Cưới nhau hơn chục năm, vì làm ăn nên chồng tôi có vay mượn xã hội để rồi một ngày chúng đến đòi xử cả nhà. Tôi có nên ly dị chồng về ở với bố mẹ đẻ để mẹ con tôi tránh bị hành hung hay không?
Vợ chồng tôi cưới nhau đã hơn mười năm. Chồng tôi năm ngoái góp vốn chung với người ta mở quán ăn nhưng do không biết làm ăn nên thua lỗ.
Anh ấy vay người nhà, bạn bè để xoay sở nhưng không đủ nên có vay xã hội hai trăm triệu. Do mãi không trả được lại dấu vợ con nên giờ lãi mẹ đẻ lãi con. Nhà tôi ở cùng ông bà nội nên không có tài sản gì đáng kể cả. Bao nhiêu tiền tiết kiệm cũng đã vào xây sửa nhà.
|
Ảnh minh họa |
Tháng trước, anh ấy ngồi với bạn ở quán nước bị xã hội đánh phải đi cấp cứu. Tuần vừa rồi tôi đi đón con bị mấy người xăm trổ tới chỉ mặt bảo chồng 'mày trả nợ đi không bọn tao sẽ xử cả nhà mày". Tôi và con sợ quá run lẩy bẩy, khóc mếu máo.
Bây giờ tôi thực sự bế tắc. Đã cả tuần nay vợ chồng tôi không nói chuyện với nhau nửa lời .Tôi có nên ly dị chồng về ở với bố mẹ đẻ để mẹ con tôi tránh bị xã hội đen hành hung hay không? Tôi rối trí quá, mong các anh chị tư vấn giúp tôi.
Độc giả Hương Ly
Luật sư tư vấn: Chào bạn!
Thứ nhất, về trách nhiệm trả khoản vay nêu trên:
Luật Hôn nhân gia đình 2014, điều 27 quy định
Điều 27. Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng
1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.
2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này.
Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng
Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:
1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.
Theo quy định trên nếu bạn chứng minh được chồng bạn vay số tiền đó để chi tiêu cá nhân, không dùng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình và bạn không biết về số tiền đó, thì bạn không phải chịu trách nhiệm trả nợ trong trường hợp này, nếu không chứng minh được thì bạn có nghĩa vụ trả khoản nợ trên.
Bạn có hỏi là muốn ly hôn để tránh bị hành hung thì Luật Hôn nhân gia đình 2014 tại Điều 60. Giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn
1. Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.
2. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết.
Vì vậy, trách nhiệm hoàn trả khoản nợ nếu là chồng bạn vay số tiền đó cho mục đích cá nhân thì bạn không có trách nhiệm trả nợ. Nếu chồng bạn vay tiền vì mục đích đáp ứng nhu cầu gia đình thì bạn vẫn có trách nhiệm hoàn trả cùng chồng.
Thứ hai, về hành vi thuê người đe dọa, gây gổ tại nhà bạn: Điều 103 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009 quy định:
Điều 103. Tội đe dọa giết người
“1. Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Đối với nhiều người;
b) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
c) Đối với trẻ em;
d) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác”.
Theo đó, đe dọa giết người bị coi là tội phạm là hành vi đe dọa giết người mà hành vi đó có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện.
Người bị coi là phạm tội là người có hành vi thể hiện sẽ tước đoạt tính mạng người khác. Hành vi này có thể là lời đe dọa với những hình thức khác nhau (qua điện thoại, thư từ…) hoặc có thể là những cử chỉ, việc làm cụ thể gián tiếp thể hiện sự đe dọa (như đi tìm công cụ, phương tiện…). Hành vi đe dọa phải gây ra cho người bị đe dọa tâm lí lo sợ một cách có căn cứ là hành vi giết người sẽ xảy ra.
Hành vi đe dọa giết người chỉ cấu thành tội phạm khi hành vi đó đã làm cho người bị đe dọa thực sự lo sợ một cách có căn cứ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện.
Như vậy, trường hợp một người nhiều lần nhắn tin, đe dọa người khác để đòi tiền chỉ có thể bị coi là phạm tội đe dọa giết người nếu nội dung của tin nhắn có việc dọa giết, đồng thời nội dung và phương thức nhắn tin phải làm cho người bị đe dọa thực sự lo sợ một cách có căn cứ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn và gia đình có quyền làm đơn tố cáo hành vi của nhóm người này gửi đến Ủy ban xã, phường nơi cư trú hoặc cơ quan công an nơi gia đình bạn cư trú.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo
(Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội).