- Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, chính việc giao cho công an xã những thẩm quyền vượt quá năng lực, trình độ là nguyên nhân dẫn đến tố tụng hình sự xảy ra nhiều sai phạm.
>> Tăng thẩm quyền cho Thủ tướng >> Cuộc tranh luận độc nhất vô nhị với Bộ trưởng Thăng
Có thêm thẩm quyền điều tra ban đầu cho công an xã hay không là điểm còn nhiều ý kiến khác nhau khi các ĐBQH thảo luận dự thảo luật Tổ chức các cơ quan điều tra hôm nay.
Ủng hộ phạm vi hẹp
Ủng hộ mạnh việc thêm thẩm quyền cho công an xã, Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng trên thực tế công an xã đã và đang thực hiện nhiều công đoạn mang tính điều tra.
Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung |
Theo pháp lệnh Công an xã, họ được quyền tiếp nhận, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã, kiểm tra người, đồ vật, giấy tờ tùy thân, thu giữ vũ khí, hung khí của người có hành vi vi phạm pháp luật, cấp cứu nạn nhân.
Bảo vệ hiện trường, lập hồ sơ, lấy lời khai, thu giữ bảo quản vật chứng, cung cấp thông tin để tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền điều tra, tổ chức bắt người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã...
Ông Chung cho rằng, các quy định này rất phù hợp, dù chưa được quy định vào luật nhưng công an xã vẫn đang thực hiện.
Trong khi đó, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đồng tình thêm thẩm quyền nhưng giới hạn trong phạm vi rất hẹp như bắt quả tang, lấy lời khai ban đầu, nhưng không được khám nghiệm hiện trường.
Bởi hiện trường là yếu tố rất quan trọng, công an xã không có nghiệp vụ sẽ dễ "dẫm nát" hiện trường.
ĐB Đỗ Văn Đương: Không nghiệp vũ, dễ dẫm nát hiện trường |
Năng lực hạn chế, thêm quyền dễ thành làm sai?
Trong khi đó, Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng các thẩm quyền mà dự thảo luật định thêm cho công an xã như lấy lời khai, khám người, vẽ sơ đồ hiện trường, thu giữ, tạm giữ và bảo quản đồ vật, tài liệu có liên quan... rộng hơn nhiều so với quy định hiện hành về xử lý tin báo và bắt người phạm tội quả tang.
Theo bà Nga, những tác nghiệp trên chính là những hoạt động điều tra ban đầu, là chứng cứ hết sức quan trọng đối với vụ án mà trong nhiều trường hợp nếu làm sai lệch thì không thể khắc phục được, ví dụ các dấu vết bị xóa, vật chứng bị mất, bị hại, nhân chứng đã chết…
Trong khi đó, tiêu chuẩn trình độ học vấn để tuyển chọn công an xã lại khá khiêm tốn: trưởng, phó trưởng công an xã chỉ cần học xong chương trình phổ thông, công an viên chỉ cần tốt nghiệp trung học cơ sở, ở miền núi, vùng sâu, vùng xa thì chỉ cần học xong tiểu học.
Phó chủ nhiệm UB Tư pháp lo ngại giao thẩm quyền quá năng lực cho công an xã dễ dẫn đến sai phạm |
Theo Phó chủ nhiệm UB Tư pháp, chính việc giao cho công an xã những thẩm quyền vượt quá năng lực, trình độ là nguyên nhân dẫn đến việc công an xã trong quá trình thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến tố tụng hình sự đã xảy ra nhiều sai phạm, ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân, đến uy tín của Nhà nước.
Bà đề nghị bỏ những quy định về thẩm quyền mang tính chất điều tra ban đầu của công an xã, dừng thực hiện những quy định của pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn về thẩm quyền tố tụng hình sự của công an xã để ngăn chặn những sai phạm trong thực tiễn.
Nghe phản biện của bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Hồ Trọng Ngũ nói, trong thực tế nếu không giao thêm thẩm quyền cho công an xã, họ cũng không thể chuyển tình hình tội phạm ở xã, phường lên trên được.
"Ở cơ sở, họ đã và đang thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả. Đúng là có một số sai phạm, nhưng như thế có nghĩa là phải bồi dưỡng, đào tạo họ tốt hơn" - ông Ngũ nêu.
Vừa quyền hành chính, vừa quyền tư pháp?
ĐB Đỗ Văn Đương cho hay xã hội rất sợ có nhiều cơ quan điều tra, nhiều người có quyền bắt người, khởi tố, sợ những người vừa có quyền hành chính vừa có quyền tư pháp.
Nhấn mạnh yêu cầu cao về tính chuyên nghiệp của các cơ quan điều tra, ĐB TP.HCM đề nghị không mở rộng thẩm quyền điều tra cho các cơ quan thuế, kiểm ngư, chứng khoán như dự thảo luật mà giữ phạm vi như hiện hành.
Viện trưởng Viện Kiểm sát NDTC Nguyễn Hòa Bình thì bảo vệ đề xuất thêm thẩm quyền điều tra cho kiểm ngư.
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình: Giao kiểm ngư quyền điều tra là gửi thông điệp về thực hành quyền quản lý nhà nước trên Biển Đông |
Ông cho hay, theo Công ước LHQ về luật Biển 1982, trong các tiêu chí để khẳng định chủ quyền có yếu tố về sự hiện diện. Bằng chứng về sự hiện diện của người dân trên biển ta có nhiều, ngư dân ta đã ra biển từ lâu.
Nhưng bằng chứng về sự quản lý nhà nước trên thực tế trên biển là việc VN phải làm.
"Giao cho kiểm ngư quyền này là ta gửi đến toàn thế giới một thông điệp về việc ta thực hành quyền quản lý nhà nước của mình trên Biển Đông", ông nói.