Tội danh cố ý gây nhiễu tần số có hại có thể bị phạt tù từ 1-5 năm, nếu hình thức phạm tội có tổ chức, hoặc gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên. Hành vi tái phạm nguy hiểm cũng sẽ bị xử lý hình sự.
Theo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 27/11/2015 tại kỳ họp thứ X và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, một số tội danh mới đã được bổ sung vào Bộ luật. Trong số này có 2 tội danh liên quan đến lĩnh vực tần số vô tuyến điện, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho biết. Cụ thể, đó là tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh và Tội cố ý gây nhiễu có hại.
Sân bay Tân Sơn Nhật từng xảy ra vụ việc tần số điều hành bay bị gây nhiễu trong năm 2015. |
Theo đó, người nào sử dụng tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh vào mục đích khác (Điều 293), hoặc người nào cố ý gây nhiễu có hại, cản trở hoạt động bình thường của hệ thống thông tin vô tuyến điện (Điều 294), gây thiệt hại từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức, hoặc gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên, hoặc tái phạm nguy hiểm.
Trong năm 2015, dư luận đã xôn xao vì nhiều vụ việc gây nhiễu, can nhiễu tần số được phát hiện. Chẳng hạn như vụ tần số điều hành bay của sân bay Tân Sơn Nhất bị gây nhiễu vào ngày 16/6, gây ảnh hưởng lớn đến công tác điều hành bay, uy hiếp an toàn hoạt động bay.
Tương tự, Cục Tần số cũng phát hiện nhiều cá nhân, tổ chức sử dụng điện thoại kéo dài không phép, gây can nhiễu mạng di động và 3G tại Hà Nội, TP.HCM... trong năm 2015.
PV