Thái độ của mẹ chồng khiến nàng dâu sốc. Cô không dám tin bà nội của con lại có thể nhắc đến chuyện tiền bạc một cách thản nhiên như vậy.

Nàng dâu cho rằng, bây giờ cô có thể trả lương 8 triệu cho mẹ nhưng sau này, khi bố mẹ chồng ốm đau, ai sẽ là người lo liệu? Lúc đó, mẹ chồng có nghĩ đến chuyện thuê giúp việc chăm mình hay sẽ lại nhờ đến con cháu?

Quan điểm của cô con dâu là bà nội nên có trách nhiệm chăm cháu chắt của mình. Sau này, con cái cũng sẽ “có đi có lại”, chăm sóc lúc ông bà về già. 

Con dâu nhờ chăm cháu, mẹ chồng đòi lương 8 triệu. Ảnh minh họa. Nguồn: Sohu

Câu chuyện ngay lập tức trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trên diễn đàn mạng xã hội. Hai luồng ý kiến trái chiều nổ ra. Người đứng về phe cô con dâu, người lại cho rằng mẹ chồng nói vậy cũng không sai.

Trách nhiệm chăm cháu có phải của ông bà?

Một số ý kiến cho rằng việc mẹ chồng nhắc đến chuyện tiền nong hàng tháng khi chăm cháu nội không sai. Bởi trách nhiệm chăm cháu không thuộc về ông bà. Khi bố mẹ bước vào tuổi xế chiều, con cái càng cần có trách nhiệm giúp bố mẹ có thời gian nghỉ ngơi, thảnh thơi. 

“Tôi nghĩ là một người con, bạn phải rộng lượng. Bạn phải nghĩ rằng, bố mẹ cả đời lo cho các bạn thì phần tuổi già phải để cho ông bà có thời gian thảnh thơi, nghỉ ngơi. Bạn lại cho rằng việc ông bà chăm cháu lúc này sẽ khiến các bạn có hiếu hơn với bố mẹ lúc tuổi già là không nên.

Nếu bạn thực sự có điều kiện thì nên thuê người giúp việc, để bố mẹ bạn được dành thời gian đi chơi đây đó. Thậm chí các bạn nên tạo điều kiện cho bố mẹ được đi du lịch, nghỉ ngơi, thăm thú các nơi ở tuổi xế chiều”, một người viết. 

Tài khoản M.K đưa ra quan điểm về việc nhờ ông bà chăm cháu: “Mẹ ruột của mình suốt ngày đòi chăm cháu nhưng mình nhất quyết không đồng ý. Mình không giàu có nhưng cũng cố gắng thuê giúp việc để mong ông bà có thời gian nghỉ ngơi.

Bà với ông sống ở quê an nhàn, nói chuyện vui vẻ với xóm giềng, thi thoảng lại đi du lịch. Cuối tuần mình gửi các cháu về chơi với ông bà 1-2 ngày, các cháu và ông bà đều vui. Mình thấy như thế hoàn toàn hợp lý. Chăm một đứa trẻ vất vả lắm bạn ạ”.  

Tuy nhiên, số ít lại cho rằng, cách người mẹ chồng thẳng thắn nói về tiền khi con dâu nhờ vả khiến cô bị sốc. Bởi cô không phải gán trách nhiệm mà chỉ mong nhận được sự hỗ trợ từ người thân ruột thịt.

Một số ý kiến đồng tình với cô con dâu rằng, người thân cần hỗ trợ nhau. Một số gia đình kinh tế eo hẹp, có ông bà hỗ trợ chăm cháu cũng đỡ được khoản thuê người ngoài. 

“Con trai, con dâu bận mới nhờ đến ông bà. Nếu ông bà không muốn con cái vất vả, phải bỏ tiền thuê giúp việc thì ông bà nên hỗ trợ phần nào để giảm gánh nặng kinh tế cho con. Và việc cô con dâu phản ứng như vậy cũng không có gì quá đáng. Bởi sau này, khi ông bà về già, việc chăm nom sẽ đến tay các con. Các cháu ruột của mình, mình không xót thì ai xót”, một tài khoản mạng viết.  

"Lựa lời mà nói, lựa nhau mà sống"

Đó là kinh nghiệm của rất nhiều người sau khi đọc tình huống chia sẻ về chuyện chăm cháu của mẹ chồng nàng dâu trên diễn đàn mạng xã hội gần đây. 

Trong việc này, con dâu nên có thái độ nhờ vả mẹ chồng một cách khéo léo. Việc chăm cháu vốn không phải trách nhiệm của ông bà. Con cái mình sinh ra, mình phải có trách nhiệm chăm sóc. Nếu kinh tế khó khăn hoặc không yên tâm giao con cho người ngoài, con dâu, con trai cần có cách nhờ vả khéo léo để bố mẹ chồng hiểu các con thực sự cần một người ruột thịt quan tâm tới con cái của mình.

Trong tình huống này, mẹ chồng cũng có thể khéo léo hơn trong cách ứng xử. Bà không nên quá thẳng thắn khi con dâu vừa đưa ra vấn đề tiền nong. Chuyện này bà có thể từ từ trao đổi hoặc nói trước với con trai. Nếu sức khỏe không phù hợp trông các cháu cả tuần, bà cũng có thể thẳng thắn chia sẻ. 

Một vài độc giả nhận định, việc con dâu trao đổi về “chữ hiếu” với mẹ chồng như vậy cũng không đúng. 

Đành lòng máu mủ ruột rà, tương trợ lẫn nhau là việc nên làm. Thế nhưng con dâu không nên mang việc này so đo với việc khác. Đừng mang việc chăm cháu để đổi lại chữ hiếu cho bố mẹ. Phận làm con, hiếu đạo là điều nên làm nhất.

“Bạn làm con lại cân đong đo đếm chữ hiếu, đổi trác bằng việc ông bà chăm cháu với việc con cái chăm bố mẹ lúc về già là điều không nên. Bạn có bao giờ nghĩ, khi bạn về già, ai sẽ là người chăm bạn? Ai rồi cũng sẽ già đi thôi…”, một tài khoản bình luận. 

Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu vốn là mối quan hệ phức tạp. Một vài câu nói chưa rõ ràng sẽ khiến đôi bên hiểu lầm, gây mâu thuẫn. Vậy nên trong gia đình, ứng xử sao cho phù hợp, để mọi người hiểu nhau là điều cần thiết.