Trong ngày hôm qua thông tin liên quan đến hồi kết của vụ giằng co pháp lý giữa Apple và FBI khiến báo chí xôn xao và tốn không ít giấy mực. Ông Tony Bradley, phóng viên trang Forbes và cũng là tổng biên tập trang Tech Spective, cho rằng có lẽ FBI chẳng có cơ hội nào để chống lại Apple trước tòa hay tìm được sự ủng hộ vì vậy FBI đành phải tìm một phương pháp khác để tránh bị bẽ mặt công khai.

Sau khi vụ án kết thúc, còn rất nhiều những câu hỏi chưa có lời giải đáp, chúng ta cũng đào sâu thêm về vấn đề này trong bài viết dưới đây. Những thông tin trong bài viết này được dịch lại từ bài đăng của phóng viên Tony Bradley trên trang Forbes và hoàn toàn dựa trên quan điểm cá nhân của tác giả.

1. FBI có thực sự hack được chiếc điện thoại?

Chúng ta không biết. FBI không hề hé răng về tên của hacker hay công ty đã tham gia vào công việc này mà cũng không chia sẻ bất cứ thông tin chi tiết nào về vụ hack. Theo nhiều tờ báo, một công ty của Israel có cái tên Cellebrite đã được cơ quan này mời về cách đây một thời gian để hỗ trợ. Các trang này cũng tin rằng chính Cellebrite đã giúp FBI phá khóa thành công chiếc iPhone. Tại thời điểm hiện tại, chúng ta chỉ biết những thông tin do FBI cung cấp, và rất có thể chính FBI cũng chưa hề hack được chiếc điện thoại và chỉ tung tin như vậy để êm đẹp rút khỏi vụ kiện cáo với Apple.

2. Nếu như vậy, FBI có biết rằng mình có thể tìm được người hack thành công chiếc iPhone không?

FBI tuyên bố rằng có rất nhiều hacker, cả những nhà nghiên cứu an ninh chính thống và cả những người không chính thống đã cùng hỗ trợ FBI trong vụ việc này. Điều này có lẽ đúng. Tuy nhiên, bất cứ ai làm việc trong ngành an ninh máy tính và thông tin đều biết rằng chẳng có cái gì là một hệ thống an ninh không có lỗ hổng và tất cả các thiết bị cũng như hệ điều hành đều có lỗ hổng bảo mật có thể bị khai thác.

FBI đáng lẽ nên biết trước về điều này trước khi khơi mào một cuộc chiến pháp lý với Apple và tuyên bố rằng mình không truy cập được vào chiếc điện thoại. Nhưng biết đâu đấy, từ lâu FBI đã truy cập được vào chiếc điện thoại này (và cả những chiếc khác nữa).

 3. Có thông tin nào có giá trị trên chiếc iPhone không?

Phóng viên Bradley cược rằng không, nhưng chúng ta chẳng bao giờ biết chắc về điều này. Kẻ xả súng đã cố gắng phá hủy thiết bị của mình và cả ổ cứng máy tính để xóa dấu vết, vì vậy có lẽ hắn sẽ chẳng dại dột để lại hàng đống dữ liệu giá trị trong chiếc điện thoại, một tang vật vốn biết trước là sẽ bị tịch thu đầu tiên.

Vì lý do an ninh quốc gia và tình báo, FBI có quyền không tiết lộ liệu có bất cứ thông tin giá trị nào trên chiếc điện thoại hay không. Để bảo vệ danh tiếng cũng như tránh mọi hậu quả tiêu cực xung quanh vụ lùm xùm pháp lý với Apple, FBI thậm chí còn có quyền không tiết lộ bên trong chiếc điện thoại có thông tin hay không.

4. Sau khi FBI hack được iPhone, Apple bị ảnh hưởng như thế nào?

Nhìn về toàn cảnh, Apple có nguy cơ chịu những tác động tiêu cực từ sau vụ việc này. Công ty này nổi tiếng với khả năng bảo mật sản phẩm và phần mềm. Nếu FBI có thể hack được thiết bị trong âm thầm, thì cả thế giới sẽ không biết được là FBI lại có khả năng đến vậy. Nhưng bởi FBI đã “loan báo” cho cả thế giới điều này, danh tiếng của Apple có thể bị ảnh hưởng. Trái lại, như đã nói ở trên, chẳng có bất cứ thiết bị hay nền tảng nào là không có lỗ hổng, vì vậy bạn đừng ngây thơ cho rằng iPhone mình cầm trong tay là thứ chẳng thể hack nổi. Về mặt này, Apple vẫn ghi điểm trong mắt người dùng vì đã dám đứng lên chống lại cả những yêu cầu pháp lý từ phía chính phủ.

5. Vấn đề này có thực sự được giải quyết không?

Có lẽ là không. Vấn đề thực sự không nằm ở chiếc iPhone. Richard Clarke, cựu điều phối viên quốc gia của Cơ quan Bảo vệ an ninh, hạ tầng quốc gia và Phòng chống khủng bố cho biết là ông tin rằng FBI chỉ đang cố tìm kiếm một tiền lệ.

Các cơ quan tình báo và các nhà thực thi luật pháp có thể truy cập vào bất cứ thiết bị bị mã hóa nào. Và chiếc iPhone này đã được lựa chọn để trở thành một cái cớ và được nâng tầm vấn đề lên, bởi họ tin rằng khi lấy nỗi sợ hãi khủng bố ra để đe dọa công chúng, sẽ có một tiền lệ pháp lý được thiết lập, và chính phủ sẽ có quyền ép buộc các công ty tư nhân phải hợp tác.

Nhu cầu vẫn còn đó. Chính phủ vẫn muốn các công ty mở cửa hậu để truy cập vào những thiết bị và dữ liệu cá nhân. Sẽ còn nhiều chiếc iPhone khác bị hack. FBI và các cơ quan tình báo hoặc các nhà thực thi luật pháp sẽ luôn hack được các sản phẩm này hoặc sẽ có những hacker luôn sẵn sàng làm điều đó cho họ. Theo ông Bradley, vấn đề này sẽ chẳng bao giờ được giải quyết hoàn toàn cho đến khi chính phủ có được cái tiền lệ mà họ muốn.