Trong tín ngưỡng của người Mường, những gì là vật chất cũng có hai phần, đó là vật thể là phần nhìn thấy được và tinh thần là phần không nhìn thấy. Ở con người, phần nhìn thấy là thể xác và không
nhìn thấy là vía, tiếng Mường gọi là woài, đó cũng được gọi là hồn. Khi chết, hồn người thành ma, theo thi hài đi về mường Tối, tiếp tục sống ở thế giới này và họ cũng lao động sản xuất, làm ăn và có nhiệm
vụ phù hộ cho con cháu ở thế giới người sống thuộc mường Sáng.

 

Do quan niệm này nên ứng xử của người Mường trong các nghi lễ tang ma rất giàu ý nghĩa nhân văn, đặc biệt là việc sử dụng bộ Khót của bố Mo để đưa tiễn người chết về thế giới bên kia trong đám tang và trong nghi lễ cầu sức khỏe cho người ốm yếu.

{keywords}
Thầy Mo, Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Minh, xã Văn Sơn (bên trái) và thầy mo, nghệ nhân Bùi Văn Hải xã Xuân Hóa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình thực hiện nghi lễ

 

Với người Mường, tang lễ là để lập lại sự cân bằng vốn có và tránh cho người sống gặp phải những rủi ro có thể đến từ cõi âm.

Người Mường tin rằng, bố Mo có khả năng đặc biệt - có thể giao tiếp với người đã chết nên họ luôn có sự tôn trọng đối với thầy Mo- người chuyên đi hành lễ đám ma. Điều này được thể hiện qua câu nói: Có Mo thì mới có Mường. 

Ngoài những tiêu chí chung đối với thầy Mo, bố Mo phải là người đã làm Mo phụ cho nhiều đám ma, người điều hành các nghi lễ cho người sống trong nhiều năm, phải hiểu, thuộc và có thể truyền tải được tất cả các áng Mo của người Mường, hoặc có sự đề cử của bố Mo trong vùng; gia đình bố Mo phải có truyền thống làm mo lâu đời, ít nhất từ 5 đời trở lên, trong gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống hạnh phúc; bố Mo cũng phải là người có tướng mạo và tính tình điềm đạm, có giọng nói truyền cảm. Đặc
biệt, bố Mo còn phải có bộ Khót mới đi hành lễ được.

Bộ Khót là những vật thiêng, chứa siêu lực do Trời ban tặng và được truyền từ đời này sang đời khác. Mỗi viên Khót đều có sức mạnh và ý nghĩa nhất định, trợ giúp cho bố Mo ngăn chặn, xua đuổi ma quỷ không cho làm hại con người. Người Mường có câu “quý như Khót” để nói không có gì so sánh được với Khót. Mỗi bố Mo có bộ Khót với số lượng khác nhau. Bố Mo có nhiều Khót thì siêu lực trừ tà, át ma càng lớn và càng có uy tín. 

Trong suốt các nghi thức tang ma thầy mo chỉ làm một việc: thuyết phục và hướng dẫn, hai hành động đi đôi với nhau nhiều khi xen lẫn trước sau, cũng có lúc phải hoà vào nhau thành một qúa trình đồng nhất. Bởi người thầy mo ở đây phải có nghĩa vụ làm cho người chết hiểu được quy luật tự nhiên của sự sống và cái chết, mà người đã chết thì phải tách khỏi thế giới của người sống. Để sau đó hồn mới có thể sẵn sàng đi tiếp hành trình, chuyến đi cuối cùng đến với thế giới dành riêng cho họ.

Hai chức năng thuyết phục và hướng dẫn đó, của các đêm mo được người hành lễ thực hiện trong một nghi lễ lễ thức duy nhất: ngồi xếp bằng tròn từ đầu hôm đến mờ sáng, mồm ngân tang ca hầu như không dứt, đấu đội mũ lễ, trên thân là áo lễ, hai tay cầm chuông lễ và dao lễ, và cuối cùng là túi đựng Khot (Khót- đựng một số vật thiêng do các bố mo được truyền lại, hoặc được Thánh Sư của bố mo báo mộng qua giấc mơ)- chứa đựng siêu lực của bố mo. Đây là những vật thiêng không thể thiếu trong quá trình hành lễ của người làm mo.

Quan niệm của người Mường về giá trị, vai trò của bộ Khót và bố Mo cho thấy đời sống văn hóa tinh thần của họ rất phong phú, giầu tri thức dân gian và mang tính nhân văn sâu sắc. Bộ Khót chính là vật tế khí của bố Mo, giúp ông tự tin về sức mạnh và uy quyền của bản thân để giúp đỡ mọi người. Giá trị và tính thiêng của bộ Khót được người Mường tạo dựng lên từ vốn tri thức dân gian được tích lũy qua nhiều
thế hệ, ở nhiều lĩnh vực, như: hình thức dưỡng sinh trị bệnh; cách ứng xử của con người với con người; con người với môi trường tự nhiên; con người với các loài động thực vật,…

Bố Mo chính là biểu tượng của người trí thức Mường, là người thực hành các phong tục tập quán của người Mường, là điểm tựa trong đời sống tinh thần của người Mường, người tạo nên sự gắn kết cộng đồng, người sử dụng khả năng của mình để phục vụ cho lợi ích chung cao nhất- lợi ích cộng đồng dân tộc Mường.

Nguyễn Liên

Ảnh: Bạt Tuấn