Tại Tọa đàm “Cải thiện năng lực nội tại, tận dụng cơ hội từ UKVFTA”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), từ diễn biến về xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Vương quốc Anh, đưa ra quan điểm về xu hướng rất rõ là hai bên đều khai thác rất tốt lợi thế của nhau. 

Cùng đó, việc thực hiện UKVFTA đã có nền tảng nhất định và vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện bởi doanh nghiệp sẽ còn rút được kinh nghiệm. Đặc biệt, với sự hiện diện của nhà đầu tư Anh nhiều hơn tại Việt Nam, thị trường Anh cũng sẽ nhìn nhận tích cực hơn về hình ảnh của doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội trong thời gian tới.

Tuy nhiên để nắm bắt được những cơ hội này, Việt Nam cần vượt qua một số khó khăn. Trước nhất, Vương quốc Anh là thị trường có tiêu chuẩn cao. Tiêu chuẩn của họ, thu nhập của họ cao, tư duy của họ đối với môi trường, đối với lao động khác có sự khác biệt mà doanh nghiệp cần phải chú ý. Đối với vấn đề này có thể nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa quen, cần phải có thêm thời gian để thích ứng, đấy là khó khăn thứ nhất.

Vừa qua, khi xuất khẩu sang Vương quốc Anh, chúng ta đã gặp phải một số khó khăn. Anh là một thị trường với những khách hàng rất khó tính, người tiêu dùng chi tiêu rất cẩn thận, dè dặt hơn một số các thị trường khác.

Bên cạnh đó, Vương quốc Anh trước kia là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) nên có cùng một tư duy, đó là rất quan tâm đến phát triển bền vững, lao động, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Bởi vậy, khi hàng hóa của một quốc gia nào đó xuất khẩu sang thị trường này muốn tồn tại và phát triển, có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng thì không chỉ giá rẻ, chất lượng tốt mà còn phải đảm bảo được các yếu tố về phát triển bền vững. 

“Chơi” theo cơ chế thị trường

Bàn về giải pháp, quan điểm của ông Nguyễn Anh Dương rất rõ ràng: “với những đối tác ở thị trường Anh, một yêu cầu rất quan trọng là “chơi” theo cơ chế thị trường”.

Theo đó, với thị trường Anh và đặc biệt là các đối tác trong trong Hiệp định UKVFTA, cần lưu ý một số nội dung.

Thứ nhất là tăng cường việc đối thoại với cộng đồng nhà đầu tư đến từ Vương quốc Anh và Bắc Ailen bởi vì lý do ở đây để tạo ra niềm tin rằng Việt Nam vẫn đang là một nền kinh tế ổn định phục hồi nhanh và phát triển, sẵn sàng với những cuộc chơi tiêu chuẩn cao.

Yếu tố thứ hai là các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương cần tăng cường cung cấp thông tin nhiều hơn về thị trường Anh, đặc biệt là những nghiên cứu về các xu hướng mới, các yêu cầu mới để tiếp cận thị trường Anh.

Ngoài ra, trong bối cảnh mới, kênh xúc tiến thương mại số cũng là một kênh mà có thể Bộ Công Thương cần thúc đẩy bởi vì năm ngoái Bộ Công Thương đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 1968 về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Bây giờ sẽ đến giai đoạn triển khai làm thế nào để có những nền tảng, có những hệ sinh thái xúc tiến số đáp ứng được đúng yêu cầu của doanh nghiệp, từng hiệp hội doanh nghiệp.

Hồng Nhì, Trần Chung, Mỹ Hòa