Đối với game thủ Việt chúng ta, bên cạnh những trào lưu RGB lập lòe, tản nhiệt nước custom thì gaming gear cũng là một trong những thú chơi thể hiện mức độ đam mê của những người không chỉ yêu game mà còn vô cùng yêu phần cứng máy tính nói chung. Trong số đó phải kể tới bàn phím cơ. Nếu như cách đây một vài năm, các game thủ Việt còn gần như chưa biết rõ bàn phím cơ là gì, Filco là hãng nào hay nên chọn switch màu gì trước thì ở thời điểm hiện tại, thị trường gaming gear đặc biệt là mảng bàn phím cơ đang sôi động hơn bao giờ hết.

Từ những thương hiệu lớn và phổ biến như Ducky hay Leopold thì những hãng sản xuất gaming gear được rất nhiều các bạn trẻ để ý như Steelseries hay Razer cũng góp mặt vào thị trường bàn phím cơ sôi động này. Và sau khoảng 2 – 3 năm xuất hiện thì những chiếc bàn phím cơ được thiết kế ngày càng bắt mắt người dùng hơn, từ chất liệu vỏ đẹp hơn hay thêm những chiếc đèn LED lung linh, và gây ấn tượng với người dùng thì một điều rất quan trọng nữa đó chính là mức giá của những chiếc bàn phím cơ vào năm 2016 đã có rẻ hơn được phần nào so với những năm đầu tiên bàn phím cơ “cập bến” Việt Nam.

Nếu như ở những năm 2012 hay 2013, để tìm được một chiếc bàn phím cơ với mức giá nhỏ hơn 2 triệu đồng thật sự là quá khó nhưng bây giờ thì mọi thứ đã khác, mọi người dùng đều có thể tìm kiếm cho mình một chiếc bàn phím cơ chỉ với …. 600.000 – 700.000 đồng mà thôi. Sự phát triển mạnh mẽ từ các nhà sản xuất bên Trung Quốc với mức giá vô cùng rẻ đã tạo nên một cơn sốt bàn phím cơ, đặc biệt với những học sinh sinh viên không có đủ điều kiện để sắm cho mình một chiếc bàn phím cơ xịn với tiền triệu. Nhưng liệu sử dụng những chiếc bàn phím cơ giá rẻ từ Trung Quốc có thật sự là giải pháp tốt nhất để trải nghiệm bàn phím cơ hay không lại là một vấn đề rất khác.

Điều đầu tiên cần biết, đó là tiền nào của nấy, những sản phẩm giá rẻ không bao giờ có được chất lượng build lẫn phần cứng bền bỉ như của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, những chiếc bàn phím cơ đắt tiền (so với mặt bằng chung nhưng tuổi thọ rất cao). Những chiếc bàn phím cơ giá rẻ đều có một điểm chung đó chính là việc chất liệu sử dụng luôn cho người dùng một cảm giác “hơi lởm” khi nhà sản xuất tiết kiệm hết mức chi phí sản xuất và chọn những linh kiện có mức giá rẻ nhất có thể để gắn kết chúng lại với nhau. Từ vỏ cho đến bảng mạch của mỗi chiếc bàn phím cơ giá rẻ đều làm một cách rất vội vàng và không hề có sự chăm chút đến từ phía nhà sản xuất.

Trong khi đó, câu hỏi ở tiêu đề bài viết được đặt ra là, liệu chơi game bằng bàn phím cơ nói chung có thật sự sướng hơn bàn phím cao su rubber dome bình thường hay không? Câu trả lời là có và không.

Quả thật dùng phím cơ điều khiển nhân vật trong game cũng nhạy và êm ái thật nếu dùng switch brown hoặc red, và nảy tanh tách vui tai nếu dùng switch blue, nhưng phép so sánh giữa phím cơ và phím cao su kỳ thực còn phụ thuộc vào cả độ "mới" của phím cao su. Sở dĩ nhiều người không muốn dùng phím rẻ tiền để chơi game là vì sau một thời gian sử dụng, bụi bẩn và tạp chất bắt đầu tồn đọng trong các nút bấm gây kẹt phím, sử dụng rất khó chịu.

Điều này với bàn phím cơ không hề xảy ra nhờ vào kết cấu độc lập của từng nút bấm, nhưng dĩ nhiên của bền tại người, vệ sinh bàn phím đúng cách và đúng lúc luôn khiến chiếc bàn phím phục vụ bạn trong một thời gian rất dài.

Nhưng cũng đừng vì lý do đó mà thần thánh hóa khả năng sử dụng của bàn phím cơ. Ngoại trừ những mẫu switch Cherry MX Brown, Black và Red, hay mới đây nhất có cả Cherry MX Speed hướng tới cộng đồng game thủ, mẫu switch Blue lại hướng tới trải nghiệm gõ phím có phản hồi ấn tượng giống với... máy đánh chữ xưa kia. Âm thanh gõ cũng tương đối ồn, không mấy ổn để cày game vào ban đêm.

Những lợi ích của bàn phím cơ là không cần chối cãi, nhưng trừ phi có được điều kiện tài chính sử dụng những bàn phím cơ cao cấp, thì nhiều bàn phím rubber dome thông thường cũng chiều được nhu cầu của không ít game thủ, chứ không nhất thiết phải là mechkey. Cần nhớ, ngoại trừ những thiết bị được các hãng gaming gear tạo ra, còn lại những cái tên như IKBC, Ducky, Leopold đều sản xuất thiết bị của họ với mục tiêu phục vụ nhu cầu văn phòng, chỉ là chúng ta thích và đem nó về dùng để chơi game mà thôi.

Hãy hiểu một cách đơn giản, chiếc bàn phím cũng chỉ là sản phẩm để nhập dữ liệu mà thôi, còn muốn trải nghiệm "nhập dữ liệu" đó sung sướng cỡ nào, còn phụ thuộc vào nhu cầu và túi tiền của chính các bạn nữa. Đừng vì chiếc bàn phím mà quên đi niềm vui ở thế giới ảo.

Theo GameK