Lệnh cấm Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ gia tăng gánh nặng lên doanh nghiệp bán dẫn trong nước, ngay trước mùa báo cáo kinh doanh và làm dấy lên lo ngại đà sụt giảm của toàn ngành chưa dừng lại.
Bellwether Semiconductor Manufacturing International giảm 5,2% trên sàn Hong Kong trong ngày 10/10, mức sâu nhất kể từ ngày 15/8. Huahong Semiconductor giảm 9,3% cũng trên sàn Hong Kong, còn Shanghai Fudan Microelectronics giảm 19%. Will Semiconductor giảm 6,7% trên sàn giao dịch đại lục.
Các biện pháp mới của Mỹ bao gồm lệnh cấm xuất khẩu một số loại chip dùng trong siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo, thắt chặt quy định bán thiết bị bán dẫn sang công ty Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ cũng thêm hàng chục doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách “chưa xác minh”, đồng nghĩa nhà cung ứng Mỹ sẽ gặp nhiều trở ngại nếu muốn bán công nghệ cho họ.
Nhà phân tích David Wong nhận định chúng là “bước lùi lớn với Trung Quốc” và “tin xấu” cho bán dẫn toàn cầu. Nỗ lực địa phương hóa của Trung Quốc có thể gặp rủi ro vì không thể sử dụng các công nghệ đúc chip hiện đại như Đài Loan và Hàn Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning hôm 8/10 cho rằng, các biện pháp trên là không công bằng và “ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp Mỹ. Chúng “giáng đòn mạnh vào chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu, khả năng phục hồi kinh tế thế giới”.
Cổ phiếu liên quan đến chip của các doanh nghiệp nhỏ hơn lại giảm sâu hơn các “ông lớn” cùng ngành. Chẳng hạn, Naura Technology giảm 10%, còn Advanced Micro Frabrication Equipment và ACM Research Shanghai giảm hơn 15%.
Theo Bloomberg, căng thẳng Mỹ - Trung ngày một tăng có thể thúc đẩy Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ các công ty nội địa nhằm đạt được tham vọng trở thành cường quốc bán dẫn độc lập.
Quy định mới được Mỹ đưa ra vào thời điểm ngành công nghiệp chip bước vào mùa báo cáo quý III. Samsung Electronics, nhà sản xuất memory chip lớn nhất thế giới và nhà sản xuất vi xử lý máy tính AMD đều công bố kết quả kinh doanh đáng thất vọng vào tuần trước.
Du Lam (Theo Bloomberg)