Khi nhà phát triển chip Marvell của Mỹ thông báo sẽ sa thải hàng trăm nhân sự tại Trung Quốc, lời mời tuyển dụng của các công ty công nghệ và chip địa phương đã bay đến tới tấp. Từ các “ông lớn” như Alibaba, Huawei đến các tên tuổi nhỏ hơn đều tham gia.
Một bài đăng trên Maimai – “LinkedIn phiên bản Trung Quốc” của Zhu Zongpeng, chuyên gia kỹ thuật cấp cao Alibaba, viết: “Mong chờ các thư xin việc của những đồng nghiệp đáng mến từ Marvell. Hãy đến với Alibaba Cloud để phát triển các sản phẩm liên quan đến lưu trữ”.
Trong khi đó, quản lý nhân sự tại nhà sản xuất drone hàng đầu thế giới DJI chia sẻ trên Maimai: “Chúng tôi chào đón bất kỳ nhân viên Marvell nào muốn làm việc cùng. Tôi luôn online”.
Marvell sẽ cắt giảm nhân sự tại hai trung tâm nghiên cứu chính ở Thành Đô và Thượng Hải. Công ty Mỹ đã hoạt động tại Trung Quốc hơn một thập kỷ và nước này đóng góp hơn 45% doanh thu cho hãng. Quyết định sa thải được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Mỹ công bố các lệnh cấm mới đối với ngành bán dẫn Trung Quốc, bao gồm cấm công dân Mỹ làm cho một số hãng công nghệ Trung Quốc nhất định.
Dù Marvell không nêu lý do thu hẹp quy mô, các nhà tuyển dụng và công ty địa phương – vốn vật lộn với thiếu hụt nhân sự - đang hi vọng nó sẽ khởi đầu một xu hướng mới. Theo Hu Yunwang, Chủ tịch hãng tư vấn nhân lực Key-Team Thượng Hải, nếu nhiều nhà sản xuất chip ngoại sa thải lao động, đây sẽ là “cơ hội vàng” cho các nhà phát triển chip Trung Quốc. “Sự thật là các kỹ sư Marvell mất việc vào buổi sáng sẽ được vài chỗ mời vào buổi chiều nếu muốn”.
Với các nhân sự có 5-6 năm kinh nghiệm, một số hãng đưa ra mức lương 1 triệu NDT (136.931 USD) hoặc hơn, ngang bằng với các “ông lớn” như Intel hay Micron.
Một chuyên gia “săn đầu người” tại Presearch Consulting còn quảng cáo việc làm trong nước “an toàn hơn” so với làm cho nước ngoài. “Marvell chỉ là bề nổi của tảng băng trôi”, người này viết trên Maimai.
Vài nhà cung ứng thiết bị chip của Mỹ như Applied Materials, Lam Research và KLA đã rút nhân viên hỗ trợ khỏi các nhà máy của khách hàng Trung Quốc theo quy định của Washington. Trong khi đó, một số hãng khác được chính phủ Mỹ miễn trừ 12 tháng đối với các lệnh kiểm soát xuất khẩu mới nhất, song họ vẫn cân nhắc giảm quy mô tại đại lục để giảm thiểu rủi ro địa chính trị. Theo SK Hynix của Hàn Quốc, trong kịch bản xấu nhất, họ có thể phải bán hoạt động ở Trung Quốc.
Các nỗ lực tuyển dụng trong nước tăng nhanh sau lệnh cấm của Mỹ. Chẳng hạn, theo Nikkei, một chuyên gia tuyển dụng đăng vài vị trí tuyển dụng trên WeChat cho một startup AI Trung Quốc. Với các kỹ sư 5 năm kinh nghiệm từng làm việc tại nước ngoài hoặc công ty bán dẫn nước ngoài, mức lương đề nghị từ 1 triệu đến 1,5 triệu NDT, vô cùng cạnh tranh so với bất kỳ “ông lớn” nào.
Thông thường, mức lương hậu hĩnh dành cho những người có nhiều kinh nghiệm hơn, song nhu cầu nhân sự bán dẫn chưa bao giờ lớn như lúc này và việc cạnh tranh cũng rất căng thẳng. Doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng chi số tiền lớn cho các kỹ sư từng công tác tại các công ty Hàn Quốc hoặc Mỹ.
“Sau tất cả, ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc vẫn đối mặt với cuộc khủng hoảng kỹ sư lành nghề trầm trọng và thực sự ‘đói’ nhân tài”, ông Hu nhận xét.
Du Lam (Theo Nikkei)