Nói đến thị trường xách tay, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến iPhone tràn lan ở nước ta trước khi Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 15/10. Tuy nhiên, vẫn còn một thị trường khác hấp dẫn người Việt hơn cả là hàng Nhật bãi, được đóng thành ‘công’ (container) chuyển về nước ta.
Đúng như tên gọi của nó, hàng Nhật bãi là những thiết bị điện tử, điện lạnh, sản phẩm công nghệ nội địa Nhật Bản không còn được sử dụng, trở thành rác thải phế liệu xuất khẩu sang các nước khác. Hàng Nhật bãi thường được bán theo cân, thu mua bởi các chủ cửa hàng nhỏ lẻ và bán đến tay người tiêu dùng Việt Nam sau khi đã sửa chữa, thay thế (nếu có).
Hàng Nhật bãi thường được đánh bằng container chở về Việt Nam |
Với mác hàng Nhật, hàng Nhật bãi nghiễm nhiên được gắn chặt với niềm tin không bị lung lay của người Việt là rẻ, bền, đẹp. Đã có thời điểm, người Việt đổ xô đi mua nồi cơm điện, máy giặt, tủ lạnh hàng Nhật bãi với niềm tin này. Dù rằng, chất lượng của các sản phẩm này không hề được kiểm chứng bởi cơ quan chức năng, nhưng qua lời thổi phồng của người bán đã trở thành sản phẩm chất lượng không gì sánh bằng.
Hàng Nhật nội địa trước tiên là hàng thuần Nhật Bản với ngôn ngữ chỉ là tiếng Nhật và sử dụng điện áp 110v. Do đó, người Việt khi mua hàng xách tay nội địa Nhật Bản sẽ phải cân nhắc về vấn đề ngôn ngữ và đặc biệt cẩn trọng bởi nước ta sử dụng điện áp 220v. Hàng Nhật bãi còn tệ hơn thế khi nó là đồ bị vứt bỏ do người Nhật không còn nhu cầu sử dụng hoặc không thể sử dụng được nữa kể cả khi thiết bị đó có vẻ còn khá mới.
Đa phần đều là những thiết bị cũ hỏng |
Sau khi bị vứt bỏ, bằng nhiều con đường, hàng Nhật bãi đến tay các chủ cửa hàng Việt Nam, được đánh bóng bên ngoài và sửa chữa, thay thế linh kiện bên trong. Các sản phẩm này tương đối đa dạng về mẫu mã và chủng loại, trải đều từ tủ lạnh, điều hòa, nồi cơm điện đến cả loa, đàn guitar, dụng cụ cầm tay…
Nếu chỉ xét về mặt công nghệ, nồi cơm điện cao tần, tủ lạnh side by side, điều hòa hai chiều và các thứ khác của Nhật có thể nói là vượt trội so với các sản phẩm cùng loại của các nước khác. Đặc biệt với hàng Nhật bãi được bán với mức giá phù hợp, nó càng hấp dẫn người tiêu dùng Việt Nam.
Vậy vì sao người Nhật lại phải vứt bỏ đồ điện tử dù còn mới? Về phía nhà sản xuất, do những tiêu chuẩn khắt khe trong việc sử dụng thiết bị đáp ứng yêu cầu thân thiện với môi trường, một số thứ như tủ lạnh, điều hòa sẽ bị vứt bỏ khi gas lạnh bên trong không đáp ứng tiêu chuẩn về khí thải. Mà Nhật Bản luôn đi đầu trong việc ra mắt những sản phẩm công nghệ mới đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, kết quả là những đồ điện tử, điện lạnh theo công nghệ cũ (dù còn trong kho của hãng) sẽ bị ngừng sản xuất, tập kết và xuất khẩu ra nước ngoài.
Các sản phẩm này sau đó sẽ được 'mông má' lại để bán ở thị trường Việt Nam |
Còn về phía người tiêu dùng, nhờ chính sách kích cầu cũng như thu nhập tương đối cao, người Nhật bỏ kha khá tiền cho việc mua sắm thiết bị công nghệ mới, thay thế đồ cũ sẽ bị đem cho hoặc vứt bỏ. Điển hình là bãi rác ô tô Nhật Bản toàn xe ‘sang xịn mịn’ khiến ngay cả du khách đến từ phương Tây cũng phải trầm trồ thán phục.
“Đồ nội địa Nhật thực sự rất tốt, nhưng hàng bãi về Việt Nam đa phần được tân trang rồi được lái buôn thổi lên tận mây xanh, đồ còn dùng tốt ít khi người ta bán hay thanh lý. Nếu có tiền thì nên mua đồ mới thôi, Việt Nam vốn sính ngoại nên mới là thiên đường cho rác thải công nghệ từ nước khác như điện thoại iPhone dựng, đồ điện tử bãi Nhật”, thành viên Việt Nguyễn của diễn đàn Tinh Tế nhận xét.
Nhìn chung, việc mua hàng Nhật bãi phụ thuộc rất lớn vào kinh nghiệm của người tiêu dùng và uy tín của người bán. Đấy là chưa kể hàng Nhật bãi là các sản phẩm nhập lậu vào nước ta, do đó người tiêu dùng không nên tiếp tay cho hành vi này.
Phương Nguyễn
Có nên mua máy rửa bát đĩa?
Một thiết bị cồng kềnh và đắt tiền, được quảng cáo giải phóng sức lao động cho các bà nội trợ, vậy thực hư sản phẩm này như thế nào?