1.2.jpg
Nhu cầu sử dụng đầu thu truyền hình số vệ tinh ở các khu vực miền núi sẽ tăng mạnh khi triển khai số hóa truyền hình. Ảnh minh họa: Internet

>> Vì sao doanh nghiệp "đầu kỹ thuật số" không dám sản xuất hàng loạt?  / Truyền hình VTC nâng cấp hệ thống, tăng thêm kênh Các đài đua nhau khuyến mãi "ăn theo" Ngoại hạng Anh

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã đồng ý nguyên tắc kết hợp phủ sóng truyền hình số mặt đất (DTV) và truyền hình số qua vệ tinh (DTH) để đảm bảo tiến độ và hiệu quả phủ sóng đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Theo đó, tại khu vực đồng bằng, những nơi tập trung dân cư sẽ phát sóng số mặt đất, còn tại những khu vực có địa hình phức tạp, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo sẽ phát sóng số vệ tinh.

Thực tế, khu vực miền núi của nước ta tương đối rộng, bao gồm các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên và nhiều tỉnh thuộc miền Trung, do đó nhu cầu phát sóng số vệ tinh khá lớn. Từ đó, đặt ra câu hỏi nhà nước có nên yêu cầu các nhà sản xuất đầu thu truyền hình số (STB) cung cấp cho người dân trong giai đoạn chuyển đổi (từ 2015 – 2020) tích hợp cả tính năng thu số mặt đất (DVB-T2) với số vệ tinh (DVB-S2) trong các sản phẩm STB hay không?

Theo tính toán của Công ty CP Hệ thống công nghệ Việt (Vsystem), nếu tích hợp cả thu số mặt đất và thu số vệ tinh giá thành STB sẽ tăng thêm 3 USD, giá bán ra thị trường STB thu số mặt đất khoảng 35 USD, còn đầu tích hợp cả thu số vệ tinh là 38 USD.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà sản xuất đều có ý kiến cho rằng, nhà nước không nên quy định các nhà sản xuất STB tích hợp cả hai tính năng thu số mặt đất và thu số vệ tinh bởi sẽ tăng thêm giá bán và đội chi phí cho nhà nước khi mua STB cho các hộ dân thuộc diện được cấp miễn phí.

Theo ông Tạ Quang Sơn - Tổng giám đốc Công ty Điện tử Hanel, một sản phẩm tăng thêm 3 USD là khoản chi phí lớn đối với nhà sản xuất vì thế không nên tích hợp, mà nên cho sản xuất hai loại riêng để cung cấp ra từng thị trường phù hợp với từng khu vực.

Ông Lê Anh Dũng - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển của VTC cũng lưu ý rằng, nếu tính thêm cả bộ NLB và chảo thu số vệ tinh (giá tối thiểu khoảng 7 USD) thì giá thành STB tích hợp sẽ tăng thêm khoảng 10 USD, đây là một khoản chi phí khá lớn đối với người dân. Vì thế, đối với những STB nhà nước cung cấp cho người dân từ nguồn kinh phí quốc gia thì cần tách biệt hai loại STB riêng để giảm chi phí. Còn trên thị trường tự do các doanh nghiệp vẫn có thể bán những loại đầu thu tích hợp cả hai tính năng cho người dân có nhu cầu.

Đại diện VTV cũng đồng ý với ý kiến của Hanel và VTC. Theo đó, nên tách riêng hai loại đầu thu cho hai khu vực đồng bằng và miền núi. Bởi nếu tích hợp cả hai tính năng thì 1 triệu STB sẽ tăng thêm chi phí khoảng 10 triệu USD. Như vậy, chỉ riêng đối tượng hộ dân mà nhà nước sẽ cung cấp miễn phí đầu thu (khoảng 2,7 triệu hộ) sẽ tăng thêm khoảng 27 triệu USD cho nhà nước.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Phong - đại diện Vssytem lại có ý kiến ngược lại với ba nhà sản xuất STB kể trên. Ông Phong cho rằng, phải có phương án sản xuất STB tích hợp, bởi vì địa bàn khu vực miền núi (cần sử dụng STB thu số vệ tinh) rất rộng nên nếu tích hợp sẽ rất thuận tiện cho việc cung cấp sản phẩm ra thị trường. Còn tại các thành phố lớn, vùng đồng bằng đa số người dân dùng truyền hình trả tiền do đó khả năng dùng đầu thu STB thu truyền hình quảng bá rất thấp.