Để có một COC thực chất đòi hỏi sự đồng thuận rất cao của nội bộ ASEAN.

Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao trong cuộc phỏng vấn với VOV cho rằng COC khó có thể bảo đảm và cũng không phải là một công cụ vạn năng để quản lý được mọi xung đột ở Biển Đông.

{keywords}
Để có một COC thực chất đòi hỏi sự đồng thuận rất cao của nội bộ ASEAN.

Tiến sĩ Trần Việt Thái lý giải: Hiện nay, Biển Đông là 1 trong những vấn đề lớn, quan trọng, có tác động tới an ninh, ổn định cũng như sự phát triển lâu dài của cả khu vực cũng như quan hệ của ASEAN với các nước.

Do vậy, việc ASEAN và Trung Quốc chính thức thông qua dự thảo khung về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) ngày 6/8 là bước tiến trong bối cảnh tình hình có những diễn biến phức tạp.

Điều này cũng sẽ góp phần vào hòa bình và ổn định tại khu vực. Tuy nhiên, đây mới chỉ là cái khung của COC, chưa phải bản quy tắc ứng xử chính thức có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Thêm nữa, để đạt được văn bản này cần 1 thời gian quá lâu [sau gần 4 năm đàm phán], cần quá nhiều nỗ lực.

“Tôi cho rằng việc thông qua này, tuy là một bước tiến, nhưng không phải là đột phá. Chúng ta vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa từ cả hai phía, đặc biệt từ phía Trung Quốc”, ông Thái nói.

Trên thực tế, Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) dù nó có được xây dựng thành công đi chăng nữa, vẫn chỉ là một bộ quy tắc ứng xử. Nếu nói về tính pháp lý, chắc chắn nó không thể bằng được Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Hoặc nếu so với những tuyên bố khác, hoặc những văn kiện khác thì mức độ giá trị của nó cũng bị giới hạn.

Do vậy, nếu nói tới vai trò của COC, nó có tính định hướng quan trọng. Nó sẽ góp phần vào quản lý các xung đột. Nhưng một mình tuyên bố COC khó có thể bảo đảm, và nó không phải là một công cụ vạn năng để quản lý được mọi xung đột.

Vì thế, COC (trước hết là bộ khung của nó) không phải là công cụ để xử lý các tranh chấp, càng không phải là công cụ để giải quyết tranh chấp liên quan đến tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ.

Trả lời cho câu hỏi, vậy COC có giá trị ở chỗ nào? Ông Thái cho rằng nó là văn kiện dùng để đóng góp vào duy trì hòa bình ổn định, và đóng góp vào định hướng trong quản lý thái độ và cách hành xử của các nước trên Biển Đông.

Nhưng cũng không nên đặt tất cả kỳ vọng vào COC. Bởi thực tiễn tình hình thời gian qua cho thấy là ASEAN và Trung Quốc cần nhiều nỗ lực hơn nữa mới có thể quản lý được tình hình. Ngay cả khi COC ra đời, chúng ta vẫn cần phải kết hợp nhiều công cụ khác nhau để đảm bảo đạt được các mục tiêu mà chúng ta mong muốn, là hòa bình, ổn định ở trên biển.

Để hướng tới một COC có tính hiệu lực và ràng buộc cao hơn, cái đầu tiên, trước hết cần đến là thiện chí và thái độ của hai bên, đặc biệt là Trung Quốc.

Hiện nay, Trung Quốc mới chấp nhận đàm phán về khuôn khổ. ASEAN cũng mới bắt đầu tính tới khả năng giao cho các quan chức cao cấp tiếp tục đàm phán để đi tới một bộ quy tắc ứng xử đầy đủ.

Thứ nhất là ý chí chính trị, đặc biệt là của phía Trung Quốc, có muốn đi tiếp hay không, đi theo cách như thế nào. Thứ hai là để COC có hiệu lực thì phạm vi hiệu lực của nó phải bao trùm toàn bộ Biển Đông, chứ không thể chỉ có một bộ phận riêng lẻ nào trong đó. Để COC có tính ràng buộc, có những yếu tố cần tính toán.

Đầu tiên, văn kiện đó có được Quốc hội thông qua hay không? Bởi bên hành pháp thông qua là một chuyện, còn bên Quốc hội thông qua lại là một việc hoàn toàn khác.

Điểm thứ hai, nếu nó có tính ràng buộc pháp lý, liệu khi có phát sinh tranh chấp, nó có giải quyết được thông qua các cơ chế pháp lý hay không? Ví dụ như các tòa án, hay các bên trung gian hòa giải thứ ba. Hay chỉ là thông qua đàm phán, thỏa thuận song phương. Câu chuyện này cũng cần phải được tính toán tiếp.

Do vậy, để có một COC thực chất đòi hỏi sự đồng thuận rất cao của nội bộ ASEAN.

Gia Hưng - Hoàng Oanh