Kinh nguyệt ở phụ nữ giống như "chiếc gương" phản chiếu tình trạng sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản. Một số nguy cơ về sức khỏe có thể bộc lộ qua những dấu hiệu tưởng chừng rất quen thuộc. Vì thế, ThS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, khuyến cáo nếu chu kỳ kinh nguyệt của chị em có 4 đặc điểm sau, tuyệt đối không được chủ quan.

Rối loạn kinh nguyệt

Bác sĩ Thành cho hay không ít người bị rối loạn kinh nguyệt. Trong đó, dấu hiệu đầu tiên nhiều chị em băn khoăn là chậm kinh, “ngày đèn đỏ" đến quá trễ. Đặc biệt, việc chậm kinh, mất kinh sẽ khiến phụ nữ trong độ tuổi sinh sản lo lắng mình có bầu hay không. Vì vậy, nếu tình trạng này xảy ra, việc quan trọng nhất cần làm ngay là dùng que thử thai để kiểm tra.

Một số người mắc chứng rối loạn rụng trứng khiến chu kỳ "đèn đỏ" không đều, có thể 2-3 tháng, thậm chí 6 tháng một lần. Tình trạng này sẽ khiến chị em chậm có con, khó mang thai. Nếu đậu thai, nguy cơ sảy, lưu thai và thai nhi bất thường tăng cao hơn.

Lượng máu kinh tăng đột biến

Mỗi kỳ “đèn đỏ” sẽ lấy đi 35-85ml máu. Lượng máu mất đi sẽ nhanh chóng được bù đắp trở lại. Tuy nhiên, nhiều chị em rơi vào tình trạng máu kinh ra nhiều, có thể kéo dài từ 7-10 ngày. Nhiều người ra huyết thấm hết một chiếc băng vệ sinh hoặc nhiều hơn trong vòng một giờ đến vài giờ liên tiếp; xuất hiện cục máu đông lớn hơn 1/4 kích thước băng vệ sinh...

Theo bác sĩ Thành, đây là chứng cường kinh. Triệu chứng này có thể là dấu hiệu của một bệnh lý cần được điều trị. Vì vậy, chị em cần đi khám để tìm nguyên nhân vì tình trạng này khiến cơ thể bị thiếu máu và đối mặt với nguy cơ xuất huyết tử cung.

Siêu âm, khám phụ khoa tại Bệnh viện Hùng Vương. Ảnh: BVCC

Ra máu sớm trước nửa tháng

Nhiều chị em vẫn ra máu kinh nhưng không đúng ngày kinh nguyệt, tức là có thể ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt hoặc ra máu sau khi quan hệ tình dục. Bác sĩ Thành khuyến cáo các trường hợp này cần đi khám phụ khoa để loại trừ các bệnh lý như chửa ngoài tử cung hoặc ung thư tại vị trí tử cung.

Đau bụng kinh dữ dội

Nhiều chị em đau bụng trong “ngày đèn đỏ" khiến cơ thể mệt mỏi, khó chịu, thậm chí kiệt sức. Nguyên nhân là thành tử cung co thắt quá nhiều.

Tuy nhiên, bác sĩ nhấn mạnh chị em cần lưu ý nếu gặp dấu hiệu đau bụng nhiều, đau dữ dội kèm buồn nôn, nôn, tiêu chảy, toát mồ hôi, choáng váng. Đây có thể là triệu chứng sớm của u xơ tử cung, viêm vùng chậu, lạc nội mạc tử cung... 

Dấu hiệu sớm ung thư từ những bất thường của kỳ "đèn đỏ"

Chảy máu âm đạo bất thường giữa kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục, sau mãn kinh, sau khi đi vệ sinh... là biểu hiện đặc trưng nhất ở giai đoạn đầu ung thư cổ tử cung. Tình trạng này gây ra do niêm mạc cổ tử cung biến đổi hoặc khối ung thư phát triển, xâm lấn sang các mô lân cận, tạo ra các mạch mới, dễ vỡ, gây chảy máu. Mức độ chảy máu ở mỗi người khác nhau, máu thường đỏ tươi, lượng ít – nhiều, tự ngưng nhưng sau đó lặp lại và tăng dần tần suất.

Ung thư cổ tử cung cũng có thể gây mất cân bằng hormone trong cơ thể, ảnh hưởng đến sự phát triển và rụng trứng, dẫn đến hiện tượng kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài hơn bình thường, rong kinh, kinh nguyệt có màu đen sẫm.

Chảy máu âm đạo bất thường kèm đau đớn, chảy máu nhỏ giọt giữa các kỳ kinh nguyệt... là dấu hiệu quan trọng của ung thư buồng trứng.