trăng và Kiên Giang.
Ngoài ra, Syngenta Việt Nam đã nghiên cứu thành công và áp dụng giải pháp GroMore giúp kết hợp hài hòa các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa như chọn giống, làm đất, quản lý nước, bón phân, xây dựng quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả, quản lý sau thu hoạch. Kết quả thực tế rất khả quan trên cây lúa như dịch hại được kiểm soát tốt, giảm đi số lần phun thuốc, ổn định năng suất. Syngenta triển khai GroMore tại Việt Nam nhằm chuyển giao cho nông dân trồng lúa một giải pháp tích hợp các kỹ thuật tiên tiến giúp giảm chi phí canh tác đầu vào, cải thiện chất lượng lúa giúp nông dân nâng dần kiến thức cũng như thu được lợi nhuận cao hơn trong nghề trồng lúa.
Giải pháp Gromore đồng thời đáp ứng các tiêu chí “4 đúng”, “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm” của các chương trình khuyến nông quốc gia. Hạt gạo từ những cánh đồng lúa áp dụng giải pháp GroMore đảm bảo được chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ khi đảm bảo yêu cầu về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên hạt gạo.
Ông Trần Thanh Sơn - nông dân tỉnh An Giang chia sẻ: “Nhờ tham gia mô hình khảo nghiệm của Trung tâm Khuyến nông và Công ty Syngenta, tôi mới biết tới giải pháp GroMore này. Tôi thấy năng suất lúa khi thu hoạch vẫn đảm bảo so với canh tác truyền thống, nhưng chất lượng gạo tốt, có thể đảm bảo lưu lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn đọng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu. Về lâu dài như vậy bà con nông dân chúng tôi rất vui mừng”
Ông Trần Thanh Vũ - Tổng Giám đốc Công ty Syngenta Việt Nam cho biết: “Tận dụng công nghệ và các giải pháp tiên tiến là con đường tối ưu giúp nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam, cũng như là tiền đề để ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo tăng trưởng ổn định về lâu dài, cải thiện cuộc sống của bà con nông dân. Những sáng kiến đem lại hiệu quả tích cực như giải pháp GroMore đã phần nào thể hiện được tâm huyết và nhận thức của Syngenta về sứ mệnh đối với sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam nói chung, và mong muốn góp phần khẳng định chất lượng lúa gạo Việt Nam trên trường quốc tế nói riêng”.